Tôi thích cá tính ông Nguyễn Cao Kỳ. Hồi xưa, đọc báo thấy ông tuyên bố nhiều câu nẩy lửa, rất … tướng. Ông cũng rất giỏi tiếng Anh. Sau này, ra hải ngoại, ông cũng trải qua nhiều nghề, nghe nói có lúc lái taxi (chả biết có đúng không?). Giai thoại mà tôi nghe kể lại là khi một ông khách Mĩ da đen lên xe taxi, hai người trò chuyện một hồi thì ông Kỳ nói “Tao từng là tướng lãnh và phó tổng thống Việt Nam”, ông khách trợn mắt quát rằng “Mày nổ, không lo thân phận lái taxi mà nói chuyện viễn vông”. Nếu bạn nào nhớ bài báo nhắc đến giai thoại này, xin cho biết nguồn.
Nhớ lần ông về Việt Nam lần đầu gây ra một làn sóng tranh cãi ở hải ngoại, một phóng viên phỏng vấn ông bắt đầu với câu “Nhiều người nói rằng …”, ông Kỳ cắt ngang ngay và nói “Nhiều người là ai, hay là chính anh nói và mượn tiếng ‘nhiều người’ …” :-) Một phong cách rất … khoa học! Đâu ra đó, chứ không ngụy biện. Đọc bức thư sau đây của bà Đặng Tuyết Mai, tôi càng biết chút ít về ông. Những chuyện ông ngang tàng với người Mĩ thì báo chí Sài Gòn trước 1975 cũng từng nói, nhưng ở đây bà Tuyết Mai cho biết những ví dụ cụ thể. Không ngờ một phu nhân, từng là người đẹp một thời, mà viết văn đâu ra đó. Chẳng những thế, bà còn có tài nấu ăn ngon. Bà đã mở quán Phở Ta ở Sài Gòn (nhưng tôi chưa vào ăn. Chưa biết tài nghệ nấu ăn của cô con gái bà (Kỳ Duyên) ra sao). Dù sao đi nữa, tôi thấy bà Tuyết Mai cũng đáng mến. Sẵn đây, tôi post bài phỏng vấn mấy năm trước của bà Tuyết Mai để các bạn tham khảo luôn.
NVT
===
Thư bà Đặng Tuyết Mai (vợ cũ PTT Nguyễn Cao Kỳ)
Nguồn: http://www.danchimviet.info/archives/32389
LTS: Lá thư này bà Đặng Tuyết Mai gửi riêng cho tác giả Bằng Phong Đặng Văn Âu nhân đọc loạt bài viết của ông, nhất là bức thư gửi “Hùm xám” Đặng Văn Việt. Lá thư riêng nhưng ẩn chứa nhiều tâm tình về một giai đoạn lịch sử đau thương của đất nước, lồng vào đó là hình ảnh người chồng cũ, cựu phó thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, về dòng họ Đặng.v.v.
Được sự đồng ý của bà Tuyết Mai và tác giả Bằng Phong Đặng Văn Âu, chúng tôi xin công bố bức thư riêng này.
Thư gửi Bằng Phong Đặng Văn Âu, người chiến sĩ không gian
Thành phố Los Angeles, California, ngày 12 tháng 4 năm 2011
Âu thân mến,
Theo dõi tất cả những bài viết của Âu lâu nay, chị rất thích sự lập luận có lý có tình của Âu trong mỗi bài viết. Nhưng qua bức thư Âu viết cho anh Đặng văn Việt vừa rồi, chị cảm thấy những nhận xét của chị về Âu không sai: một người hết lòng với Đất Nước, thẳng thắn, trung trực. Mặc dù gia pháp nhà họ Đặng rất nghiêm, Âu đã vì Đất Nước và lý tưởng mà nói lên sự bất đồng với nếp suy nghĩ của anh mình. Trong cuộc trao đổi email giữa những người bạn với nhau, chị đọc được ý kiến của anh Nguyễn văn Thêm – nguyên Đại tá KQ Việt Nam Cộng Hòa – gửi cho Tiến sĩ Lưu Nguyễn Đạt, trang chủ trang mạng Việt Thức cũng có nhận xét giống chị về bức thư vừa rồi Âu viết cho anh Đặng văn Việt.
Âu sinh trưởng trong dòng họ Đặng, may mắn có nhiều anh em bà con là những người tiếng tăm ở hai thể chế chính trị khác nhau, nên Âu có những dữ kiện để viết khá rõ về một giai đoạn lịch sử. Chị cũng có duyên là vợ một người từng giữ vai trò lãnh đạo Đất Nước, nên chị cũng là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử. Vì vậy chị đang cố gắng ghi lại những gì chị đã nghe tận tại, thấy tận mắt vào hồi ký của chị.
Do sự thẳng thắn nói lên sự thật của Âu, chắc chắn những người không đồng quan điểm với Âu sẽ công kích. Nhưng trước sau gì rồi sự thật vẫn là sự thật, hãy cố giữ sự trong sáng của ngòi bút thì dần dà độc giả sẽ hiểu. Xuyên qua bức thư Âu viết cho anh Đặng văn Việt, chị biết thêm rằng Âu đứng ra bênh vực cái viễn kiến (vision) của Tướng Nguyễn Cao Kỳ – là bởi vì Âu đồng ý với giải pháp “làm bạn Mỹ” để nước mình thoát ra khỏi áp lực của nước lớn ở Phương Bắc.
Tuy cuộc tình giữa anh Kỳ và chị đã đổ vỡ, những cay đắng, giận hờn và TRẢ THÙ đã qua đi, cảm thấy đã “get even”. Giờ đây nhìn lại, chị vẫn cảm phục anh Kỳ và luôn nhìn thấy anh Kỳ là một người hết lòng với Tổ Quốc, với anh em đồng đội. Một nhà lãnh đạo rất trong sạch (chỉ khổ vợ con, bây giờ phải đi bán phở, và các con cũng vất vả với cuộc sống hàng ngày, chẳng được làm danh phận con ông cháu cha gì cả).
Những sự kiện Âu viết về anh Kỳ trong những bài viết của Âu, chị đều thấy rất chính xác, không tô vẽ, không hư cấu. Ví dụ:
– Thấy cuộc sống vật chất của vợ chồng chị không dồi dào, Đại tướng Nguyễn Khánh ký tặng anh Kỳ tấm ngân phiếu một triệu đồng. Giữ trong túi ít hôm, anh Kỳ cầm ra lại đút vào nói “không ngờ đời Nguyễn Cao Kỳ lại có ngày thành triệu phú” rút cục lại đưa tấm ngân phiếu đó cho Đại tá Hà Dương Hoán – sĩ quan tài chánh Bộ Tư Lệnh – để sung vào quỹ Xã hội Không Quân. (Mà sao ngày ấy chị cũng thật lý tưởng, không chịu “chộp” lấy cất đi thì anh Kỳ cũng đành chịu thôi. Đại gia người Hoa ở Chợ Lớn mang 200 triệu đồng tiền mặt vào tận tư dinh trong căn cứ Tân Sơn Nhất để xin anh Kỳ tha mạng Tạ Vinh bị kết án tử hình vì tội tham nhũng, anh Kỳ đã thẳng thừng từ chối. Chị còn nhớ mấy đêm trước khi quyết định, anh Kỳ ngồi ưu phiền như tượng gỗ. Anh tâm sự, “người lãnh đạo bao giờ cũng cô đơn”, bởi lạnh lùng quyết định sẽ xử chết một người nào, dù người đó có tội, không phải là dễ! Cuối cùng chị đã góp ý kiến là anh nên chuyển qua Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và để tướng Thiệu quyết định tối hậu cũng là hợp tình hợp lý thôi. Thế là nhẹ được trách nhiệm đè nặng trong tâm.
– Khi ra dẹp loạn Miền Trung năm 1966, Tướng Thủy quân Lục Chiến Hoa Kỳ, Lewis Walt tỏ ra uy quyền, hạch hỏi, anh Kỳ đã nghiêm mặt dạy cho ông ta một bài học về lãnh đạo chỉ huy.
Anh hỏi: “Ông ở trong quân đội bao nhiêu năm rồi?”
“20 năm, sir”.
“Vậy anh có biết trong quân đội có những mệnh lệnh chỉ cho cấp dưới biết mấy phút trước khi hành quân không?”
“Yes Sir”
“Vậy tôi là Thủ Tướng chính phủ, còn anh là Tướng chỉ huy của quân đội đồng minh, dưới quyền của Thủ Tướng. Anh có nghĩ là tôi phải xin phép anh hay hỏi ý kiến anh trước khi hành quân không?
“No sir”
“Then we understand each other, you may dismiss”.
Chào “cốp” “Thank you Sir” rồi quay đi. Và từ đó chúng tôi trở thành bạn tốt. Sau 1975 sang đây rồi Tướng Walt vẫn hay gửi quà và Tabasco sauce cho chúng tôi vì gia đình ông sở hữu công ty này.
Đại sứ Maxwell Taylor khi sang nhậm chức ở Saigon đã mời các tướng trẻ (young turks) ăn cơm để ra mắt. Ông nhắn nhủ các anh nên duy trì ổn định để đánh giặc. Mọi người cùng đồng ý. Nhưng chỉ ít lâu sau lại có chuyện gì đó (Chị sẽ nghiên cứu lại cho chính xác khi viết vào hồi ký). Đại Sứ Taylor lại mời các tướng đến và “mắng”:
“Các anh có hiểu tiếng Mỹ không? Tôi đã dặn các anh không được lộn xộn mà, bữa cơm tôi mời các anh thật phí!” Mọi người im như “hến”, anh Kỳ chậm rãi mỉa mai nói:
“Thưa Ông Đại Sứ, chúng tôi hiểu tiếng Mỹ, và bữa cơm ông mời chúng tôi không phí đâu. Chúng tôi là dân tộc nghèo, được ăn steak từ Mỹ Quốc gửi sang thật quí hóa, chúng tôi ăn rất ngon miệng. Có điều chúng ta phải xác nhận lại lập trường. Ông Đại Sứ sang đây là đại diện một nước đồng minh, giúp đỡ chúng tôi chống cộng hay ông sang đây với tư cách là Sứ thần đô hộ chúng tôi? Và câu này đã làm vị Đại Sứ ấp úng. Trong tài liệu của Pentagon, Đại Sứ Taylor đã nhận định: “Ông Kỳ không phải là “YES MAN” và chị cũng thật hãnh diện vì anh Kỳ. Và riêng điều này có lẽ tất cả chúng ta đều nên hãnh diện!!!
Đại sứ Averell Harriman, trưởng phái đoàn Hoa Kỳ trong hòa đàm Ba lê tỏ ra nhân nhượng đối thủ, cũng bị anh Kỳ chỉnh, khiến ông ta phải cảm phục bằng câu nói bất hủ: “General, you deserve your reputation!” Chị nghĩ rằng người lãnh đạo quốc gia, dù mình là nhược tiểu, mà biết cách ứng xử xứng đáng thì khộng một nước nào dám khinh mình. Anh đã Kỳ đã biết cách ứng xử, tuy nhẹ nhàng lịch sự nhưng quả quyết.
