Home » » Chiến lược giáo dục - 3 sôi 2 lạnh

Chiến lược giáo dục - 3 sôi 2 lạnh

Bản dự thảo chiến lược giáo dục này đã đến phiên bản thứ 14. Thoạt đầu mới nghe qua thì chúng ta tưởng là đã bàn thảo nhiều lần rồi, nhưng trong thực tế thì bản được trình làng là bản thứ 12.

Cách làm ở Việt Nam ta thật khác với cách làm ở các nước tiên tiến trên thế giới. Ở Việt Nam, các dự thảo chiến lược hay những đề cương tương tự đều do các “chuyên gia” của các bộ làm, họ thảo luận kín, rồi đùng một cái trình làng để bà con phản biện. Thật ra, phản biện chỉ có hình thức thôi, chứ mọi chuyện họ đã quyết định hết rồi và chẳng có phản biện nào làm thay đổi quyết định của họ. Do đó, thoạt đầu mới nghe qua thì dân chủ đấy, nhưng thật ra là dân chủ cho có hình thức thôi. Điển hình là qui chế về đào tạo tiến sĩ mà Bộ GDĐT mới soạn thảo gần đây, họ hoàn toàn lờ đi những nhận xét và góp ý của công chúng trong thời gian qua. Có thể các chuyên gia này chẳng bao giờ đọc báo nên chẳng biết công chúng nghĩ gì. Có thể họ đọc báo, nhưng họ không hiểu; hay hiểu mà bất cần, vì họ nghĩ họ là chuyên gia, chẳng cần nghe ý kiến ai cả. Cũng có thể họ lười suy nghĩ, chỉ lấy bản cũ soạn lại cho chắc ăn. Và, cũng có thể họ biết hết, nhưng chỉ soạn theo ý kiến chỉ đạo của lãnh tụ nào đó. Nhưng nói gì thì nói, tôi nghĩ cách làm của họ thiếu tính dân chủ.

Còn ở các nước tiên tiến thì họ làm ngược lại. Để thay đổi chính sách hay đề ra chiến lược mới, bộ giáo dục sẽ giao cho một chuyên gia từ một trường đại học hay viện nghiên cứu chủ trì. Chuyên gia này có nhiệm vụ tập hợp các đồng nghiệp trong ngành thành lập ủy ban. Ủy ban lên kế hoạch làm việc, và khi có kết quả, ủy ban có nhiệm vụ báo cáo cho bộ trưởng biết. Cách làm việc của ủy ban rất đơn giản: họ ra thông cáo kêu gọi tất cả (nhấn mạnh: tất cả) những ai quan tâm đến giáo dục đệ trình quan điểm của mình, góp ý về đường lối, chủ trương, và các ý kiến này phải được trình bày trong một văn bản nghiêm chỉnh, và gửi cho ủy ban. Trong kì chấn chỉnh giáo dục vừa qua ở Úc, ủy ban cải cách nhận được góp ý của nhiều đại học, công ti, doanh nghiệp nhỏ, cơ quan chính phủ, cá nhân, v.v… mà tổng số trang giấy lên đến 51.000 trang! Công việc khó của ủy ban là tổng kết ý kiến, kèm theo những kiến nghị cụ thể để trình bày cho bộ trưởng. Thời gian trung bình làm việc là 1-2 năm. Cách thức làm việc này rõ ràng là dân chủ hơn cách làm ở nước ta.

Quay trở lại bản dự thảo chiến lược giáo dục. Tôi có đọc qua phiên bản thứ 12, nhưng vì thấy quá chung chung nên chẳng có gì để nói. Việt Nam đổi mới nhiều chỗ khác thì tôi có thấy, nhưng chỗ này (Bộ GDĐT) thì chẳng có gì đổi mới cả. Ngay cả văn phong trong bản dự thảo cũng y chang như thời bao cấp: hô hào khẩu hiệu, chung chung (ghét nhất là cái này vì nó như đánh đố và làm mất thì giờ người khác), đánh giá quá khứ toàn màu hồng, và mục tiêu thì toàn màu xanh quá đẹp. Nói chung là thiếu tính thực tế.

