Bài viết sau đây là của một anh bạn nhờ đăng. Chúng ta đã nghe nhiều về phong cách “phục vụ” của tiếp viên Air Dùi Cui, nhưng ít ai phản ảnh văn hóa của nhân viên hải quan và an ninh trong nhà ga. Bài viết sau đây của anh Hoài Ngọc kể lại một sự việc có thể nói là nhỏ, nhưng ý nghĩa thì không nhỏ chút nào: đó là thái độ của nhân viên hải quan đối với hành khách ở các phi trường. Cái gốc của vấn đề, theo tôi, là giáo dục và cái mà tiếng Anh gọi là professional ethics – tạm dịch là đạo đức chuyên môn. Theo tôi thấy giới hải quan và an ninh phi trường thiếu đạo đức chuyên môn, nên thái độ của họ có phần thô lỗ và thiếu lịch sự. Chỉ có một cách cải tiến tình hình: nên cho họ đi nước ngoài để học phong cách hải quan và an ninh của các nước văn minh. NVT
===
Đạo đức chuyên môn của giới an ninh sân bay
Hoài Ngọc
Cách đây mấy năm, sau chuyến công tác Hà Nội, tôi ra sân bay Nội Bài đáp chuyến bay trở lại Sài Gòn. Anh trai tôi một cựu chiến binh và mấy em, cháu nữa cùng đi tiễn tôi. Anh em chào tạm biệt nhau bên ngoài hàng rào chắn, tôi đi qua hàng rào, hướng đến quầy soát vé trước khi qua cổng kiểm tra an ninh con người, để vào phòng chờ lên máy bay … Sau quầy vé có một cô nhân viên đứng sẵn, bên cạnh là một lính biên phòng mặc sắc phục tươm tất, mày râu nhẵn nhụi, đứng nghiêng người tỳ khuỷu tay lên bàn quầy. Tôi bước tới trước mặt cô nhân viên, móc túi lấy vé đưa ra. Bỗng nghe anh lính biên phòng buông hai tiếng cụt ngủn, khô khan như một khẩu lệnh trong quân đội:
- Xếp hàng
Tôi sững lại, ngơ ngác nhìn quanh, không có khách nào xếp hàng, không có cái hàng rào tạo ra hành lang xếp hàng. Nghĩa là, không có dấu hiệu gì về một cái “hàng” cho khách đứng theo. Tôi cũng buông câu trả lời:
- Làm gì có hàng mà xếp !
Tay biên phòng gằn giọng, nhiệt độ giọng nói tăng lên:
- Hàng ở kia.
Và ngón tay gã lính chĩa xuống phía sau lưng tôi, trên mặt đất. Tôi quay người nhìn theo: một cái vạch sơn đỏ, sậm màu do bẩn bụi đất, mờ mờ vì nhiều giày dép chà xát, cách chỗ tôi đứng khoảng hai thước.
Anh trai tôi còn đứng bên kia hàng rào barrie, cách xa vài chục thước, vẻ nhấp nhổm, nôn nóng, lớn tiếng hỏi “Có chuyện gì thế ?”. Tôi giơ tay ra hiệu “không có chuyện gì” bởi vì ngại nói to những điều chẳng đáng nói, thực là vì tôi buồn quá.
Tôi thong thả lùi lại, đứng sau vạch sơn đỏ bẩn như quết trầu của bà già ngày xưa, lòng trĩu nặng buồn bã về thái độ trịch thượng, thô lỗ của một tên lính thời bình ở ngay sân bay thủ đô nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Tôi giận gã lính thì ít mà buồn nhiều vì sự cẩu thả trong việc giáo dục quân nhân của “Đảng ta”. Bất kỳ người lính nào bây giờ cũng thuộc lòng sáu chữ “Trung với Đảng, hiếu với dân” nhưng có mấy ai nhớ ba chữ đi sau “Hiếu với dân” ?! Đảng chỉ cần người lính thuộc lòng ba chữ đầu thôi.
Khi đã vào phòng chờ ra máy bay, tôi mới rút điện thoại nói chuyện với ông anh (lúc này hẳn đã rời khỏi Nội Bài quay về nhà). Tôi hờn mát mà nói: uổng công anh ném cả tuổi thanh xuân vào chiến trường B, K, nay trở về quê làm nông dân, khonah tay đứng nhìn mấy gã lính thời bình mặt non choẹt được Đảng cưng chiều, hỗn láo với cả nhũng người đáng tuổi cha chú, mà chẳng làm gì được nữa rồi.
Tôi làm nghề giáo dục nên rất nhạy cảm với vấn đề này. Ngành hàng không cần phải soạn kỹ tài liệu dạy dỗ nhân viên trong ngành, binh chủng biên phòng cũng phải biết dạy dỗ lính tráng những bài học đơn giản nhất về thái độ đối xử với nhân dân. Dễ lắm, có khó gì đâu ! Khó là, họ có đủ ý thức trách nhiệm về việc dạy dỗ người của họ hay không.
Thực ra tôi vốn ác cảm với các hãng “quốc doanh”, những lần khác tôi đều chọn Pacific Airlines, tiếc rằng hãng này luôn nằm ở thế “hạ phong”, khó đáp ứng yêu cầu hành khách, mọi ưu tiên E dùi-cui giành giữ hết rồi.
Trong một chuyến khác, tôi đi hãng máy bay South China từ Tân sơn nhất sang Quảng Châu, nhận thấy dàn tiếp viên Tàu cũng với những bộ mặt lạnh như tiền kẽm, như lời anh Nguyễn Văn Tuấn hóm hỉnh viết về tiếp viên của hãng E dùi cui VNA “chẳng bao giờ thấy nàng cười”. Tôi chưa được đi hãng hàng không Âu-Mỹ như GS Tuấn nên chả biết đâu mà so sánh. Thôi thì, tôi so sánh hai hãng mà tôi biết vậy. Có cái gì đó giống nhau giữa hai hãng hàng không XHCN láng giềng này? Mẫu số chung của nó là gì đây ?
Hình như trong hệ thống đạo đức ứng xử với hành khách của hai hãng hàng không này mắc cùng một lỗi hệ thống. Muốn chữa trị ắt phải trị lỗi hệ thống, nếu không thì cứ tốn công đi vá víu hoài những lỗi bộ phận như “vụ áp giải võ sư Lê Văn Khương” ở sân bay Đà Nẵng, cái sân bay từng được thiên hạ ghi nhớ cảnh một sĩ quan cảnh sát giao thông múa gươm giữa đường băng năm nào.
PHN
0 nhận xét:
Post a Comment