Đúng như Âu đã viết: Anh Kỳ không phải là người làm chính trị, anh thường xác nhận anh không phải là chính trị gia. Anh là một nhà “Lãnh Đạo”, anh muốn dùng “vương đạo” để cảm hóa lòng người. Anh không dùng thủ đoạn để đạt tham vọng cá nhân. Trước sau anh Kỳ vẫn là một chiến sĩ, nhưng là một chiến sĩ có viễn kiến (vision). Anh Kỳ được các Tướng lãnh giao trách nhiệm cầm đầu chính phủ; chứ không hề chạy chọt với ngoại bang hoặc kết bè kết đảng để xây dựng thanh thế. Mặc dù là người không có bằng cấp cao, nhưng hình như ông Trời ban cho một số người cái thiên khiếu để nhìn thấy vấn đề sáng suốt hơn kẻ khác. Sống bên anh Kỳ, chị nhận ra điều đó rất rõ. Mặc dầu không có một chút hiểu biết nào về kinh tế, nhưng sau khi nghe ông Bộ trưởng Âu Trường Thanh thuyết trình thì anh Kỳ nắm bắt được ngay. Trả lời thắc mắc báo chí hết sức trôi chảy, anh Kỳ tỏ ra thông suốt vấn đề, khiến cho các Tướng lãnh cùng Khóa Nam Định như các anh Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Bảo Trị, Lê Nguyên Khang, Phan Phụng Tiên và nhiều người khác phải hết sức ngạc nhiên. Nhất là trong những chuyến công du, cả anh và chị đã học rất nhanh những cách ứng xử để làm tròn vai trò của mình khi mang chuông đi đấm nước người, không đến nỗi làm “nhục quốc thể”.
Anh Kỳ rất hài lòng về chương trình hữu sản hóa cho mấy anh em Xe Lam ba bánh, chương trình phát triển Quận 8 … Anh chủ chương là chính phủ của dân nghèo, và đã thực hành như thế. Báo chí hỏi anh Kỳ tại sao không thành lập đảng chính trị. Không một giây suy nghĩ, anh Kỳ đáp ngay: “Chúng tôi có đảng Kaki là đủ rồi”. Có lẽ vì câu nói đó mà những thành phần trí thức khuynh tả đã gán cho anh Kỳ cái nhãn hiệu Quân Phiệt? Anh Kỳ là người đặt tình chiến hữu, tình đồng đội rất cao. Nhằm mục đích đoàn kết anh em Quân Đội, anh Kỳ đã nhường cho Tướng Thiệu ra tranh cử Tổng thống và mình về với anh em Không Quân. Tướng Hoàng Xuân Lãm đòi trả lon lại cho Quân Đội, nếu anh Kỳ không chịu đứng cùng liên danh với Tướng Thiệu, nên anh Kỳ mới chấp nhận làm Phó cho Tướng Thiệu. Ngoài phố đồn đãi anh Kỳ bị sức ép của Hoa Kỳ nên phải chấp nhận làm phó cho Tướng Thiệu, hoặc anh Kỳ non “jeu”, nên thua trí Tướng Thiệu. Tất cả lời đồn đãi đó hoàn toàn sai. Anh Kỳ chủ chương nhường Ông Thiệu để gây tinh thần đoàn kết trong quân đội giữa các tướng lãnh, thì người lính ngoài tiền tuyến mới có tinh thần đánh giặc. Nghĩa cử cao đẹp như thế mà bị xuyên tạc chê bai. Chỉ tiếc vận nước xui xẻo khiến ông Thiệu không đủ bản lĩnh giữ nước để thua trận. Mà lạ một điều gần như không ai kết án ông Thiệu mà chỉ phê phán anh Kỳ? Không nhớ rằng chúng tôi đã kéo nhau lên rừng ở ẩn và không còn trách nhiệm và tí quyền nào vì bị chặt hết vây cánh.
Trưởng tình báo Hoa Kỳ ở Việt Nam – William Colby – khi nghe tin anh Kỳ nhường cho Tướng Thiệu, đã đích thân vào tận căn cứ Tân Sơn Nhất để yêu cầu anh Kỳ thay đổi quyết định nhưng anh từ chối, gạt đi. Hoặc phái đoàn dân biểu ở Quốc hội Lập Hiến do cụ Phan Khắc Sửu làm Chủ tịch, vào thuyết phục tổ chức bầu cử lại và đề nghị anh Kỳ lập liên danh riêng. Họ sẽ không phê chuẩn kết quả bầu cử, nếu anh Kỳ đồng ý. Anh Kỳ cũng nhất quyết từ chối, anh cho rằng thủ đoạn đó là trò chơi chính trị ma tịt. Ngoài ra chị còn hay trêu anh Kỳ là người có thiên tài về việc tự thắt “thòng lọng” rồi tự chui đầu vào!!!
Tóm lại, anh Kỳ là người mang chứng “quân tử Tàu”, chứ không phải là người không có mưu trí. Bằng cớ là ba ông Tướng Bộ Binh được anh Kỳ cử ra dẹp loạn Miền Trung đều thất bại, nhưng khi anh Kỳ đích thân ra dẹp thì mọi việc đều được thu xếp ổn thỏa, không tốn một giọt máu anh em. Tuy nhiên, dù là vợ nhưng không phải cái gì cũng khen. Cho đến nay, chị vẫn nghĩ cái quyết định nhường Tướng Thiệu là một sai lầm lớn, đưa đến hậu qua 30 Tháng Tư năm 1975.
Ra hải ngoại, trong khi các Tướng lãnh khác lo lập tổ chức Kháng Chiến, lập đảng chính trị, anh Kỳ thì rất ưu tư về hiểm họa Trung Cộng. Đã nhìn thấy từ trước nên sau 75, hễ khi nào các trường Đại học Hoa Kỳ mời nói chuyện, anh Kỳ đều vận động, thuyết phục Hoa Kỳ trở lại Việt Nam, vì anh tin rằng chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ sức mạnh để ngăn giấc mộng bành trướng từ Phương Bắc. Các nước nhỏ như Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn nếu không có cái dù của Mỹ thì nay các nước ấy đã bị Trung Cộng khống chế.
Tuy không nói chuyện với anh Kỳ từ 20 năm qua nhưng chị biết, anh Kỳ về nước với mục đích thuyết phục lãnh đạo Nhà Nước Việt Nam nên có chính sách đối ngoại thân thiện với Hoa Kỳ để giữ vững chủ quyến quốc gia. Có thể nói, anh Kỳ là một lãnh đạo của Miền Nam còn sót lại hiểu rõ Hoa Kỳ hơn ai hết thì sẽ giúp nhà cầm quyền Việt Nam có nhận thức chính xác về Hoa Kỳ, đừng xem Mỹ là kẻ thù như xưa. Những đối thủ chính trị của anh Kỳ dùng thủ đoạn bôi nhọ anh Kỳ là không đúng, mà còn khiến cho người trong nước đánh giá thấp hải ngoại. Khi đảm đương trách nhiệm với quốc gia, anh Kỳ đã không quỵ lụy đồng minh để giữ địa vị, không tham nhũng để làm giàu, không mua quan bán chức thì không lý do gì ngày nay anh Kỳ đi bán rẻ danh dự của mình. Trong một đời làm chính trị, chức vụ Tổng Thống là chức vụ cao quí nhất mà anh còn nhường cho Tướng Thiệu, tiền bạc cả trăm triệu dollars, chỉ cần gật đầu là có ngay trong các nhà bank bên Thụy Sĩ còn không mua chuộc được anh Kỳ, (mặc dù chúng tôi rất nghèo). Thử hỏi còn điều gì ghê gớm hơn quyền lợi đất nước để có thể khiến anh Kỳ quay về bắt tay với những người đã từng là kẻ thù của nhau trên chiến tuyến? Cũng có nhiều anh em Không Quân xôn xao, kết án và thất vọng về anh Kỳ… Xin hãy bình tĩnh lại. Muốn kết án một người, cần xét đoán lại dĩ vãng, hoàn cảnh, và thời thế. Đường nào là đường khôn ngoan nhất để đạt mục đích? Chị biết những người khác “xầm xì” thì không sao, đó là giá mình phải trả cho mục tiêu đặt những viên đá đầu tiên trên con đường dài đưa đến ấm no, hạnh phúc và tự do cho toàn dân. Riêng anh em Không Quân không hiểu mà chỉ chích là anh Kỳ đau lắm. Cũng tội nghiệp Âu nhỉ. Phải chi ai cũng nhìn được như Âu !
Mặc dầu ngày nay anh Kỳ và chị không còn là vợ chồng, chị vẫn muốn trả lại sự thật cho sự thật, như người ta thường nói cái gì của Cesar hãy trả lại cho Cesar. Bây giờ là lúc mọi người Việt phải đoàn kết, sống tử tế với nhau để chung nhau giải quyết những khó khăn của Đất Nước, hơn là công kích nhau bằng những ngón đòn chụp mũ. Đồng ý là có những mất mát và nỗi đau không thể quên được. Đó là kết quả của tất cả mọi chiến tranh. Vết thương nào dù sâu đến đâu, với thời gian rồi cũng phải biến thành sẹo thôi… Mục đích tối hậu của chúng ta là gì? Có phải là tương thân tương ái để xây dựng một Việt Nam phú cường, hạnh phúc tự do không?
Nhiều người ngoại quốc đã nhận định về chúng ta: một dân tộc về phương diện cá nhân rất thông minh nhưng không đoàn kết. Đó là sự bất hạnh của chúng ta. Hãy nhìn dân tộc Nhật qua kiếp nạn động đất vừa rồi. Dân trí họ rất cao, trật tự và đoàn kết khiến cả thế giới ngưỡng mộ! Ngay từ một em bé 9 tuổi, trong hoàn cảnh cực kỳ khe khắt khiến chị phải cúi đầu thật sâu bái phục, nếu gặp được em ấy.
Trong thư Âu viết cho anh Đặng văn Việt, chị thấy Âu bày tỏ lòng biết ơn dòng họ Đặng, biết ơn dân tộc Việt Nam. Chị cũng thuộc dòng họ Đặng (thấy sang bắt quàng làm họ, nhà Đặng Trần của chị là con cháu Đức Trần Hưng Đạo đó, có gia phả đàng hoàng!) cũng mang ơn dòng họ Đặng và dân tộc Việt Nam. Thư này chị viết cho Âu với tư cách là nhân chứng lịch sử, không thiên vị hay cảm tình cá nhân đối với Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ. Sống bên cạnh anh Kỳ nhiều năm, từng góp ý trong những vấn đề quan trọng của đất nước, chị biết rất rõ bản chất của anh Kỳ. Đó là một con người thật thà, lương thiện, trực tính. Nói nôm là “ruột ngựa”, có nhiều sơ xuất nhưng không ai, kể từ đồng minh cho đến kẻ thù lúc ấy đều phải công nhận là anh rất mực yêu nước.
Chị chỉ muốn nhấn mạnh một điều để mọi người hiểu: Anh Kỳ là người yêu nước, không đâm sau lưng chiến sĩ, không bao giờ phản bội anh em, chỉ có điều mỗi người chọn một con đường, rồi cũng gặp nhau ở Rome thôi.
