Tôi không thể nào quên những cái Tết xưa, tức là những cái Tết của 30 năm về trước ở dưới quê. Lúc đó ngoại tôi vẫn còn sống, và mỗi cái Tết là một dịp đại gia đình xum vầy, nhưng hình như có một sự phân chia rành rọt. Các dì tôi và Má tôi thì bận rộn với nồi bánh tét và chuẩn bị đồ ăn. Mấy dượng tôi và cả Ba tôi nữa thì nhâm nhi li rượu đế bàn chuyện thế sự. Còn chúng tôi, những đứa cháu tứ phương bốn hướng, tụ tập nhau ở nhà ngoại nói chuyện đã qua và chúc nhau may mắn trong năm sắp tới. Chuyện làm ăn, chuyện học hành, chuyện bồ bịch, v.v… Còn mấy đứa nhỏ hơn thì xúng xính trong bột đồ mới, tay cầm mấy đồng tiền lì xì như sợ ai đánh lấy! Đám nhỏ này hay bị sai vặt, nhưng hình như chúng cũng rất vui để được sai! Thời đó, chiến tranh ầm ầm mà không khí Tết vẫn đầm ấm làm sao. Còn thời nay, nước mình không còn chiến tranh thì tôi lại chẳng có Tết gì. Đơn giản là vì mình chọn xa quê, nên phải ngồi đây viết mấy dòng lan man này ...
Một người bạn ở Việt Nam viết email sang hỏi: Ở bên ấy ăn Tết ra sao? Đã 25 năm qua, câu trả lời của tôi vẫn chưa có gì thay đổi: Không có ăn Tết, chỉ có hoài niệm Tết. Tại sao ư? Tại vì, tôi nghĩ chỉ có ở Việt Nam mới có Tết mà thôi, còn ở đây thì chỉ có New Year – Năm Mới. Nhưng với người Việt, Tết không chỉ đơn giản là năm mới, mà là một lễ hội, là cái mốc để người Việt dù ở phương trời nào cũng có để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, là dịp sum họp, đoàn viên để giảo nghiệm lại những nỗi buồn vui, những bước chân cũ của 365 ngày đã qua, để đốt lên một ánh lửa nhận đường cho một cuộc khởi hành hi vọng là tốt đẹp trong 365 ngày sắp tới.
Với tôi và những người từng sống ở “miệt vườn”, Tết là thời điểm giao hòa giữa gió mây lơi lả, đất trời hội tụ. Tết là lúc mùa màng xong xuôi, khí trời sáng sủa, thời tiết dịu lại. Những làn gió bấc se lạnh thổi qua rặng dừa nước lao xao phập phồng chỉ vừa đủ cho người đi câu cá phải lồng thêm cái áo len ấm. Tất cả những cái nhỏ nhặt, tầm thường, và có khi vô nghĩa ấy thường bằng phẳng lặng thay nhau đan xén trong những ngày cuối năm bất chợt gờn gợn trước mắt, làm cho mình xôn xao tâm trí, xao xuyến trong lòng, thành một ý nghĩa khác: ý nghĩ Tết. Ở đây thiếu những cái nhỏ nhặt tầm thường đó; thiếu những giọt nắng hanh vàng, những hạt mưa bất thình lình trong suốt, những làn gió thoảng bay qua vườn; thiếu cái lư hương, nồi bánh tét; thiếu bà con, chòm xóm, trẻ con thiếu lì xì … thì sao gọi là Tết được.
Vì thế, tôi nghĩ Tết là một văn hóa hiệu của Việt Nam, cũng như phở là món ăn đặc thù của người Việt. Vậy thì chúng ta nên chăng thay cái câu “Happy New Year” thành “Happy Tet” khi truyền thông cho người nước ngoài.
Tết. Phải viết hoa! Chỉ là một cái tên, hay một cách gọi cho sự biến chuyển của thời tiết như nhiều nhà văn hóa giải thích. Nhưng tên hay cách gọi cũng là một cách truyền đạt xúc cảm trong tâm thức, cách tự đồng hóa với cảm xúc để củng cố nó, để truyền ý nghĩa nó cho người khác. Tôi thì nghĩ Tết là một tâm điểm của những chuỗi xúc cảm, được đồng hóa tri nhận hoặc được ẩn giấu tiềm mặc, là quá khứ được dung dưỡng trong hiện tại. Tết chính là cái neo tinh thần giữ chân người Việt lại với cội nguồn.
