Người Việt chúng ta – nói theo báo chí – là nổi tiếng thông minh và sáng tạo. Cứ nhìn qua những sáng chế của giới “Hai Lúa” cũng thấy sức sáng tạo của người mình không đến nổi tệ. Thế nhưng đo lường bằng những chỉ số khách quan thì chúng ta còn thua xa so với các nước trong vùng.
Năng suất khoa học của một quốc gia có thể đo bằng 2 chỉ số chính: số lượng bài báo khoa học và số bằng sáng chế. Số lượng bài báo khoa học công bố trên các tập san khoa học trong danh mục của Viện thông tin khoa học (ISI) có lẽ là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá năng suất của nghiên cứu khoa học. Trong quá khứ và hiện nay, các trung tâm nghiên cứu khoa học vẫn dùng chỉ tiêu đó để định vị một nước trong bản đồ khoa học quốc tế. Chỉ tiêu thứ hai cũng rất quan trọng là số bằng sáng chế (patent). Bằng sáng chế cũng chính là một hình thức chuyển giao công nghệ. Bằng sáng chế có thể đăng kí trong và ngoài nước. Ở nước ngoài, rất nhiều (có lẽ đa số) bằng sáng chế được đăng kí ở Mĩ. Do đó, người ta thường dùng số bằng sáng chế đăng kí ở Mĩ như là một thước đo thứ hai để đánh giá năng suất khoa học của một nước.
Trong thời gian qua, tôi và một số bạn khác đã phân tích số lượng và chất lượng bài báo khoa học. Kết quả cho thấy năng suất khoa học nước ta còn rất thấp so với các nước trong vùng, nhưng có xu hướng tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Trong thời gian 1998-2008, Việt Nam công bố được 5070 bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế. Trong cùng thời gian, Thái Lan công bố được 23163 bài, cao hơn VN 4.5 lần. Số bài báo khoa học của nước ta chỉ bằng 2% của Úc (238,076), 10% so với Singapore (51762), 34% Malaysia (14731), nhưng cao hơn Philippines (4558) và tương đương với Indonesia (5212). Tính chung, năng suất khoa học nước ta thuộc vào nhóm thấp nhất trong vùng.
Nhưng chưa ai phân tích số bằng sáng chế từ Việt Nam trong thời gian qua. Nhân đọc báo cáo của UNESCO, tôi có trích ra một số dữ liệu thú vị dưới đây (Biểu đồ). Số liệu của UNESCO cho thấy trong thời gian 2000-2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng kí được 19 bằng sáng chế, tức mỗi năm trung bình chỉ 2 bằng sáng chế. Có năm (như 2002) chẳng có bằng sáng chế nào. Trong cùng thời gian, Thái Lan đăng kí được 310 bằng sáng chế, Singapore 3644, cao hơn Việt Nam đến 192 lần! Thật ra, số bằng sáng chế từ Việt Nam cũng thấp hơn Indonesia (85), Philippines (256), và Malaysia (901).
Số bằng sáng chế đăng kí trong thời gian 2000 - 2007 từ các nước trong khối ASEAN. Biểu đồ bên phải là phóng đại biểu độ bên trái cho những nước có tần số quá thấp
Nước | Tổng giá trị xuất khẩu 2008 (tỉ USD) | Tỉ trọng lĩnh vực kinh tế (%) | ||||
Khoảng sản | Sản phẩm hóa chất | Máy móc, thiết bị | Hàng công nghiệp | Hàng hóa khác | ||
Việt Nam | 48.6 | 20.7 | 2.3 | 11.5 | 41.0 | 24.5 |
Thái Lan | 153.6 | 4.5 | 7.9 | 44.8 | 24.1 | 18.7 |
Malaysia | 198.8 | 17.3 | 5.2 | 32.3 | 22.6 | 22.6 |
Indonesia | 137.0 | 29.4 | 5.4 | 13.7 | 25.3 | 26.2 |
Philippines | 50.5 | 2.4 | 2.4 | 39.1 | 13.0 | 43.5 |
Singapore | 299.3 | 13.8 | 7.9 | 44.8 | 24.1 | 18.7 |
Nhìn qua những con số thống kê trên đây, chúng ta thấy gần hơn 1/5 tổng trị giá xuất khẩu hi-tech của Việt Nam là khoáng sản, và 41% là hàng công nghiệp (chủ yếu là gia công, dệt may). Trong khi đó, ngành xuất khẩu chủ đạo của Thái Lan là máy móc và thiết bị (chiếm 45% tổng giá trị xuất khẩu) và hàng công nghiệp (24%). Singapore cũng có xu hướng giống với Thái Lan.
Những dữ liệu trên đây một lần nữa xác định năng suất khoa học của nước ta còn quá thấp so với các nước trong vùng. Năng lực sáng tạo và chuyển giao công nghệ phản ảnh qua số bằng sáng chế cũng còn quá thấp, thấp đến độ không đáng kể. Ngoài ra, hàng xuất khẩu hi-tech cũng chẳng là bao (dù phần lớn là do liên doanh với nước ngoài). Năm 2020 được xem là năm nước ta hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa. Nhưng những dữ liệu thực tế trên đây cho thấy mục tiêu đó vẫn còn rất xa vời. Người Việt có lẽ rất thông minh và sáng tạo ở mức độ cá nhân, nhưng ở mức độ tập thể khả năng sáng tạo của ta thì cực kì thấp lè tè.
Bây giờ thì chúng ta chẳng những phải phấn đấu không chỉ nâng cao số và chất lượng công trình nghiên cứu khoa học, mà còn phải tích cực nâng cao việc đăng kí bằng sáng chế. Để đăng kí bằng sáng chế, Việt Nam chẳng những cần phải có đầu tư từ chính phủ (để giúp các nhà khoa học đăng kí) mà còn cần đến những tổ hợp luật sư chuyên nghiệp có thể giúp cho giới khoa học nâng cao sự hiện diện của mình trên trường quốc tế.
0 nhận xét:
Post a Comment