Hôm nay sao chị lại cao hứng ngồi viết thư cho Âu dài thế! Hoàn toàn xúc động vì đọc bài viết của Âu thôi. Dĩ vãng nào lại ào ạt trở về và tràn ra trên giấy? Chúc Âu và gia đình dồi dào sức khỏe để tiếp tục viết, nhằm đánh thức mọi gỗ đá tỉnh dậy. Thân ái, Chị Mai
http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20100424/tinh-yeu-mai-qua-hoi-ky-nguyen-cao-ky.aspx
Tình yêu Mai qua hồi ký Nguyễn Cao Kỳ
24/04/2010 15:21
Vì sao "chuyện nhỏ hơn hạt đậu" về vụ "va chạm" giữa phu nhân tổng thống Thiệu với phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ trên sân thượng dinh Độc Lập lại được nhắc đến qua hồi ký và hồi ức của một số nhân vật có tiếng đương thời?
Tiêu biểu là tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ qua hồi ức của mình đã kể - để nhà văn Hữu Mai nhắc đến trong cuốn Ông cố vấn - hồ sơ một điệp viên - rằng ông Kỳ rất say mê lái máy bay, đi đâu cũng thích tự mình lái và “sáng nào Kỳ cũng lượn một vòng, giơ tay vẫy chào mọi người, rồi mới đáp xuống bãi cỏ trước dinh Độc Lập. Một dạo không hiểu vì sao, Kỳ cho máy bay hạ xuống ngay trên nóc dinh, mà bên dưới chỗ hạ cánh là phòng ngủ của vợ chồng Thiệu…”. Bực tức lắm, song vì đang ở cương vị “nguyên thủ quốc gia” chẳng lẽ Thiệu phải đi cằn nhằn đôi co với Kỳ? Phu nhân tổng thống, bà Anh thì không thế. Bà mách với Vũ Ngọc Nhạ, than phiền với ông Nhạ và nhờ phân trần với ông Kỳ việc đó.
Tướng Nhạ bảo bà hãy nói thẳng với ông Kỳ xem sao vì chuyện nhỏ nói đi nói lại không hay. Một bữa ông Nhạ đến dinh Độc Lập thấy bà Anh tươi cười, báo rằng vừa rồi bà đã nói với Kỳ là bà “định trồng mấy cây bông trên sân thượng, để những khi làm việc mệt ông Thiệu lên đó ngắm cảnh, nhưng cái trực thăng quạt gió quá chừng, hư hết bông”. Kỳ nói: “Tôi vô ý, sao ông Thiệu không nói sớm với tôi một câu?”. Và mấy hôm nay, ông Kỳ không quằn trên nóc dinh nữa, mà bay đậu xuống bãi cỏ dưới kia rồi”. Còn cái vườn hoa của phu nhân tổng thống sẽ không bao giờ nở lấy một đóa vì đó là vườn hoa tưởng tượng, chỉ nói chứ không làm.
Thật ra lúc ấy ông Kỳ không thích dây dưa với những chuyện đâu đâu như thế vì ông đang đắm mình trong hạnh phúc mới với Tuyết Mai như ông thuật lại qua hồi ký nằm trong tài liệu tham khảo của Thông tấn xã Việt Nam: “Trong những ngày cuồng nhiệt của nhóm tướng trẻ, tôi không chỉ dính líu vào những cuộc đảo chính và bận bịu với công cuộc tác chiến của không quân mà tôi còn đem lòng yêu thương một người nữa. Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi với một phụ nữ Pháp – và chúng tôi đã có 5 đứa con với nhau – đã kết thúc bằng sự ly thân và tiếp theo đó chúng tôi đã ly dị. Sau khi ly dị với vợ tôi, theo lời của một nhà báo, tôi đã hưởng được “hai năm hết sức sôi động của một người có số đào hoa”. Có lẽ tôi không cần phải đính chính là sự nhận xét trên đã được phóng đại như thế nào và thực ra tôi cũng đã vui chơi nhiều và thoải mái trong lúc bấy giờ bởi vì tất cả chúng tôi đều không biết sống chết ngày nào và cần phải sống vội khi mình được sống”.
Ông kể năm 1964, trên một chuyến bay của hàng không Việt Nam đến Thái Lan, ông đã gặp một cô chiêu đãi viên: “là một cô gái 20 tuổi, với những nét đẹp cổ kính nhất mà tôi chưa thấy bao giờ. Nàng tên là Đặng Tuyết Mai và tôi đã thuyết phục mời đi dùng cơm với tôi chiều hôm đó. Qua sáng hôm sau, biết Tuyết Mai sẽ rời Băng-cốc sớm trong chuyến bay trở về Việt Nam, tôi thấy là phải đến chào từ giã nàng. Nhưng thông thường đàn ông Việt Nam không được đột nhập vào phòng ngủ đàn bà lúc 6 giờ sáng. Tuy nhiên tôi cũng đã tìm ra cách để vào. Tôi mặc bộ quân phục thiếu tướng không quân màu trắng có hồ bột cứng sẵn sàng để đi dự cuộc diễu hành chính thức, rồi kín đáo đứng chờ người phục dịch khách sạn mang điểm tâm lên phòng Mai và tôi dúi cho người này mấy “đồng bạt” (tiền Thái Lan) để thay anh ta bưng mâm điểm tâm đến gõ nhẹ nhẹ cửa phòng Mai. Lúc ấy Mai đang đứng nhìn ra ngoài cửa sổ và gần như là không ngó ngàng gì đến tôi, không quay mặt lại, mà chỉ đứng yên bảo hãy để mâm điểm tâm xuống bàn. Sau này Mai nói với tôi là lúc bấy giờ Mai đang chăm chú nhìn xuống đường để chờ nhìn tôi, vì Mai biết thế nào tôi cũng đi trên đường ấy đến dự cuộc diễu hành sắp diễn ra”.
Gặp gỡ lần đầu chỉ có thế, song dường như vì duyên tiền định nên về sau họ không thể rời nhau, dẫn đến lễ cưới tại nhà hàng Caravelle - Sài Gòn. Để chúc mừng, thủ tướng Trần Văn Hương đã gởi đến một món quà là 200.000 đồng tiền mặt, theo Kỳ số tiền ấy cho phép trang trải đầy đủ phí tổn của tiệc cưới tại nhà hàng Caravelle mà “ai ai” quen biết cũng đều được mời dự - trong đó có cả ngoại giao đoàn và hầu hết bạn bè thân thiết của Kỳ trong lực lượng không quân. Tướng Nguyễn Khánh “đã cho tôi một món quà lộng lẫy – một chiếc xe Ford Falcon cũ, kiểu năm 1960 mà Khánh không dùng nữa vì Khánh đã có một chiếc xe hơi khác của nhà nước. Đây là chiếc xe hơi đầu tiên mà tôi được làm chủ từ trước tới giờ (mãi cho đến lúc đó tôi chỉ luôn luôn lái chiếc xe díp của quân đội cấp cho)”.
Cưới nhau xong, lúc hội đồng tướng lĩnh họp lại đồng thuận để Kỳ làm thủ tướng, thành lập nội các mới, Kỳ từ chối mãi không được, cuối cùng đồng ý với điều kiện: “tôi phải xin phép vợ tôi đã”. Và Kỳ về nói với Tuyết Mai: “phản ứng đầu tiên của vợ tôi là “không được” (không được làm thủ tướng)”. Lý do? Kỳ viết: “Vì lúc ấy chúng tôi là cặp vợ chồng mới cưới, chúng tôi không muốn dính líu đến các mưu đồ chính trị. Tuy nhiên, sau khi tôi giải thích cho vợ tôi nghe các sự việc đã xảy ra (về cuộc họp và sự ủng hộ cuồng nhiệt của các tướng lĩnh), vợ tôi đã hiểu và đồng ý với việc tôi quyết định đứng ra thành lập chính phủ. Ngày hôm sau, tôi trở lại phòng họp của hội đồng quân lực để xác nhận quyết định này của tôi”. Dầu làm thủ tướng, Kỳ vẫn tiếp tục ở trong căn cứ không quân như cũ thay vì chuyển đến một công thự dành cho mình theo cương vị mới, đó là một nhà lầu ba tầng cách dinh Độc Lập không xa, khá thuận tiện cho việc liên lạc với dinh bất cứ lúc nào. Song ông chỉ dùng nơi ấy làm văn phòng, tại đó có sẵn bếp, người phục dịch và phòng ngủ để ông có thể chiêu đãi, hoặc ngủ lại khi công vụ bề bộn.
Nguyễn Cao Kỳ viết, lúc bộ máy chính quyền khởi động, ông thú thật là hết sức bỡ ngỡ, lạ lẫm với mọi biện pháp quản lý, tuy vậy chẳng có một âm mưu đảo chính hoặc một làn sóng chống đối Kỳ, ông tự hỏi:“Có thể nào lại xảy ra trường hợp người không chuyên nghiệp (trên chính trường như Kỳ) đã thành công trong công việc mà người lành nghề đã bị thất bại chăng?”.
Một sự kiện khá thú vị được khán giả nhắc nhở đến nhiều trong tuần qua tại quận Cam là cuộc “trò chuyện giữa hai chị em”, xướng ngôn viên Ngụy Vũ và bà Đặng Tuyết Mai trên đài truyền hình LSTV tối thứ Năm, 26 tháng 3, 2009. Mặc dù là những nhân vật đóng vai trò lịch sử thời đệ II cộng hòa, nhưng trong câu chuyện, họ tỏ ra khá bình dị và thân mật gọi nhau là “chị với anh Kỳ” làm người nghe khá ngạc nhiên. Trong suốt 1 tiếng trò chuyện khá thân mật, đi vào nhiều góc cạnh sâu khuất của người phụ nữ, Ngụy Vũ đã “moi” được những thông tin rất tế nhị, khó nói của bà cựu đệ nhị phu nhân thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ. Những chuyện “lẩm cẩm” từng nghe đâu đó ngoài quán xá, tưởng đâu chỉ là “huyền thoại” về một thời đã qua, nay được chính miệng bà Đặng Tuyết Mai kể lại, càng thêm thú vị. Những giai thoại về vụ “tán gái” bằng máy bay, chuyện tiền bạc của gia đình nhà ông Kỳ, chuyện về tình cảm của bà Đặng Tuyết Mai với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn v.v. được kể lại chi tiết. Đây là câu chuyện có tính cách “mạn đàm trước công chúng”, do đó, có giá trị thông tin cao mà Ngụy Vũ Show qua đài LSTV đã làm được. Ông cựu tướng Nguyễn Cao Kỳ, nhân vật lịch sử thời nào cũng gây những tranh cãi đã được nhìn nhận qua lăng kính của bà Đặng Tuyết Mai thế nào? Xin lược trích một phần đối đáp giữa Ngụy Vũ và bà Mai:
NV: Ai cũng biết giữa chị và cựu Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ không còn có đời sống chung đã lâu năm. Tuy nhiên, ngồi nhìn lại quá khứ và hiện tại, hình ảnh của cựu Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ xứng đáng như thế nào với dân tộc Việt Nam trong giai đoạn đó?
