Thỉnh thoảng đọc báo trong nước có những qui định làm tôi ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì sự vô lí của nó. Chẳng hạn như bản tin sau đây cho biết muốn mở trường đại học phải có 12% giảng viên có bằng tiến sĩ và 30% là thạc sĩ. Tại sao có con số 12% và 30%? Tại sao không là 11% và 35%?
Thật ra, mấy trường đại học hiện nay ở nước ta chưa hẳn là đại học đúng nghĩa. Chẳng hạn như trường đại học Y dược TPHCM hay đại học Y Hà Nội chỉ tương đương hoặc nhỏ hơn một college of medicine hay faculty of medicine bên này, chứ không phải là “đại học”.
Tôi nghĩ ở VN, chúng ta không cần có thêm đại học, mà rất cần trường cao đẳng dạy nghề. Mắc dù nước ta đang thiếu cả thầy lẫn thợ, nhưng thiếu thợ hơn là thiếu thầy. Cái khổ là người ta thích có chữ “đại học” phía trước cho oai và có thêm quyền lợi. Hình như sai lầm này xuất phát từ nhận thức sai thế nào là một đại học.
NVT
http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/01/824750/
Có ít nhất 12% tiến sĩ mới được tuyển sinh
Có tối thiểu 12% giảng viên là tiến sĩ, 30% giảng viên là thạc sĩ mới đủ điều kiện mở ngành đào tạo và tuyển sinh. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với trường ĐH mới mở theo quyết định mà Thủ tướng ban hành ngày 15/1.
Với quyết định này, việc mở trường ĐH mới phải đảm bảo 6 điều kiện cơ bản.
Đầu tiên, phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới các trường ĐH (đã được Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2007).
Đồng thời, dự án phải xác định rõ mục tiêu nội dung chương trình, lộ trình đầu tư; được UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của trường chấp thuận bằng văn bản và cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Một điều kiện quan trọng khác là đội ngũ giảng viên và cán bộ đủ về số lượng, đạt tiêu chuẩn về phẩm chất và trình độ.
Cuối cùng, tổng diện tích đất xây trường không ít hơn 5 ha và vốn điều lệ chỉ dành riêng đầu tư xây dựng trường (không kể giá trị về đất đai) tối thiểu là 50 tỷ đồng.
Về quy trình thành lập gồm 2 bước: Đầu tiên, Bộ GD-ĐT tiếp nhận dự án đầu tư thành lập trường, thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt. Sau đó, Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ lên quan thẩm định dự án, trình Thủ tướng quyết định. Thời gian giải quyết công việc không quá 20 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ.
Sau 3 năm, kể từ ngày dự án được Thủ tướng phê duyệt, việc triển khai thực hiện dự án chưa theo kế hoạch thì sẽ bị xem xét hủy bỏ chủ trương đầu tư.
Sau 2 năm, kể từ khi có quyết định thành lập của Thủ tướng, nếu trường không chuẩn bị đủ các điều kiện để đào tạo và tuyển sinh thì sẽ bị xem xét thu hồi quyết định.
Việc mở các ngành đào tạo và thời điểm tuyển sinh chỉ được thực hiện sau khi Thủ tướng ban hành quyết định thành lập trường và phải bảo đảm: có đủ số lượng giảng viên cơ hữu đảm nhận tối thiểu 60% khối lượng chương trình của mỗi ngành đào tạo (ít nhất 12%, giảng viên là tiến sĩ, 30% giảng viên là thạc sĩ); diện tích nhà đã xây dựng đưa vào sử dụng đạt bình quân tối thiểu là 9 m2 /sinh viên; trong đó diện tích dùng cho việc học tối thiểu là 6m2/sinh viên; có đủ phòng làm việc cho giảng viên, cán bộ của trường với diện tích tối thiểu 8m2/người; có đầy đủ công trình phục vụ giải trí, thể thao, văn hóa...
Việc chia, tách, sáp nhập trường ĐH (kể cả việc thành lập phân hiệu, cơ sở mới) được xem xét và quyết định trong thời gian 90 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Home »
» Có ít nhất 12% tiến sĩ mới được tuyển sinh
0 nhận xét:
Post a Comment