Một nhà văn nào đó từng nói trong mỗi người Việt đều hàm chứa một cái “quê”. Quê là cội nguồn. Cái quê đó chỉ chờ đúng thời điểm thì nó trỗi dậy. Có lẽ Tết là cái thời điểm đó. Những câu hỏi “Tết này anh có về quê không” đã quá quen với người xa quê, như nhắc nhở cái cội nguồn nông nghiệp của dân tộc. Quê anh ở đâu? Sydney. Không, trước khi đến Sydney anh ở đâu? Tôi sinh ra ở Sài Gòn. Nhưng có lẽ ba má hay ông ngoại hay bà nội anh là người dưới quê. Sydney hay Sài Gòn không phải là quê. Quê là cái địa điểm khởi hành của một người, một thế hệ. Quê là cái làng không xa kinh kì sáng chói (2), nơi có những vườn cây mát rượi, có những cánh đồng xanh rì mà anh ba chị bảy suốt năm tần tảo bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Quê là hương đồng cỏ nội (1), là nơi có cầu ao yên giấc ngủ trưa, cây me già trước ngõ, mùi hương lối xóm bay đi tràn trề (2). Quê là nơi có con sông buồn mênh mang, tĩnh lặng, hết tháng này sang năm nọ đem phù sa về nuôi dưỡng ruộng lúa nương khoai.
Những ngày cuối năm ở một nơi rất xa quê, tận cùng vùng Nam bán cầu này, trong cái thời tiết không có gió bấc mà chỉ chợt mưa chợt nắng chẳng vì đâu cõi tâm thức thường ngày vốn chỉ dành cho những câu hỏi xương xậu và trừu tượng chợt xao xuyến một cách vô cớ. Cái chông chênh của đất trời như đang phụ họa với lòng của kẻ xa quê nghĩ về một cái gì từng là nỗi băn khoăn nghìn đời của một kiếp người. Giữa ngổn ngang những tập tài liệu, hình ảnh đen trắng và những thước phim làm điểm tựa cho một thần trí như trong trạng thái thảng thốt, tôi thả hồn mình theo từng tờ lịch đang mỏng dần trên tường. Tôi nhận ra hôm nay là ngày Ba Mươi Tết. Ngày đón ông bà. Tôi hình dung ra bên nhà lúc này chắc đang bày mâm mứt, mâm trái cây, đốt bộ cúng bên cái cà ràng, và lâm râm nhờ ông bà phù hộ làm những việc làm tốt trong năm của cả nhà. Một cái Tết lại sắp tới, hay nói đúng ra là đang tới.
Mở tờ báo cuối năm tôi bắt gặp những câu thơ của Đỗ Trung Quân nói lên cái tâm trạng và hoàn cảnh của mình lúc này: Ta quê hương lại thiếu một quê nhà / Chiều cuối năm nhìn những chuyến xe qua / Mấy mươi năm vẫn một chiều rất cũ / Vắng tự trong lòng … Vắng thổi ra. Những câu thơ mang trong nó ý nghĩa một ngậm ngùi cho một thân phận xa quê trong ngày Tết. Nhưng Tết là cái neo, cho nên dù ở đây không có Tết tôi vẫn nghĩ đến Tết, đến ngày xuân, vẫn băn khoăn trước cái hiển nhiên mà vô hình của bước đi của ngày tháng. Trong cái tuần hoàn của thời gian có tôi đang ngồi đây rung cảm trước buổi giao mùa của cái Tết ở bên nhà, và cũng là buổi giao mùa của chính đời tôi: lên một tuổi. Rồi lát nữa đây, tôi sẽ lắng mình nghe tiếng tích tắc của kim đồng hồ báo hiệu một năm mới, và để sống tiếp với đời bằng một tâm tư Nhật nhật tân, hựu nhật tân (3).
Thôi, năm cũ sắp qua và năm Kỉ Sửu sắp đến, tôi cũng nhân dịp này làm cái việc muôn đời của tiền nhân để lại là chúc các bạn xa gần, đã quen và sắp quen, một năm mới nhiều may mắn, anh khang, và thịnh vượng. Thời kinh tế khó khăn, chúng ta cần may mắn và thịnh vượng!
Chú thích:
(1) Thơ Nguyễn Bính; (2) Ca từ của Nhạc sĩ Phạm Duy; (3) Tạm dịch lời chúc Tết đến thanh niên của cụ Phan Bội Châu: Mỗi ngày là một nỗ lực làm mới chính mình.
0 nhận xét:
Post a Comment