ĐTM: Xứng đáng như thế nào đối với dân tộc… không thể đại diện ai để nói. Riêng về ý kiến cá nhân, chị nghĩ là anh Kỳ… Trước hết phải nói là, anh Kỳ không phải là politician. Anh Kỳ như ảnh nói, ảnh thích là một người lãnh đạo. Chữ của ảnh hay dùng là vương đạo. Aûnh thích lấy lòng yêu nước nhiệt tình và lòng trong sạch và lý tưởng để phụng sự tổ quốc. Nhưng sự phụng sự đó có khéo và có đưa đến kết quả tốt hay không, chỉ để cho lịch sử phán xét.
Hiện giờ, có một điều hay của anh Kỳ, là một người rất lý tưởng, yêu nước, không ai có thể nghi ngờ được chuyện đó. Điểm thứ nhì, là ảnh rất yêu những người trong quân đội, đàn em của ảnh. Ảnh rất trung thành với họ. Đó là điều chị nhận xét.
NV: Có lẽ khán giả cũng giống em, nghe chính chị, một nhân chứng. Không ai có thể thay mặt được chị để nói lên điều đó, tuy nhiên, thỉnh thoảng ra quán cà phê gặp lại những cựu không quân, những người đàn em của cựu Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ ngày xưa, có nhiều nhận xét khác biệt, không thiếu những điều chị vừa nói. Chị nói rất trùng hợp, em đã nghe những điều đó. Có nhiều người đến giờ này vẫn còn yêu mến ông, quí trọng ông, trong tinh thần đó.
Sau giai đoạn như vậy, gia đình cố gắng ổn định đời sống ở Washington D.C. được bao lâu rồi mới về Cali, chị Mai?
ĐTM: Đúng một năm. Xin phép được trở lại câu chuyện trước khi sang một câu chuyện khác. Khi nói đến chuyện trong sạch đến gàn của anh Kỳ, vì lương của ảnh, ảnh chia đôi một nửa cho quỹ xã hội không quân. Mà vẫn còn có người tiếng bấc tiếng chì, vẫn nghi rằng là, chị cũng nói vậy thôi, chứ chị cũng có tiền giấu diếm ở đâu. Nói hoài họ không tin, cho đến khi chị phải dùng một câu này, nghe xong người ta tin liền. Là, bây giờ khổ quá, nói quí vị không tin, nếu mà anh Kỳ có giàu có, có tiền ở đâu đó. Thưa rằng, giờ ảnh có hư mấy chị cũng không li dị đâu. (cười). Thiên hạ tin liền. (cười). Nếu mà anh Kỳ có tiền, có hư mấy, tôi cũng không li dị. (cười). Mọi người tin ngay. (cười).
NV: Sau đó mới tin?
ĐTM: Tin liền. (cười). Thấy là có lý.
Bà Đặng Tuyết Mai kể về lối tán gái của ông tướng Kỳ
Nhiều nguồn dư luận đồn đại về lối tán gái khá ly kỳ của cựu tướng Nguyễn Cao Kỳ. Chuyện đó thế nào? Dưới đây là lời kể của người trong cuộc, bà Đặng Tuyết Mai:
NV: Mặc dù quá khứ đã ba mươi mấy năm, đối với chị, cuộc tình của chị đã hơn bốn mươi mấy năm. Nhưng huyền thoại này vẫn còn hoài. Hư thực, hôm nay may mắn được ngồi với chị, thay mặt cho một số bạn trẻ của em để hỏi, vì huyền thoại này làm cho tụi em nao núng và yêu bộ đồ không quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975.
Huyền thoại nói là thời đó, cựu Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ phải dùng một chiếc máy bay riêng để bay theo chị, vì thời đó chị là flight attendant… để tán được người đẹp Tuyết Mai. Điều này, sau này nghe thấy mơ mộng lắm. Nhưng hư thực về cuộc tình đầu tiên này hình thành như thế nào, thưa chị?
ĐTM: (cười) Nhất định phải nói về cuộc tình đó hả? Chị cũng rất là ngại ngùng tại vì anh Kỳ bây giờ cũng đã yên thân với người vợ mới của ảnh. Đôi khi nói đến những điều này, mặc dù nó là sự thật, mặc dù nó là dĩ vãng rồi, chị biết rằng sẽ làm cho bà khó chịu. Có phải nói không? Nhất định phải nói không?
NV: Em nghĩ nếu chuyện này nếu như chị có giấu với em, có giấu với khán giả của Little Saigon TV, chắc chắn trong hồi ký của chị cũng sẽ có. Nhưng chị không thể nào giấu hết được, chị phải đưa vào trong cuốn hồi ký. Chị phải tiết lộ tí xíu, một phần hấp dẫn của cuốn hồi ký của chị.
ĐTM: Vâng. Hồi đó, chị là flight attendant. Có một vài lần đi bay, anh Kỳ lấy F5 hay là 116 hay gì gì đó tôi cũng không rành…lâu ngày chị cũng quên tên của máy bay rồi, ảnh một bên, Đại tá Lưu Kim Cương một bên, hai bên bay sát cánh máy bay. Đuôi nối đuôi. Chị bận làm việc nên chị không để ý. Nhưng ông pilot là những ông được bên không quân biệt phái sang, gọi chị lên và bảo là, “Cô Mai nhìn bên tay phải (cười) đó là Thiếu tướng, bên này là anh Lưu Kim Cương.” Chị nhìn qua phía này, ổng biểu diễn, quay quay quay, ba vòng. Bên này, ông Lưu Kim Cương lại quay quay quay quay, bốn vòng. Oâng kia lại sang quay mấy vòng. Cứ thế, hai ông đua, ganh nhau mà biểu diễn, bay máy bay lật lại. Đương nhiên, hành khách đã nhìn thấy, đổ xô ào sang bên này, xong rồi lại chạy sang bên kia để xem. Rốt cuộc, ông pilot gọi chị lên, ổng nói nhỏ, “Mai ơi, nguy hiểm lắm. Cô nói ông ta đi về đi. Hàng không không cho làm những chuyện như vậy đâu. Chính trị của ổng bây giờ đang lên lắm, có những chuyện này mà đăng lên không có hay.” Oâng mới đưa microphone cho chị nói chuyện với anh Kỳ. Chị cũng nói, “Ok, thank you anh Kỳ.” Hồi đó cứ gọi là thiếu tướng. “Thiếu tướng đi về đi. Một là, tôi đang bận làm việc. Hai là, hành khách tỏ ý hơi sợ.” Chứ nếu nói như ông pilot nói là ông ta phải đi Pleiku rồi. Nói mãi, họ cũng đi về.
Chuyện đó có thật, chứ không phải là không.
NV: Tức là có?
ĐTM: Có.
NV: Tức là đã gặp nhau, đã quen nhau rồi, hay vẫn trong giai đoạn chinh phục chị?
ĐTM: Chắc cũng còn trong giai đoạn đó. Tại vì, lúc đó, chị vẫn cứ ngại ngùng lắm. Vì lúc bấy giờ, anh Kỳ đã li dị với bà vợ chính thức là bà đầm. Nhưng ảnh vẫn còn đang ở với một người đàn bà khác. Thành ra, đương nhiên là chị không muốn chuyện đó.
NV: Cuối cùng, chuyện đã hình thành như thế nào, sau chuyến bay đó?
ĐTM: Thì… ối giời… không những chuyến bay đó, còn nhiều chuyện khác nữa em. Nhiều chi tiết lắm. Chẳng hạn như, hồi đó chị ở trọ nhà bà dì ở ngay tiệm sách Khúc Thành, cạnh tiệm Khai Trí, trên đường Lê Lợi. Nhà cũng là tiệm sách. 5 giờ sáng, ổng đã cho cận vệ, xe Jeep xuống đậu ở đó. Mở cửa hàng chưa kịp mở hàng là hai ông trông rằn ri đã bước vô lấy lý do là bảo vệ chị. Lúc đó, có thể là có điều tiếng từ phía nào đó nói rằng sẽ tạt át xít chị hay là something like that, chị không rõ lắm. Nhưng ảnh nhất định ảnh nói là để bảo vệ chị. Bất cứ chị đi đâu là hai người đó đi theo. Thỉnh thoảng, đến giờ, họ lại nói, “Cô Mai, mời cô đi vào chỗ nọ chỗ kia, Thiếu tướng muốn nói chuyện với cô.” Kéo mình đi vào nói chuyện điện thoại. Đi bay cũng vậy, hai người đó đứng dưới cánh máy bay cho tới khi nào máy bay đóng cửa. Khi ra là đã thấy hai ông cận vệ đó và thấy anh Kỳ nữa. Aûnh đứng đó. Chị nhất định, lúc đó, mẹ chị không cho là một. Hai nữa là, chị có nói chuyện với bà bạn của anh Kỳ là, “Bà cố ngọt ngào bà giữ anh Kỳ đi. Về phần tôi, tôi sẽ cố gắng tôi đẩy ổng ra.” Chị nhất định từ chối không đi, không phải là làm điệu hay là play hard to get hay là gì hết. Nhưng mà thật tình mình muốn làm điều đó.
Thành ra, mở cửa máy bay ra, hành khách đi hết, đến pilot. Chị đi ra, đằng sau là ông Kỳ, hai ông cận vệ, rồi năm sáu xe hơi và xe cận vệ đi vòng vòng quanh sân phi trường Tân Sơn Nhất. Cứ như thế hoài, một hôm, ông giám đốc Air Vietnam gọi lên và nói là, “Cô Mai ơi, chúng tôi rất ngưỡng mộ Thiếu tướng Kỳ. Mà chúng tôi quá quí mến cô. Cô cũng biết, trong Air Vietnam đối xử với cô rất đặc biệt, nhưng mà bây giờ làm thế này nó phiền quá. Bây giờ, ai cũng nhìn thấy cảnh Thiếu tướng đi đưa đón cô như vậy, hay là nếu không nói được, cô Mai tạm nghỉ một thời gian.” Chứ làm sao bây giờ. Chị nói hoài cũng không được. Cho đến một hôm xảy ra một sự việc đáng tiếc, trong thiện chí của chị nói với người đàn bà kia như thế, có một hôm tự nhiên xảy ra chuyện. Khi chị đi bay về, mấy người ở Air Vietnam thương mến chị lắm, chạy lên nói, “Cô Mai ơi, không được xuống. Tại vì nghe nói bà ấy bả đứng ở ngay phi trường không biết bả sẽ làm dữ gì đó.” Chị cũng nói là, “Uûa, tại sao chúng tôi đã nói chuyện với nhau rồi. Tại sao bây giờ lại có chuyện như vậy? Không biết là ai xúi bẩy, hay là điều qua tiếng lại giữa anh Kỳ với bả như thế nào mà bả lại phẫn nộ lên như vậy? Tôi đâu có gì đâu, tôi cứ việc đi.” Mọi người nói là thôi, người ta đang giận dữ chẳng biết thế nào. Cứ tránh đi.
Đang nói chuyện như thế, anh Lưu Kim Cương chạy lên, nói là, anh Kỳ dặn anh phải sang giải quyết và bảo vệ chị đi về. Đáng nhẽ chị định hỏi là, “Thế, Thiếu tướng Kỳ đâu?” Lại nghe nói là, “Oång đòi đi một mình, ổng đòi đi sang bên này để giải quyết. Nhưng mà, cô biết đó, tụi tôi nhất định giữ ổng lại không cho ổng đi. Vì ổng sang đây sẽ ầm ĩ lên. Thành ra, cô Mai đi với tụi tôi. Đi xuống xe Jeep, rồi đi thẳng ra.” Hôm đó, là như thế.