Thiếu thực tế rõ rệt nhất là mục tiêu có trường đại học đẳng cấp quốc tế trong vòng 10 năm. Có lẽ quí vị trong ban soạn thảo chiến lược này nằm mơ ban ngày, hay là họ cố tình bán niềm tin cho công chúng, chứ với tình trạng hiện nay (năng suất khoa học không bằng 1/10 Singapore và 1/5 Thái Lan) thì làm sao có một đại học đẳng cấp quốc tế trong vòng 10 năm! Những chuyện nhỏ nhất như giáo sư không có phòng làm việc, thậm chí có trường máy fax còn cà rịch cà tang, website chết, thư viện còn thua thư viện một trường trung học, v.v… mà nói chuyện "đẳng cấp quốc tế" thì quả là khôi hài. Quá khôi hài. Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng. Do đó, nếu có góp ý gì, có lẽ tôi sẽ nói: hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất và cụ thể nhất trong việc tổ chức lại đại học sao cho các trường này thoát khỏi cái chức năng dạy nghề như hiện nay.

Xin trích ý kiến của Gs Chu Hảo: “Xin Bộ GD và ĐT đừng làm đến bản dự thảo chiến lược lần thứ 15. Vì chúng tôi không biết còn đủ thời gian, tâm huyết, và có còn…gan để góp ý nữa hay không. Mà nếu có làm đến như thế, cũng là một sự hạ thấp uy tín của bộ. Xin đừng tiếp tục làm những đề án chắp vá như thế này. Chúng ta phải bình tĩnh ngồi lại với nhau, từ việc đánh giá lại thực trạng GD nghiêm túc, chứ không phải là kiểu “3 sôi 2 lạnh” như hiện nay".

Đồng ý 100% với giáo sư Hảo! Cần thêm một ý: bỏ cách làm phi dân chủ hiện nay, nên học cách làm dân chủ hơn của nước ngoài. Không nên để cho Bộ GDĐT vừa đá bóng vừa thổi còi!

NVT

===


http://tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/6318/index.aspx

Chiến lược giáo dục: Người hoan nghênh, người muốn bỏ

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo các trường đại học, cao đẳng góp ý Chiến lược phát triển GD 2009 – 2020 (dự thảo). Trước đó, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật VN cũng tổ chức hội thảo về chủ đề này. Song, ý kiến góp ý của hai hội thảo dường như có khoảng cách khác nhau rất lớn.

Dự thảo đạt tầm hay chệch hướng?

Nhận định chung về bản dự thảo (lần thứ 14) Chiến lược GD 2009- 2020, hầu hết hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường ĐH đều “nhất trí với bản dự thảo”. Nhiều người tỏ lời khen tổ công tác (Viện Khoa học Giáo dục VN) đã làm việc nghiêm túc, hiệu quả, bản dự thảo được soạn thảo công phu, giải pháp ngắn gọn và phù hợp với mục tiêu đề ra…

GS Nguyễn Văn Lê (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương) khẳng định: “...Chưa có ý kiến nào phủ nhận, hoặc đưa ra cái gì mới mang tầm vượt bản dự thảo chiến lược này... Đây là cố gắng rất lớn của Bộ GD và ĐT. Tôi thấy rằng chúng ta đã xây dựng chiến lược có ý nghĩa định hướng cho giáo dục VN trong những năm tới.”

Trong khi đó, GS Hoàng Tụy - người có ý kiến phát biểu đầu tiên tại buổi hội thảo của Liên hiệp các hội KHKTVN lại cho rằng GD mà ta đang xây dựng và thể hiện trong bản dự thảo lần thứ 14 "không phải là GD cần thiết cho xã hội này, thậm chí có nguy cơ là phản giáo dục(!). Giáo sư chỉ rõ: sự lãnh đạo của bộ phận quản lý giáo dục vĩ mô thiếu tính chuyên nghiệp. Một số mục tiêu của ta trong chiến lược này, nghe rất kêu nhưng rỗng tuếch, không khả thi".

GS Trần Hữu Nghị (Trường ĐH dân lập Hải Phòng) thì cho rằng dự thảo đã thể hiện công phu, tập trung trí tuệ của đội ngũ làm việc. Đánh giá đúng đắn chất lượng GD hiện tại… Quan điểm GD đáp ứng nhu cầu xã hội là quan điểm đúng.

Còn GS Đỗ Sanh tại hội thảo của Liên hiệp các hội KHKTVN lại nói: "Nêu mục tiêu "dạy những gì xã hội cần", nhưng lại có một sự thực nữa là chúng ta không thể dạy những gì xã hội cần. Vì xã hội biến đổi liên tục, nếu chỉ chạy theo các mục tiêu trước mắt mà xã hội cần, thì trường ĐH không khác gì một trường dạy nghề".

