Tuần trước báo Tuổi Trẻ cuối tuần có đăng bài viết về tiêu chí và tiêu chuẩn giáo sư của tôi. Trong bài đó tôi không dịch chức danh “Assistant Professor” ra tiếng Việt vì … tôi bí. Vài ngày sau tòa soạn có chuyển cho tôi góp ý của một bạn đọc bên Canada để tôi “phản hồi”. Dưới đây là lá thư góp ý. Bạn đọc này lí giải và đề nghị dịch chức danh “Assistant Professor” của Mĩ thành “Phó giáo sư”, và “Associate Professor” là “Giáo sư”.
Tôi có viết vài hàng phản hồi. Vì báo chưa đăng nên tôi không thể đề tên của tác giả góp ý được, mà chỉ muốn post lên đây như là một chia sẻ thông tin. (Nếu tác giả có đọc, xin anh thông cảm). Thú thật, cho đến nay tôi vẫn lúng túng về mấy chức danh này. Tôi muốn hỏi các bạn quan tâm đến vấn đề: nên dịch chức danh Assistant Professor sang tiếng Việt là gì ?
===
Góp ý về các chức danh giáo sư
Trong bài “Tiêu chí đề bạt chức danh giáo sư” của Nguyễn Văn Tuấn đăng trong Tuổi Trẻ cuối tuần số 3-2009, ngày 18-1-2009, tác giả bài viết gọi “associate professor” là “phó giáo sư”, còn “assistant professor [ở Mỹ] rất khó dịch sang tiếng Việt,…” Có lẽ tác giả bài viết trên dựa theo cách gọi mà VN sử dụng, nhưng đấy là cách gọi không đúng.
Để tìm hiểu một cách chính xác các từ “associate” và “assistant”, ta nên tra cứu cẩn thận hai từ này trong một cuốn từ điển Anh ngữ, như Oxford chẳng hạn. Trước hết, “associate” có ý nghĩa rõ ràng là “liên kết [về nghề nghiệp hoặc tổ chức]”, mà không nói gì về thứ bậc cả; chỉ trừ tư cách hội viên [liên kết] của một hội đoàn thấp hơn so với hội viên thực thụ, ví dụ “hội viên liên kết (associate member) thì không có quyền bỏ phiếu.” Như vậy, “associate professor,” theo đúng ý nghĩa của tiếng Anh, là giáo sư tương đương với “[full] professor” về nghiệp vụ chuyên môn nhưng khác không nhiều (thấp hơn) về hạn ngạch quản lý, và nhất là không có ý nghĩa gì về “phó” cả. Còn “assistant” có ý nghĩa là “trợ lý, và có thứ bậc thấp hơn.” Do đó, “assistant professor” đích thị là “phó giáo sư,” thấp hơn về nghiệp vụ chuyên môn và hạn ngạch quản lý đối với cả hai “associate professor” và “[full] professor.” Cuốn “Từ điển Anh-Việt” của Viện Ngôn ngữ học chua “associate professor” là “phó giáo sư,” và “assistant professor” là “trợ giáo” là hoàn toàn sai, không đúng theo ý nghĩa vừa giải thích. Tôi dám chắc trăm phần trăm là hỏi một “associate professor” người Mỹ nào biết nói, đọc, viết tiếng Việt khá lưu loát rằng ông giáo sư nghĩ sao về việc gọi “associate professor” là “phó giáo sư” thì chắc chắn ông giáo sư Mỹ đó sẽ không đồng ý với cách gọi như vậy. Ở Mỹ và Canada, chỉ có ba chức danh full, associate và assistant professors mới được gọi là “giáo sư nghiệp vụ” với trách nhiệm rõ ràng là nghiên cứu, giảng dạy, và hoạt động cho cộng đồng chuyên môn và xã hội. Và chỉ có các giáo sư nghiệp vụ mới là “lõi” của mỗi khoa (department) của một trường đại học (faculty, college, school).
Việt Nam muốn hòa nhập với thế giới thì cần phải sửa đổi lại các chức danh giáo sư này, theo đúng tinh thần là “trả lại cho Caesar những gì của Caesar.” Trong tinh thần đó, tôi đề nghị gọi “associate professor” là “giáo sư chính” (hoặc “giáo sư trưởng”), còn “phó giáo sư” nhất thiết phải là “assistant professor.”