Đương nhiên là chị giận lắm. Chị có một cô bạn chỉ thích người ngoại quốc tên là Nghiêm Xuân Thúy. Cô ghét những ông có vợ rồi còn cứ lang thang cua mấy cô flight attendant. Cô cứ nói hoài, đừng có thèm chơi với mấy ông đó. Thật ra, mình cũng đã không muốn. Rốt cuộc, một buổi tối, ông đến. Lúc đó, chị giận quá, chị mới nói là, “Tôi vẫn ngưỡng mộ Thiếu tướng là một anh hùng. Nhưng mà, hôm nay sự việc xảy ra, tôi thấy nói ngược lại với sự anh hùng đó. Thành ra, tôi chỉ mong từ nay Thiếu tướng làm như thế nào trả lại cho tôi sự yên tĩnh.” Oâng rất là nghiêm trang và ông nhìn… Anh Kỳ, mắt ảnh không đẹp, nhưng ảnh có cái look. Lúc ảnh buồn hoặc lúc ảnh muốn diễn tả sự si mê, ánh nhìn đó chị không bao giờ quên. Thật tình, mắt của ảnh không đẹp, nhưng nhìn si tình lắm. Aûnh buồn lắm, ảnh nói là, nếu như vậy chúng ta phải đi đến quyết định là lấy nhau. Tại vì, cô ta làm ầm ĩ lên như vậy, không thể để cho chị bị tai tiếng như thế. Lúc đó, chị cũng đang bực mình, và phẫn nộ vì cô đó. Và câu mà cô Thúy nói là, “Mai có thấy không, đàn ông cứ cua vậy, đến lúc vợ làm khó là biến mất.” Câu đó chạm tự ái mình vô cùng. Thành ra, đang lúc tức, khi ông nói vậy. Ok, nhận lời. Bằng lòng ngay lúc đó.
Chuyện tình yêu của thường dân dù lấy nhau, sinh con đẻ cái là chuyện chẳng ai muốn nghe. Nhưng đối với một cặp uyên ương thời loạn như thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ và người đẹp Đặng Tuyết Mai thì khác, ai cũng muốn nghe. Chuyện tình này có nhiều đoạn gây cấn, đã được ông “Larry King Bolsa” Ngụy Vũ đặt thành câu hỏi, và được chính bà đệ nhị phu nhân thời VNCH kể lại vào tối thứ Năm, 26 tháng 3, 2009 trên đài LSTV. Câu chuyện được bà kể, được Việt Weekly lược trích lại như sau:
NV: Chị bằng lòng ngay lúc đó?
ĐTM: Sau khi chị nhận lời, ông vui lắm, ông đi về. Chị đi lên cầu thang mà chị bò (cười). Tại vì quyết định bằng lòng lấy chồng lúc đó kinh hoàng lắm. Mình không phải là từ yêu mà đưa đến quyết định lấy nhau. Vẫn cứ đang tính đẩy ra. Mà lúc đó mới có 22 tuổi, không định lấy chồng hay lập gia đình ngay lúc đó. Sự phản đối của gia đình chị rất nặng. Mẹ chị dọa từ, ghê lắm. Mẹ chị là góa phụ nuôi chị từ nhỏ, chị sợ lắm, việc gì cũng phải vâng lời mẹ.
Cho nên, khi quyết định, lúc đi lên cầu thang, tay phải bò, và nói chết rồi, chết rồi, mình nhận lời rồi. Đó là một sự quyết định ghê gớm. Một trong những quyết định lớn trong đời.
NV: Mặc dù kỷ niệm này đã trôi qua hơn 40 năm, nhìn trong mắt chị, khi chị nhắc lại kỷ niệm này, thấy chị vẫn còn xúc động. Như cô gái mới lớn nói về mối tình đang yêu. Sở dĩ em đặt ra kỷ niệm này, thực sự không phải vì tò mò. Tuy nhiên, có nguyên nhân, là trước đây, em có đọc hai cuốn sách của cựu Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ. Sự khác biệt là, khi nói về kỷ niệm đầu đời của chị, chị nói vừa nghiêm túc, vừa trang trọng. Ngược lại, trong hai cuốn sách đó, cựu Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ không hề nhắc lại điều này. Sự khác biệt này, chị nghĩ thế nào về điều này?
ĐTM: Thật ra… Em hỏi hơi đột ngột, nhưng mà… Thật ra, chị cũng có ngạc nhiên là chị không thấy anh Kỳ mention tên chị trong đó. Điều này cũng có nhiều bạn bè, anh em Không quân, người nói là tại vì anh giận hờn chị,… Chị chỉ lập lại lời người ta thôi… hay là cay cú, hay là ông sợ hãi, ngại ngùng làm buồn lòng người khác. Không phải chị thất vọng vì không được anh ấy nhắc nhở đến tên. Nhưng khi viết hồi ký là mình phải liên hệ đến những nhân vật, những sự kiện lịch sử. Không cần biết lúc đó mình yêu hay ghét ai, cảm tình hay không có cảm tình, những tên tuổi và những nhân vật đó vẫn phải được mention trong hồi ký đó, trong cuốn sách của mình. Điều anh Kỳ không nhắc đến tên chị, đối với chị, chị đã coi thường những chuyện danh vọng đó, đâu có ăn thua gì. Nhưng riêng chị hơi nghĩ rằng, anh Kỳ hơi xoàng. Xoàng về điểm đó, không dám nhắc đến tên chị. Tại sao? Ghét cũng cứ nhắc đi, nói rằng bây giờ tôi ghét lắm. Mặc dù, muốn hay không, chị cũng đã là một người đi cùng với ảnh qua thời gian tính của lúc đó.
Những liên hệ đến nhạc Trịnh Công Sơn
Trong câu chuyện, bà Đặng Tuyết Mai cũng đề cập tới các nhân vật khác như đại tá Lưu Kim Cương và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngụy Vũ đã đặt ra câu hỏi và bà Mai kể lại như sau:
NV: Ngay từ phút đầu, khi được chị Đặng Tuyết Mai nhận lời lên chương trình Ngụy Vũ Show, khi nói về quãng đời của chị, có quá nhiều giai đoạn về không gian và thời gian mang tính lịch sử. Vì vậy, trong thế hệ của Ngụy Vũ, không dám đi về giai đoạn trước 1975. Tuy nhiên, Ngụy Vũ tôn trọng cuốn hồi ký của chị sắp ra trong năm 2009. Lúc nãy, chị có nhắc tới cố Đại tá Lưu Kim Cương, điều này làm cho em nhớ lại dòng nhạc Trịnh Công Sơn. Đây cũng là một huyền thoại. Em chỉ muốn hỏi chị, bài hát “Cho một người nằm xuống,” có phải đích thực Trịnh Công Sơn viết cho cố Đại tá Lưu Kim Cương không chị?
ĐTM: Vâng, thật ra, tất cả chúng ta đều biết bài đó Trịnh Công Sơn viết cho cố Đại tá, bây giờ là cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương.
Có nói một tí về liên hệ của Trịnh Công Sơn không?
NV: Chắc chắn. Chính em cũng muốn biết. Lịch sử có nhiều giai đoạn, nghệ thuật, chiến tranh đều là lịch sử. Giao tình như thế nào mà trong thời đó, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại viết bài hát đặc biệt này trong niềm xúc động cho cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương?
ĐTM: Trước hết, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tất cả chúng ta đều không những ngưỡng mộ, thán phục mà còn yêu mến. Riêng đối với chị, cảm tình đối với anh Trịnh Công Sơn còn có một tí tình cảm rất là trái cấm. Trái cấm đây không có nghĩa là có tình cảm gì đặc biệt giữa đàn ông đàn bà. Không có. Nhưng thời kỳ đó, anh Trịnh Công Sơn viết những bài hát được mô tả là phản chiến. Anh Kỳ, lúc đó, là người đang chiến đấu. Thành ra, anh Kỳ đã một lần công khai trong ban Không quân, do anh Lưu Kim Cương hay mời anh Trịnh Công Sơn tới, đã đả kích anh Trịnh Công Sơn là anh đã viết những bài phản chiến. Chị nhớ lúc đó, anh Trịnh Công Sơn nói rằng, anh không nghĩ đến viết phản chiến gì hết, mà chỉ là một người nghệ sĩ viết lên niềm đau của dân tộc, những điều mắt thấy tai nghe, đau đớn thôi. Anh Kỳ nói rằng là, đương nhiên anh viết như thế, những người lính ở mặt trận… Anh Trịnh Công Sơn mới nói, anh là người đứng giữa, một chứng nhân. Anh Kỳ có nói rằng, trong hai chiến tuyến đang đánh nhau, anh chọn là người đứng giữa anh sẽ bị trúng đạn của cả hai bên. Thành ra, có sự rất căng thẳng giữa anh Kỳ và Trịnh Công Sơn.
Ngược lại, phía đằng sau, anh Lưu Kim Cương và chị rất là say mê nhạc của anh Trịnh Công Sơn và con người của anh Trịnh Công Sơn nữa. Chị hay nấu nướng. Trong Câu lạc bộ Không quân, anh Lưu Kim Cương có một câu lạc bộ nhỏ là Mây Bốn Phương, luôn luôn kéo anh Trịnh Công Sơn vào đó. Chị đem đồ nhậu đến. Anh Trịnh Công Sơn làm được bài nhạc mới là hát và hay tả cho nghe. Chị hay đến câu lạc bộ Mây Bốn Phương để nghe anh Trịnh Công Sơn đàn hát những bài hát mới.
Giao tình của anh Trịnh Công Sơn với anh Lưu Kim Cương rất mật thiết. Cũng lạ, một người rất là nhà binh, to lớn, cường tráng. Còn anh Trịnh Công Sơn rất là mỏng manh, ốm yếu. Nhưng hai người gần nhau vô cùng trong tình nghệ sĩ. Anh Lưu Kim Cương có rất nhiều nghệ sĩ tính, hát rất hay. Thành ra, họ rất thân mến với nhau. Hàng tuần, họ gặp nhau hai, ba lần.
Cho nên, lúc anh Lưu Kim Cương nằm xuống, anh Trịnh Công Sơn làm bài “Cho một người nằm xuống,” thật xúc động. Chị không lấy làm lạ, vì họ rất thân nhau.
NV: Đó là sự liên hệ, thân tình giữa cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Giao tình giữa chị và anh Trịnh Công Sơn trong thời đó, đối với chị kỷ niệm nào chị có với anh Trịnh Công Sơn. Kỷ niệm nào chị ghi nhận được, trong đó có nhạc phẩm chị biết được hoàn cảnh ra đời?
ĐTM: Những hoàn cảnh ra đời của những bản nhạc, trong sách và báo chí nói đến nhiều lắm. Chị chỉ nói giao tình riêng, cá nhân. Trịnh Công Sơn hay nhiều lần, thích bắt tay chị vô cùng, khi bàn đến một lời ca nào của Trịnh Công Sơn, mà ca từ của Trịnh Công Sơn tuyệt vời. Chẳng hạn như trong bài Mưa Hồng, chị rất yêu câu, “Trời ươm nắng cho mây hồng.” Khi nói đến “ươm nắng,” mình thấy sự ẩm ướt, mưa gió, mà tại sao lại có nắng. Câu chuyện rất dài.