Đồng cảm với ý kiến này, GS Lê Du Phong (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nhận xét: Bản dự thảo chiến lược đánh giá thực trạng quá “ngon lành”. Nếu thực trạng đúng như thế thì xã hội đã không đến nỗi quá bức xúc như hiện nay. Đề nghị Bộ GD và ĐT nên dũng cảm hơn trong việc nhìn nhận đánh giá thực trạng nền GD.

Theo GS, hạn chế thấy ngay trong dự thảo là cấu trúc cơ thể GD là không chuẩn xác. Nội dung và phương pháp GD đưa ra ở tất cả các cấp học không chuẩn. "Ta không dạy làm người, mà dạy “lý tưởng…”. Những điều dạy trong trường rất hay, rất đẹp, nhưng khi trẻ con bước ra khỏi cổng trường là thấy hoàn toàn ngược lại".

Nguyên nhân sâu sa hơn ở chỗ, nên xem lại chính sách GD của chúng ta. Chính sách GD như hiện nay sẽ không bao giờ khắc phục được những bất cập của hệ thống. Ngành ra sức đào tạo giáo viên nhiều hơn nữa, nhưng hệ thống điều hành GD không thay đổi thì mọi nỗ lực khác bằng không.
Nhưng PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn (Trường ĐH Cần Thơ) lại cho rằng: "Bảy phần của dự thảo chiến lược đã chỉ ra một cách hợp lý yếu kém và nguyên nhân yếu kém, thể hiện tính quyết tâm của nhóm làm chiến lược. Tính chất đổi mới và cải cách được thể hiện rõ…Tính dân chủ, công khai, minh bạch và tính trách nhiệm được coi trọng. Quan điểm mục tiêu giải pháp được chọn là hợp lý”.
“Trong bộ” phản biện ít, “ngoài bộ” chê nhiều

"Ngành GD vẫn tuyên bố không tham nhũng, lãng phí. Tôi thì thấy ngược lại. Lãng phí trong GD phải có con mắt chuyên nghiệp mới thấy được", GS. Hoàng Tụy bức xúc về tình trạng chi tiêu ngân sách cho GD. Hiện nay ta có những chi tiêu giật mình. Theo tính toán của một số nhà nghiên cứu GD, với mức chi ngân sách cho GD như hiện nay, ta hoàn toàn đủ khả năng để cấp lương cho thầy, cô giáo đàng hoàng mà không phải dạy thêm, “bịa” thêm".

Để chi tiêu tài chính hiệu quả, TS Bùi Trân Phượng (Trường ĐH Hoa Sen) đề nghị: "Nên giao cho các trường tự quyết định mức lương của giáo viên, dựa trên năng lực làm việc cụ thể. Áp dụng đại trà ở trường công cách thực hiện đã thành công ở các trường ĐH tư thục".

Nhưng "Bộ còn chưa tự chủ được thì làm sao mà giao quyền tự chủ cho trường”. Ý kiến của TS Đỗ Văn Xê (Trường ĐH Cần Thơ), được chính Thứ trưởng thường trực Bành Tiến Long nhắc lại trong bài phát biểu tổng kết.

Trong số các đại biểu dự hội thảo do Bộ GD và ĐT tổ chức, PGS. TS Thái Bá Cần (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM) có lẽ là một trong những người có ý kiến mang màu sắc “phản biện” rõ nhất. Ông cho rằng cách trình bày tình hình GD kiểu "thành tựu - yếu kém" là cách truyền thống, dễ gây tranh cãi. Đặc biệt bức tranh GD VN không thật rõ nét. Hiện trạng nên được trình bày theo tiêu chí đã được công nhận của UNESCO - vừa khách quan, vừa dễ so sánh với các nền GD khác.
PGS Thái Bá Cần cũng chỉ rõ: Bản dự thảo chưa hoàn chỉnh về việc xây dựng các mục tiêu chiến lược – phần quan trọng nhất. Ngành đưa ra ba mục tiêu, nhưng hai mục tiêu đầu chỉ là hai nhóm chỉ số về số lượng và chất lượng, mục tiêu thứ ba cũng chỉ là phương tiện.