NH
====
Và đây là trả lời của tôi:
Thành thật cám ơn bạn NH có lời góp ý về các thuật ngữ khoa bảng trong bài viết của tôi. Nhân dịp này, tôi muốn bàn thêm và giải thích vài điểm trong bài có thể gây ngộ nhận cho bạn đọc:
Thứ nhất, không thể dựa vào những giải thích trong các từ điển phổ thông (như Từ điển Oxford) để hiểu các thuật ngữ khoa bảng. Chẳng hạn như ở Pháp có chức danh “Maître de Conference” không thể dịch là “thầy giảng”, hay ở Úc và Anh có chức danh “Reader” không thể hiểu “người đọc” theo cách hiểu của các từ điển phổ thông. Xin nói thêm rằng “Maître de Conference” tương đương với chức danh “Assistant Professor” của Mĩ, và “Reader” tương đương hoặc hơn chứa danh “Associate Professor” của Mĩ.
Thứ hai, chữ “associate” tuy nghĩa thông thường là “liên kết” hay “liên quan”, nhưng trong bối cảnh khoa bảng thì hoàn toàn không có nghĩa đó. Chẳng hạn như trong các hiệp hội khoa học, “associate member” thường được sử dụng để chỉ các hội viên dự khuyết, tức chưa đủ điều kiện để trở thành một hội viên chính thức (chứ không có nghĩa là “hội viên liên kết”). Một ví dụ khác: ở Úc, các trường cao đẳng cấp bằng “Associate Diploma” cho những người học nghề 2 hoặc 3 năm, để phân biệt với các bằng “Diploma” do các trường đại học cấp, chứ hoàn toàn không có nghĩa bằng “liên kết”.
Thứ ba, như chúng ta biết các đại học Mĩ có chức danh giáo sư: Assistant Professor, Associate Professor, và Professor. Tiêu chuẩn để đề bạt chức danh Professor cao hơn tiêu chuẩn cho một Associate Professor. Do đó, tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng Associate Professor là tương đương với Professor, bất kể dựa vào nghiệp vụ chuyên môn hay tiêu chuẩn khoa bảng.
Thứ tư, cả hai chữ Assistant và Associate đều có thể dịch là “phó” nhưng tùy thuộc vào văn cảnh và hệ thống. Trong hệ thống chính phủ Mĩ, assistant secretary là thứ trưởng. Trong các tập san khoa học, associate editor là phó biên tập. Do đó, theo ngữ cảnh khoa bảng và dựa vào thứ bậc khoa bảng vừa trình bày, tôi nghĩ cách dịch hiện nay ở Việt Nam (Associate Professor là “Phó giáo sư”, và Professor là “giáo sư”) cũng hợp lí.
Thứ năm, cách gọi đôi khi tùy thuộc vào bối cảnh lịch sử và … thói quen. Chẳng hạn như ở Anh có trường đại học University College London (UCL) rất khó dịch, nhưng danh xưng đó là do lịch sử để lại sau khi trường được nâng cấp từ cao đẳng (college) lên đại học (university). Chức danh “Assistant Professor” của Mĩ cũng là một di sản lịch sử, vì nó ra đời khi hội đồng khoa bảng của trường đại học Johns Hopkins vào đầu thế kỉ 20 đề ra chức danh này để cố tình gây ấn tượng độc lập với các chức danh bên Âu châu (Đức) mà họ thừa kế vào cuối thế kỉ 19. Chữ Assistant có thể hiểu theo nghĩa phụ tá, phụ trợ, như Teaching Assistant là người trợ giảng trong các đại học. Do đó, chức danh Assistant Professor cũng có thể dịch là giáo sư trợ lí, dù trên thực tế những người giữ chức danh này có thể là những nhà nghiên cứu độc lập, chẳng phụ trợ cho ai, và cũng chẳng đóng vai trò “phó” cho ai.
Do những khác biệt hệ thống tổ chức đại học và thứ bậc khoa bảng giữa các nước trên thế giới, nên rất khó chuyển ngữ các thuật ngữ về chức danh khoa bảng từ các nước Âu Mĩ. Tất cả những chức danh như “giáo sư” và “phó giáo sư” hiện nay chỉ có thể hiểu theo nghĩa tương đối và trong bối cảnh tổ chức đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi thấy cách dịch hiện nay ở trong nước là có thể chấp nhận được.
Hội nhập không có nghĩa là bắt chước. Tôi nghĩ Việt Nam không cần phải bê nguyên si cách làm của Mĩ, Canada, Úc, Pháp, hay Thái Lan. Theo tôi, Việt Nam nên chọn cho mình một mô hình đề bạt khoa bảng sao cho tiêu chuẩn phù hợp với tình hình địa phương, nhưng tiêu chí thì phù hợp với các đại học Âu Mĩ, và đó chính là hội nhập vậy.
NVT
Home »
» Vấn đề dịch thuật chức danh khoa bảng
0 nhận xét:
Post a Comment