Chị xin nói là tại sao Trịnh Công Sơn đứng dậy bắt tay chị.
Trong câu, “Em đi về cầu mưa ướt áo.” Chị hỏi anh Trịnh Công Sơn là, “Ai là người cầu mưa ướt áo?” Có nguồn dư luận nói là, “Em đi qua cầu, rồi trời mưa ướt áo.” Có nhiều người khác lại nói rằng là, “Anh là người cầu mưa ướt áo, vì các em Đồng Khánh mặc áo trắng, mà trời mưa, tất nhiên là có good view.” Chị nói là, chị nghĩ người cầu mưa chính là người con gái đó. Tại vì người con gái Huế rất lãng mạn. Bây giờ, người phụ nữ được quyền ăn mặc hở hang để khoe nét đẹp. Nhưng ngày xưa, trong sự nghiêm khắc e dè của người Huế ngày xưa, và của đất nước ngày xưa, không cho phép người phụ nữ được phô bày. Thành ra, “Em đi về, em cầu cho mưa ướt áo, để em được chính thức khoe vẻ đẹp của mình.” Chị nghĩ chính người con gái cầu cho mưa ướt áo. Khi chị nói thế, Trịnh Công Sơn vỗ bàn và nhổm người lên bắt tay chị, thích vô cùng. Chị đã nhìn ra được.
Trong bài “Cát bụi tình xa,” có câu “vết mực nào xóa bỏ không hay.” Chị hỏi tại sao có câu đó. Trịnh Công Sơn nói rằng, ngày xưa ở những làng Huế rất nhỏ, khi trong gia đình có người chết, phải đi khai tử. Ông xã trưởng già nua mở cuốn sổ hộ tịch ra, ông đeo kiếng và tra tên, và chấm mực, xóa tên người chết. Đó là câu, “vết mực nào xóa bỏ không hay.”
Xin bớt ghét đi một tí
Ðây là bài phỏng vấn Bà Ðặng Tuyết Mai, nguyên là phu nhân của cựu Thủ Tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ, do đài phát thanh Dân Sinh thực hiện sáng thứ bẩy 19-4-2003 tại san Jose, California. Bà Ðặng Tuyết Mai nguyên quán tại Nha Trang được gửi lên học tại trường Pháp Yersin ở Ðàlạt trong những năm đầu thập niên 60 cùng một thời gian với Hoàng Ðức Nhã và Lý Quý Chung. Hồi đó Bà Tuyết Mai đã nổi tiếng là một hoa khôi của trường. Sau này về làm chiêu đãi viên hàng không cho Air Vietnam. (Xin cám ơn chị Mai Khanh, CA đã cung cấp tài liệu này)
Hỏi: 1. Phần lớn người dân VN thường hay tò mò muốn biết vì hoàn cảnh nào mà Bà đã bằng lòng lấy ông Kỳ, lúc đó ông ta đã ly dị vợ có 5 con và hơn nữa ông ta rất nổi danh là bay bướm?
Ðáp: - Thưa Anh, hồi đó phải nói là anh Kỳ cũng là một người ăn nói và tán rất giỏi. Trong tay Anh lại có tất cả phương tiện để làm chóa mắt tất cả những người thiếu nữ mà Anh đã để ý đến. Chẳng hạn như Anh mời tôi đi ăn cơm tối ở Singapore. Hay lấy máy bay đi Ðàlạt ăn sáng; hay là rằm tháng 8 thì đem nước trà sen và bánh trái lên máy bay lên tận gần mặt trăng để mà thưởng trăng. Hay là bay đến đâu chưa vào hotel thì đã có hoa gửi đến. Tất cả những chuyện đó làm mình cũng bị choáng ngập và xúc động.
Hỏi: Xin Bà cho biết về thời gian và hoàn cảnh lập gia đình với tướng Kỳ?
Ðáp: -Vâng cuộc đời trước của tôi như mọi người đã biết, tôi là vợ của anh Nguyễn Cao Kỳ từ lúc rất là trẻ. Trong những năm mà anh Kỳ ở chính quyền thì tôi giữ một vai trò rất khiêm nhường bên Anh. Tôi chỉ là cái bóng của anh Kỳ để đi làm những chuyện xã hội. Mục tiêu chính của tôi là đi thăm gia đình vợ con binh sĩ hay là những viện mồ côi. Thỉnh thoảng cũng cùng đi với chị Cao Văn Viên vào thăm thương phế binh tại Tổng Y Viện Cộng Hoà.
Hỏi: Phải chăng lúc đó Bà đã trở thành một ngôi sao sáng trong hàng ngũ các phu nhân của VNCH.
Ðáp: - Thưa Anh, về cái chuyện ngôi sao sáng thì chắc là tôi không dám nhận đâu vì tôi vẫn nói là chỉ là cái bóng mờ bên cạnh anh Kỳ thôi.
Hỏi: Xin Bà cho biết đã làm công việc gì trong thời điểm đó?
Ðáp: - Tại vì có những cơ hội để nhìn thấy sự phũ phàng của xã hội. Tôi muốn nói đến gia đình binh sĩ chẳng hạn, họ thiếu thốn vô cùng. Chồng thì ra mặt trận mà vợ thì ở nhà 5,6 con có đến lương tướng còn không đủ để mà sống trong gia đình nữa là lương lính. Thành ra có những trường hợp rất đau thương. Tôi được cơ hội thấy tận mắt những chuyện đó hoặc là những trại mồ côi đặc biệt là tại Gò Vấp và Thủ Thiêm. Tôi có sponsor đặc biệt hai trại mồ côi bằng cách là tôi cứ lẳng lặng vào những ngày rảnh cứ phóng xe với một người cận vệ đi thẳng đến đó. Ðem quần áo, thuốc men hay là sữa, kẹo bánh cho con nít. Tôi đến với họ như một người volunteer để giúp đỡ tắm rửa cho các em bé.
Hỏi: Ngày xưa ở Sàigòn, báo chí loan tin trước khi tướng Kỳ nhận làm Thủ Tướng do Hội Ðồng Tướng Lãnh bổ nhiệm, ông tuyên bố là xin phép để về hỏi ý kiến phu nhân. Câu chuyện này nói lên tầm ảnh hưởng của Bà trong công việc tham chính của ông Kỳ. Xin cho biết hoàn cảnh của Bà từ lúc là phu nhân tại chức đến lúc ông Kỳ hết quyền hành.
Ðáp: - Bản tính của tôi từ xưa đến nay và tất cả các bạn bè đã biết tôi từ nhỏ thì vẫn nói rằng tôi vẫn y như thế. Không phải vì tôi lên làm Bà Kỳ tôi lại có thái độ khác và bấy giờ xuống không phải là Bà Kỳ thì tôi vẫn thế. Tôi vẫn tự bằng lòng về mình, và thái độ của tôi không hề thay đổi, cũng như nói là lên voi cũng không hãnh diện mà xuống chó cũng chẳng buồn phiền vì những chuyện đó. Tôi vẫn lui tới những người thân khi nào có cơ hội gặp nhau.
Hỏi: Ðặc biệt vào giai đoạn Hội Ðồng Tướng Lãnh VNCH hội họp để quyết định về việc thành lập liên danh ứng cử Tổng Thống, trong hoàn cảnh nào mà tướng Kỳ đơn phương quyết định nhường cho tướng Thiệu?
Ðáp: - Khi sắp sửa bầu cử Tổng Thống thì xẩy ra chuyện là ông Thiệu cũng đòi ra một liên danh nhà binh nữa và anh Kỳ cũng ra với sự ủng hộ của Quân Ðội lúc đó và của cả người Mỹ nữa. Thế nhưng, liên danh Quân Ðội thì chúng tôi nghĩ lúc đó sẽ thua: thua là thua Trương Ðình Dzu, vâng Dzu là một người có thân với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
Mọi người nói là: "Không được, không được, nếu ông Thiệu ra thì thua". Sau đó có một ông Tướng nói: "Kỳ à, nếu mà Toa đã nói cái chuyện hy sinh vậy thì tại sao hai người không ngồi lại với nhau làm một liên danh nữa đi thì may ra mới thắng được. " Anh Kỳ trả lời là Ok. cũng được.
Chỉ có thế thôi, không có một pressure nào hết và chuyện này tôi đã điều tra kỹ lắm rồi. Anh Kỳ có lý do và nêu lên là: "Nếu các ông Tướng ở hậu phương mà còn tranh giành nhau như vậy thì làm sao mà những người lính ngoài tiền tuyến đánh nhau được. Mình phải tỏ ra là các tướng lãnh hậu phương cũng đoàn kết. Tôi bằng lòng hy sinh đi xuống thì có gì lạ đâu. Tôi không bao giờ đặt quyền lợi của tôi lên trên bao giờ hết."
Hỏi: Chuyển sang những tháng không quên của tháng 4 năm 1975. Xin hỏi rằng, vào thời điểm đó Bà tiên đoán được tình hình đất nước đi về đâu?
Hỏi: - Thưa hoàn toàn không, không biết. Chỉ biết rằng nguy hiểm lắm, từ lúc mất Ban Me Thuột đến Nha Trang. Biết là nguy hiểm lắm rồi. Vẫn nghĩ rằng là minh sẽ xuống Vùng 4 vì vùng 4 mình là vựa thóc như thế. Tôi chỉ còn mang máng nhớ anh Kỳ briefing với tất cả các Sĩ Quan hay là với một vài ông Tướng. Dự định thì họ nghĩ rằng có đầy đủ vũ khí cũng như máy bay và xe tăng để mà tiếp tục chiến đấu.
Hỏi: Xin Bà cho biết hoàn cảnh năm 75, lúc ông Kỳ toan tính chuyện đảo chánh, chuyện rút về miền Tây cố thủ và sau vì sao đã ra đi giờ chót?
Hỏi: - Thì anh Kỳ có planning ở nhà là rút xuống vùng 4. Trong nhà tôi lúc đó là có không biết bao nhiêu là sĩ quan rời bỏ đơn vị, để chờ xem là nếu anh Kỳ có cần đến động dụng nếu cần làm một coup d'état. Một cú đảo chính để cướp lại chính quyền đồng thời phải có những biện pháp gấp rút lên ngăn chặn Ban Mê Thuột. Tại vì mấy lần anh Kỳ đề nghị cho anh Kỳ lên ngay BMT để ngăn chặn thì ông Thiệu vẫn từ chối.
Và xin thưa thêm rằng là trước khi anh Kỳ ra đi, anh Kỳ có bay sang BTTM rồi gọi Vùng 4, gọi tất cả các cơ quan mà anh Kỳ đã liên lạc từ trước để mà tính rằng sẽ cùng nhau xuống dưới đó, thì lúc bấy giờ kể như Quân Ðội đã tan rã, không còn liên lạc được với ai nữa, không còn một người nào nữa thì thử hỏi anh Kỳ một mình với 2 khẩu súng lục sẽ làm được gì không nếu anh ở lại lúc đó. Tất cả những lời hẹn hò cam kết với nhau là giờ đó thì sẽ rút xuống vùng 4 nhưng không gọi được ai nữa.