Tương tự, nhiều giải pháp đưa ra cũng là sự lặp lại chỉ tiêu, không phải là giải pháp, kiểu như: 100% giảng viên ĐH là thạc sĩ trở lên, trong đó có 30% là tiến sĩ; các hoạt động trong giải pháp chưa được kiểm chứng.

Ý kiến của GS Phạm Tất Dong (Hội Khuyến học VN) được sự đồng tình của nhiều đồng nghiệp trong Liên hiệp các hội KHKTVN: Vai trò của ngành GD và ĐT trong văn bản dự thảo chiến lược rất mờ, không nói rõ việc thực hiện sẽ diễn ra như thế nào.

Có vẻ như chúng ta đang thú vị lắm với GD mất tiền, nên cứ lâu lâu lại nói đến tăng học phí, và cứ nói say sưa mãi. Nhưng sự thực điều này không phải là xu hướng chính của thế giới. Nói xây dựng “xã hội học tập” nghĩa là mỗi người dân phải có cơ hội học tập, như khoảng 50 triệu người lao động hiện nay sẽ được tiếp cận với GD ra sao? Thực tế cho thấy GD cho người lớn rất hiếm hoi, không trở thành một ngành học về thực chất.

Mặt khác, chúng ta không nên chạy theo việc mở trường ĐH khi không thể đào tạo đủ đội ngũ giảng viên. Thay vào đó cần đẩy mạnh dạy nghề ngắn hạn, phục vụ đời sống trước mắt cho rất nhiều người đến tuổi lao động, đặc biệt vùng nông thôn.

GS Bùi Văn Ga (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cho rằng tiêu chí xây dựng 30 trường ĐH về nghiên cứu khoa học cơ bản không khả thi, ngành nên nhấn mạnh nghiên cứu ứng dụng, vì nó rất cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Dự thảo đến lần thứ 15 hoặc hơn thế nữa?

Gần đây, nhóm nghiên cứu của GS Hoàng Tụy và Viện Nghiên cứu phát triển IDS có đưa ra một bản kiến nghị chấn hưng GD. Một số nhóm nghiên cứu khác của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nhóm của các nhà nghiên cứu GD Việt kiều... đều có đề xuất cải cách GD ở tầm chiến lược: quan điểm - triết lý - mục tiêu GD. Hầu hết các tài liệu này đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức.

Sau rất nhiều ý kiến bày tỏ thái độ không đồng tình với nội dung dự thảo chiến lược, GS Chu Hảo thẳng thắn: "Đọc xong bản dự thảo, và đọc các ý kiến trên báo chí, có thể nhận ra ngay rằng đang có sự khác biệt rất lớn giữa Bộ GD và ĐT với công luận về việc nhận định nền GD hiện tại. Cả xã hội đang bức xúc, còn Bộ GD và ĐT thì thấy khá tốt đẹp, chỉ cần cải tiến chút nữa. Vậy làm thế nào ta có thể để đối thoại được với nhau?

Vừa rồi, ngành GD và ĐT đưa ra chuẩn phát triển cho trẻ 5 tuổi, trong đó có tiêu chí cho các em là: Nhận biết được cảm xúc của người khác là bực mình hay sung sướng. Vậy tại sao ngành lại không biết xã hội đang bực mình thế này?"(!)

GS Chu Hảo đề nghị: “Xin Bộ GD và ĐT đừng làm đến bản dự thảo chiến lược lần thứ 15. Vì chúng tôi không biết còn đủ thời gian, tâm huyết, và có còn…gan để góp ý nữa hay không. Mà nếu có làm đến như thế, cũng là một sự hạ thấp uy tín của bộ. Xin đừng tiếp tục làm những đề án chắp vá như thế này. Chúng ta phải bình tĩnh ngồi lại với nhau, từ việc đánh giá lại thực trạng GD nghiêm túc, chứ không phải là kiểu “3 sôi 2 lạnh” như hiện nay".

Nhưng ngay sau đó, PGS. TS Phan Văn Kha – Viện Khoa học GDVN– cơ quan soạn thảo dự thảo chiến lược vẫn kiên nhẫn nhắc lại ý kiến: "Chắc dự thảo này không thể dừng lại ở bản thứ 14".

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : toan_dang78@yahoo.com
Copyright © 2013. Luyện Nghe Tiếng Anh - All Rights Reserved