Mỗi con số là cả một câu chuyện. Thổi “hồn” vào con số là phản ánh câu chuyện đằng sau con số, chứ tôi không có ý nói chuyện thần thánh ở đây. Một con số hàm chứa nhiều hồn là con số tài trợ cho nước bạn trong lúc hoạn nạn ...
Ví dụ như con số tiền Việt Nam giúp Nhật trong thiên tai sóng thần và động đất vừa qua là một câu chuyện. Thoạt đầu đọc trên hãng thông tấn Kyoto của Nhật cho biết Việt Nam sẽ tài trợ cho Nhật 500 triệu USD, tôi mừng thầm nhưng cũng lo. Mừng là vì Việt Nam mình ăn ở có tình có nghĩa với nước bạn trong lúc hoạn nạn. Lo là vì số tiền lớn quá, nửa tỉ USD chiếm gần 0.5% GDP của quốc gia! Năm trăm triệu USD cũng có nghĩa là mỗi người Việt Nam chi ra 5.8 USD để giúp bạn. Mà, 5.8 USD là tương đương với 3 ngày làm việc của một người nông dân.
Thế nhưng mừng và lo chẳng bao lâu thì lại thấy Kyoto đính chính là Việt Nam sẽ giúp Nhật 200,000 USD – hai trăm ngàn USD. Không hiểu tại sao có sự khác biệt lớn như thế? Sai số đến 2500 lần! Chẳng lẽ đó là sai số ngẫu nhiên? Hay là lại lỗi cậu đánh máy? Nhưng con số này cũng làm tôi suy nghĩ, không còn mừng nữa, mà là … lo. Như một blogger khác nhận xét rằng 200 ngàn USD còn thấp hơn con số một công ti Nhật bồi thường tai nạn lao động trong khi thi công cầu Cần Thơ. Một chiếc xe auto xịn của các đại gia Việt Nam nhập về cũng đã hơn 200 ngàn USD. Nhìn như thế để thấy số tiền hỗ trợ này (200 ngàn USD) khiêm tốn quá!
Để thấy sự khiêm tốn của nó, tôi sẽ thử “thổi hồn” vào nó để các bạn thấy. Cái hồn của một con số chỉ nổi lên khi chúng ta làm so sánh (dù biết so sánh là … nguy hiểm). Biết thế, nhưng hãy thử so sánh với Thái Lan xem sao. Quốc hội Thái Lan đã quyết định giúp Nhật 65 triệu USD và 15 ngàn tấn gạo. Những con số này có ý nghĩa gì? Chúng ta hãy xem bảng số liệu sau đây:
| Việt Nam | Thái Lan | Thái Lan / Việt Nam |
Dân số | 86 triệu | 64 triệu | 0.74 |
GDP | 90 tỉ USD | 264 tỉ USD | 2.93 |
Giúp Nhật trong nạn sóng thần | 0.2 triệu USD | 65 triệu USD | 325 lần |
Tỉ lệ tiền giúp so với GDP | 0.0002% | 0.02% | 100 lần |
Sản lượng gạo | 40 (?) triệu tấn | 30 triệu tấn | 0.75 (?) |
Tài trợ gạo cho nhật | 0 tấn | 15,000 tấn | Vô hạn |
Như chúng ta thấy, Thái Lan có dân số ít hơn ta, nhưng tính theo GDP họ giàu hơn ta. Do đó, họ tài trợ nhiều cho Nhật cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng dù GDP của họ chỉ hơn ta khoảng 3 lần, nhưng số tiền họ giúp Nhật cao hơn ta đến 325 lần. Cái hồn của con số tài trợ là ở đó. Cái hồn của con số tài trợ còn là nghĩa cử hào hiệp. Số tiền Thái Lan giúp Nhật chiếm 0.02% GDP, trong khi của ta thì chỉ 0,0002% -- một sự khác biệt đến 100 lần. Nếu dùng tỉ lệ tài trợ trên GDP là một thước đo của nghĩa cử “hào hiệp”, chúng ta phải ngậm ngùi công nhận rằng Thái Lan hào hiệp hơn ta 100 lần.
Thái Lan là nước xuất khẩu gạo số 1 trên thế giới, dù sản lượng gạo của họ thấp hơn ta (30 triệu tấn so với 40 triệu tấn – ước tính cho năm 2008). Điều đáng nói là Thái Lan quyết định giúp Nhật 15 ngàn tấn gạo, còn Việt Nam thì chưa thấy tuyên bố giúp một hạt nào. Hôm qua một bạn đọc bày tỏ mong muốn Việt Nam nên tài trợ gạo cho Nhật trong thiên tai sống thần và động đất vừa qua. Tôi thấy bạn đọc đó đã nói lên tâm tư của hàng triệu người Việt Nam. Có lẽ không nên “mong muốn”, mà chúng ta phải thực hiện. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể giúp Nhật 20 ngàn tấn gạo chứ? Tôi nghĩ một nền kinh tế thứ 2 trên thế giới không cần 200 ngàn USD, hay thậm chí chưa chắc cần 15 triệu USD, nhưng họ cần gạo để giúp cho những người đang trong cơn hoạn nạn.
Nhật là một trong những nước giúp Việt Nam rất nhiều trong quá khứ và hiện nay. Từ những năm trong phong trào Đông Du, đến những năm Việt Nam còn khó khăn về kinh tế và bị cô lập trên trường quốc tế, Nhật luôn hỗ trợ Việt Nam. Giúp nhau trong lúc hoạn nạn mới có ý nghĩa hơn là giúp nhau trong lúc bình thường. Có thể nói Nhật quả là một người bạn đặc biệt thủy chung của Việt Nam. Ấy thế mà trong lúc Nhật gặp nạn, nghĩa cử của Việt Nam chưa tương xứng với tình thủy chung của Nhật dành cho Việt Nam. Chợt nhớ đến câu nói của Trịnh Công Sơn, “sống ở đời phải tử tế với nhau”, mang tính thời sự biết bao. Cái hồn của con số ở đây chính là cái thước đo tấm lòng của chúng ta dành cho bạn và cách sống tử tế của ta với bạn.
0 nhận xét:
Post a Comment