Hỏi: Nói về chuyện ra đi, xin hỏi về những lời tuyên bố của ông Kỳ kêu gọi quân dân hãy ở lại chiến đấu, sau đó ông lên máy bay di tản ra tàu Mỹ đậu sẵn ngoài biển Ðông. Bà nghĩ sao?
Hỏi: - Cám ơn Anh đã cho tôi có cái cơ hội để nói cái chuyện đó. Thì cái hôm 28, trước khi lúc ra đi. Tuy vẫn âm thầm nghĩ rằng mình sẽ quay về đó nhưng mà cái linh tính của đàn bà thì vẫn cảm thấy lỡ mà mất thì sao? Tôi có viết cho nhà tôi một cái thơ, trong đó tôi có nói rằng là nếu Sàigòn thất thủ thì cần phải chạy đi. Xin Anh hãy lấy cái tinh thần Câu Tiễn. Anh cứ chạy ra ngoài đi để mà tìm cơ hội trở về. Còn tôi, tôi đoán, tôi nghĩ thật tình, đến bây giờ tôi vẫn tin rằng là nếu anh Kỳ bị thất thủ lúc đó có thể là anh sẽ nghĩ đến tự vận.
Tôi có viết cho anh Kỳ là nếu bây giờ anh chết thì cái chết của anh sẽ anh dũng lắm, mọi người sẽ nhắc nhở ngưỡng mộ, nhưng mà thực tế thì cái chết của anh lúc đó có giúp gì cho Việt-Nam không? Thì câu trả lời rõ ràng là không. Nếu anh chịu nhẫn nhục mà anh đi ra ngoại quốc và chờ biết đâu mình có cơ hội để quay về. (Hồi đó vẫn còn cái hy vọng rằng Mỹ vẫn có thể giúp mình để đi về.) Thành ra xin anh hãy nhẫn nhịn. Hãy tạm thời ra ngoại quốc đi để mà mình mưu đồ chuyện gì khác. Anh nên nhớ là vợ con anh rất cần anh trong lúc này và anh đừng chết một cách vô lý như thế. Cái chết của anh sẽ không lợi ích cho đất nước lúc này mặc dù là về sau họ có ca ngợi Anh là một vị anh hùng đã tuẫn tiết vì đất nước nhưng thực tế không giúp gì được cả. Thì cho đến ngày hôm nay tôi xin được chia xẻ với anh là tôi xin chịu một phần trách nhiệm trong cái sự lung lạc anh Kỳ để anh Kỳ không ở lại Việt-Nam như đã hứa.
Hỏi: Bà có điều gì nói thêm về ông Kỳ?
Ðáp: - Anh Kỳ là một người có lòng, cái tài để mà làm chính trị gia thì tôi không tin tưởng lắm, nhưng anh là một người có lý tưởng và rất yêu thương dân chúng và Việt-Nam. Anh Kỳ đối với tôi có cái chuyện buồn riêng về gia đình, tình cảm riêng tư, nhưng phải công nhận anh Kỳ là một người lý tưởng, một leader. Anh không phải là chính trị gia vì vậy anh không có cái khéo léo mềm dẻo của người làm chính trị. Anh Kỳ là một người nhà binh, một ông Tướng rất chung thuỷ rất có tình với anh em Quân Ðội, cho đến giờ này tôi vẫn khẳng định điều đó.
Hỏi: Rồi chuyện ông Kỳ gặp Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLKVNCH xin Bà cho biết rõ.
Ðáp: - Khi mà anh Kỳ lên gặp ÐT. Viên vì là chỗ cùng chí hướng rất thân nhau, thì ông Viên cũng nói: "Thôi ông ơi, ông thông cảm giùm, bây giờ tôi TU rồi, tôi không làm được cái chuyện này nữa." Thử hỏi rằng trong một đất nuớc vào lúc dầu sôi lửa bỏng, cộng sản đến bên ngõ cửa mà một ông Tổng Tham Mưu Trưởng trả lời rằng không làm gì nữa vì ông tu rồi, thì các anh nghĩ sao.
Hỏi: Tại sao Bà biết được rõ nội dung đối thoại giữa ông Kỳ và những giới chức khác?
Ðáp: - Vâng cũng là do anh Kỳ kể lại, chứ làm sao tôi có quyền ngồi nghe những chuyện bí mật đó. Tuy nhiên nhà tôi có hai tầng và mỗi lần như vậy tôi đều nằm xuống úp sát tai vào để nghe những mẩu chuyện như thế. Và hy vọng một ngày nào đó chắc Pemtagon họ sẽ phải nói lên các tài liệu như vậy, vâng khi họ bật mí lên đó mà.
Hỏi: Bà nghĩ gì về cung cách thường ăn to nói lớn theo kiểu đại ngôn của ông Kỳ?
Ðáp: - Anh kỳ nổi tiếng là cái người rất là ... Anh ấy thật lắm, nói một tiếng nôm na là rất ruột ngựa. Vâng chính tôi ở nhà vẫn thuờng nói đùa với anh Kỳ: "Bố ạ, bố có cái thiên tài là Bố tự thắt thòng lọng rồi bố chui cổ bố vào." Anh không có những thớ lợ nhưng mà anh nói với tất cả cái lòng thật, cái lòng thành.
Hỏi: Xin Bà cho biết cái hoàn cảnh của ông bà lúc hết quyền hành và vai trò "ngồi chơi sơi nước" trong 4 năm sau cùng.
Ðáp: - Thì anh nhớ rằng khi anh Kỳ làm Phó Tổng Thống đó, rồi thì xẩy ra cái vụ đạn trực thăng bắn lầm, bao nhiêu người phe phái và chân tay của anh Kỳ bị hại hết. Có thể đúng là chúng tôi ngồi chơi sơi nước. Và sau nhiệm kỳ đó chúng tôi không ra liên danh thêm với ông Thiệu nữa. Chúng tôi lên Khánh Dương làm nông trại, sống một đời bình thản ở trên đó, xa lánh giang hồ các thứ. Thế mà có nhiều người cứ đổ tội cho anh Kỳ trong những năm anh Kỳ không còn ở trong chính quyền nữa. Chúng tôi bị chặt hết cả mọi phương tiện để mà biết cái tình hình nó như thế nào nữa. Chúng tôi bị ra ngoài cái chuyện thị phi đó rồi, nhưng anh Kỳ vẫn còn cái anh hùng tính và đi đến đâu cũng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi phải trả lại cho anh cái sự thật là 4 năm sau cùng anh ấy không còn làm gì nữa, vậy xin qúy vị đừng đổ tội cho anh ấy nữa trong những ngày cuối cùng đó.
Anh ấy khi được giao tổ chức Quốc Hội, đã lập được chính phủ, và nếu có nhiều thời gian thì tôi có thể đi vào "detail" để nói rõ về vụ anh ấy diệt trừ tham nhũng, dấu gạo dấu vàng của mấy ông Tầu trong Chợ Lớn đó, vâng gọi là gì nhỉ? à ... gian thương. Bao nhiêu chuyện cùng một lúc mà anh ấy làm được và lúc đó anh ấy mới có 35 tuổi đầu thôi, rất trẻ. Anh ở trong địa vị đó có biết bao người đề nghị mua chuộc anh bao nhiêu tiền mà anh Kỳ vẫn lắc đầu từ chối và cho đến bây giờ chúng tôi vẫn hãnh diện về việc đó. Anh Kỳ không có trách nhiệm gì trong cái ngày mất nước về sau đâu.
Hỏi: Bà cùng gia đình ra đi vào ngày 28-4-75, xin Bà cho biết thêm một chút về đời sống của những ngày mới tới Mỹ.
Ðáp: - Cái ngày 28-4 ra đi chúng tôi chỉ có 10,000 đô la thôi, tại vì trước đó 10000 đô la là do tiền dành dụm được trong những chuyến công du, thưa Anh. Mỗi lần công du thì chính phủ trích ra một số tiền để mình chi tiêu, chúng tôi để dành được. Chỉ có mấy người bạn ra đón nhưng nhà họ làm sao chứa nổi 14 người chúng tôi, nên chúng tôi thuê 3 phòng trong cái hotel rẻ tiền. Mẹ tôi là người rất tằn tiện mua mỗi ngày 2 ổ sandwich với một ít "ham" gì đó mà ăn cho hết 3 tuần lễ. Chúng tôi chỉ có 10,000 đô la thôi không nhà không cửa, không một phương tiện gì hết, không có ai giúp đỡ gì hết và sau cùng phải nói dối chỉ có 5 người thôi mới thuê được một căn nhà. Phải bỏ tiền ra mua được một cái xe spacer chở khoảng 10 người, và bạn bè người cho cái nệm, cái sofa, cái tủ lạnh cũ. Mà lúc đó các cháu đi học cũng không biết xin tiền grant hay là cái gì hết. Anh Kỳ ở đâu chúng tôi cũng mất liên lạc luôn. Mẹ con chúng tôi cũng nhào vô, tôi cũng đi làm các việc lao động để mà kiếm tiền, các em tôi cũng làm busboy, các con cũng nhào vào làm hết để mà sinh tồn, chẳng có cái gì đặc biệt hết.
Hỏi: Vào thời điểm 80, phong trào vượt biên với số đồng bào tỵ nạn dâng cao, có các tin về cứu người vượt biển và đồng thời có tin Bà Nguyễn Cao Kỳ tự tử ở Phi luật Tân. Xin Bà cho biết rõ về việc này.
Ðáp: - Ðó là hoàn toàn sai. Hồi đó anh Kỳ nhờ tôi cầm một lá thư sang cho Bà Marcos để mua một cái đảo tại đó có một số người Nhật rất là Anti-Communist. Họ sẵn sàng cho mình tiền để mua cái hòn đảo đó. Mình có ý định chuyển boat people của mình đến đó sinh sống, nhưng bên trong mình tập luyện quân sự để chờ thời ngày nào đó về chiếm lại đất nước. Khi ra đi tôi có cái hy vọng sẽ mua được hòn đảo, nhưng đến Phi gặp Bà Marcos thì đượcbiết rằng bên Phi có luật là không bán đất cho người dân nào hết cả. Thành ra lúc đó quá thất vọng, tôi buồn và cũng đau đớn cho các thuyền nhân. Sang đó Bà Marcos vẫn tiếp đón tôi như là một khách quý theo nghi lễ quan cách của họ có body guard, có bộ trưỏng du lịch hướng dẫn, lúc nào đi đâu cũng có cả một phái đoàn thì làm sao tự tử được.
Hỏi: Bà có ghen vì ông Kỳ không?
Ðáp: - Có chứ anh, ghen lắm chứ nhưng mà tôi ghen thầm trong bụng. Có lẽ vì cái điều này vì tôi không tỏ ra cho địch thủ biết là mình hay hay để cho chính anh Kỳ thấy là tôi ghen thành ra những điều đó nó lậm vào trong người mình đâm ra nó càng ngày càng làm cái tình yêu nó nhạt đi và lý do đổ vỡ cũng là do những sự đó tích lũy lại nhiều quá rồi cuối cùng mình cảm thấy lạnh đi.
Hỏi: Nếu biết trước về tương lai thì Bà đã làm những việc gì?
Ðáp: -Nếu biết tình duyên dang dở như ngày hôm này thì tôi đã không thành hôn với anh Kỳ, và có lẽ tôi đã đi theo một ngả đường khác.
Hỏi: Ngã đường khác là gì, phải chăng Bà muốn trở thành nghệ sĩ?
Ðáp: - Vâng nghệ sĩ là cái mộng của tôi từ ngày còn nhỏ. Tôi vẫn có mộng trở thành ca sĩ. Chứ như bây giờ vì trong người vẫn có máu văn nghệ nên thỉnh thoảng cũng đến nói chuyện. Nhưng đến chỗ nào thì vì bạn bè thấy tôi thích hát nên kéo tôi lên hát. Thành ra nếu nói về chính thức để trở thành ca sĩ thì cũng buồn cười lắm.
Hỏi: Xin Bà kể rõ chuyện lên sân khấu để hát có thù lao như thế nào?
Ðáp: - Chuyện này buồn cười lắm, đó là một sự hoàn toàn ngẫu nhiên. Có một hôm có một cậu bầu show gọi đến mời tôi nói về cuộc sống nới của người tị nạn hội nhập vào xã hội mới. Sau khi nói chuyện xong không đề cập đến tiền bạc gì cả. Cậu ta nói: "Nghe nó là cô hát nữa phải không?" Tôi hoàn toàn nói đùa: "Ờ cô có hát nhưng nếu cô hát thì phải trả giá cô giá cao bằng Khánh Hà cô mới hát đó". Thế là cậu ta nói không sao, con sẽ trả tiền cô như vậy nha, cô ra hát cho con vài bài nha. Từ hôm đó mới thành ra câu chuyện, chứ nói về tiền bạc tôi vẫn ngượng lắm.
Hỏi: Từ những đổ vỡ với tướng Kỳ, Bà đã làm gì cho cuọc sống hiện nay?
Ðáp: - Người bạn đời bây giờ của tôi là anh Bùi Xuân Hiến. Ðến cái tuổi này thì tôi coi như là đã trưởng thành, tôi đã tìm ra chính mình. Thành ra tôi không cần phải kiếm một một người chồng để mà look-up, ngưỡng mộ hay học hỏi nữa. Tôi đối với anh Hiến là người bạn. Anh Hiến là một người rất dễ thương ở cái chuyện là Anh có thì giờ nghe tôi nói hay là 2 đưa cùng tâm đầu ý hiệp những cái chuyện văn nghệ lẩm cẩm, thơ văn này kia đó anh là một người rất cần thiết cho tôi lúc này.
Hỏi: Rất nhiều khán giả văn nghệ đã nhìn thấy Bà Tuyết Mai rất giống cô con gái Nguyẽn Cao Kỳ Duyên. Còn chuyện tình bên trong thì sao?
Ðáp: - Mẹ con chúng tôi bây giờ trở thành như hai người bạn, vâng 2 mẹ con rất thân với nhau. Mẹ cũng yêu con và con cũng chiều Mẹ. Ngày xưa mình cấm đoán cổ cái gì thì bây giờ cổ nói: "Ôi Giời ơi! có một bà mẹ teenager, mẹ đi đâu nhớ 12 giờ curfew mẹ về nhé". Hoặc là chẳng hạn bây giờ có những chuyện xích mích giữa tôi và anh Hiến thì Kỳ Duyên lên mặt bắt chước giọng mẹ tôi bảo: "Cậu Hiến à, nếu mà cậu không thương em Mai nữa thì cậu viết cho mấy chữ nhé". Ở nhà mẹ con vẫn đùa với nhau như thế.
Hỏi: Và cuộc sống giữa hai mẹ con thế nào, Bà có thể cho thính giả biết được không?
Ðáp: - Tôi có một giao ước với cháu Duyên ngày xưa lúc mà cổ đang học luật đó và học luật thì rất là khó. Tôi có giao hẹn với cháu là khi mà con đậu và đem cái bằng luật sư về cho Mẹ rồi thì con muốn làm gì thì làm. Tời bây giờ tôi nghĩ là tuổi đời và sự hiểu biết trên đời cháu đã đủ trưởng thành để cháu biết phải làm cái gì.
Hỏi: Bà còn muốn nhắn nhủ gì với người đồng hương không?
Ðáp: - Thật ra sống được gần hết cuộc đời thì tôi mới nghĩ rằng có lẽ quan trọng nhất là được người ta thương mến. Thành ra tôi mong quý vị khán thính giả mến thương tôi và nếu có ai đã ghét tôi trong dĩ vãng thì xin bớt ghét đi một tí.
http://daohieu.wordpress.com/category/t%C6%B0-li%E1%BB%87u-ba-nguy%E1%BB%85n-cao-k%E1%BB%B3-va-tr%E1%BB%8Bnh-cong-s%C6%A1n/
Bà Đặng Tuyết Mai
nói về Trịnh Công Sơn
LTS: Vào tối thứ Năm, 26 tháng 3, 2009 phóng viên Ngụy Vũ của đài Little Saigon TV phỏng vấn bà Đặng Tuyết Mai, phu nhân của cựu thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ. Trong cuộc nói chuyện, có một đoạn liên quan đến “tư thế chính trị” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. BBT Da Màu xin trích đăng để bạn đọc tham khảo.
BBT Da Màu
Những liên hệ đến nhạc Trịnh Công Sơn
Trong câu chuyện, bà Đặng Tuyết Mai cũng đề cập tới các nhân vật khác như đại tá Lưu Kim Cương và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngụy Vũ đã đặt ra câu hỏi và bà Mai kể lại như sau:
NV: Ngay từ phút đầu, khi được chị Đặng Tuyết Mai nhận lời lên chương trình Ngụy Vũ Show, khi nói về quãng đời của chị, có quá nhiều giai đoạn về không gian và thời gian mang tính lịch sử. Vì vậy, trong thế hệ của Ngụy Vũ, không dám đi về giai đoạn trước 1975. Tuy nhiên, Ngụy Vũ tôn trọng cuốn hồi ký của chị sắp ra trong năm 2009. Lúc nãy, chị có nhắc tới cố Đại tá Lưu Kim Cương, điều này làm cho em nhớ lại dòng nhạc Trịnh Công Sơn. Đây cũng là một huyền thoại. Em chỉ muốn hỏi chị, bài hát “Cho một người nằm xuống,” có phải đích thực Trịnh Công Sơn viết cho cố Đại tá Lưu Kim Cương không chị?
ĐTM: Vâng, thật ra, tất cả chúng ta đều biết bài đó Trịnh Công Sơn viết cho cố Đại tá, bây giờ là cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương.
Có nói một tí về liên hệ của Trịnh Công Sơn không?
NV: Chắc chắn. Chính em cũng muốn biết. Lịch sử có nhiều giai đoạn, nghệ thuật, chiến tranh đều là lịch sử. Giao tình như thế nào mà trong thời đó, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại viết bài hát đặc biệt này trong niềm xúc động cho cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương?
ĐTM: Trước hết, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tất cả chúng ta đều không những ngưỡng mộ, thán phục mà còn yêu mến. Riêng đối với chị, cảm tình đối với anh Trịnh Công Sơn còn có một tí tình cảm rất là trái cấm. Trái cấm đây không có nghĩa là có tình cảm gì đặc biệt giữa đàn ông đàn bà. Không có. Nhưng thời kỳ đó, anh Trịnh Công Sơn viết những bài hát được mô tả là phản chiến.
Anh Kỳ, lúc đó, là người đang chiến đấu. Thành ra, anh Kỳ đã một lần công khai trong ban Không quân, do anh Lưu Kim Cương hay mời anh Trịnh Công Sơn tới, đã đả kích anh Trịnh Công Sơn là anh đã viết những bài phản chiến. Chị nhớ lúc đó, anh Trịnh Công Sơn nói rằng, anh không nghĩ đến viết phản chiến gì hết, mà chỉ là một người nghệ sĩ viết lên niềm đau của dân tộc, những điều mắt thấy tai nghe, đau đớn thôi. Anh Kỳ nói rằng là, đương nhiên anh viết như thế, những người lính ở mặt trận… Anh Trịnh Công Sơn mới nói, anh là người đứng giữa, một chứng nhân. Anh Kỳ có nói rằng, trong hai chiến tuyến đang đánh nhau, anh chọn là người đứng giữa anh sẽ bị trúng đạn của cả hai bên. Thành ra, có sự rất căng thẳng giữa anh Kỳ và Trịnh Công Sơn.
Ngược lại, phía đằng sau, anh Lưu Kim Cương và chị rất là say mê nhạc của anh Trịnh Công Sơn và con người của anh Trịnh Công Sơn nữa. Chị hay nấu nướng. Trong Câu lạc bộ Không quân, anh Lưu Kim Cương có một câu lạc bộ nhỏ là Mây Bốn Phương, luôn luôn kéo anh Trịnh Công Sơn vào đó. Chị đem đồ nhậu đến. Anh Trịnh Công Sơn làm được bài nhạc mới là hát và hay tả cho nghe. Chị hay đến câu lạc bộ Mây Bốn Phương để nghe anh Trịnh Công Sơn đàn hát những bài hát mới.
Giao tình của anh Trịnh Công Sơn với anh Lưu Kim Cương rất mật thiết. Cũng lạ, một người rất là nhà binh, to lớn, cường tráng. Còn anh Trịnh Công Sơn rất là mỏng manh, ốm yếu. Nhưng hai người gần nhau vô cùng trong tình nghệ sĩ. Anh Lưu Kim Cương có rất nhiều nghệ sĩ tính, hát rất hay. Thành ra, họ rất thân mến với nhau. Hàng tuần, họ gặp nhau hai, ba lần.
Cho nên, lúc anh Lưu Kim Cương nằm xuống, anh Trịnh Công Sơn làm bài “Cho một người nằm xuống,” thật xúc động. Chị không lấy làm lạ, vì họ rất thân nhau.
NV: Đó là sự liên hệ, thân tình giữa cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Giao tình giữa chị và anh Trịnh Công Sơn trong thời đó, đối với chị kỷ niệm nào chị có với anh Trịnh Công Sơn. Kỷ niệm nào chị ghi nhận được, trong đó có nhạc phẩm chị biết được hoàn cảnh ra đời?
Chị xin nói là tại sao Trịnh Công Sơn đứng dậy bắt tay chị.
Trong câu, “Em đi về cầu mưa ướt áo.” Chị hỏi anh Trịnh Công Sơn là, “Ai là người cầu mưa ướt áo?” Có nguồn dư luận nói là, “Em đi qua cầu, rồi trời mưa ướt áo.” Có nhiều người khác lại nói rằng là, “Anh là người cầu mưa ướt áo, vì các em Đồng Khánh mặc áo trắng, mà trời mưa, tất nhiên là có good view.” Chị nói là, chị nghĩ người cầu mưa chính là người con gái đó. Tại vì người con gái Huế rất lãng mạn. Bây giờ, người phụ nữ được quyền ăn mặc hở hang để khoe nét đẹp. Nhưng ngày xưa, trong sự nghiêm khắc e dè của người Huế ngày xưa, và của đất nước ngày xưa, không cho phép người phụ nữ được phô bày. Thành ra, “Em đi về, em cầu cho mưa ướt áo, để em được chính thức khoe vẻ đẹp của mình.” Chị nghĩ chính người con gái cầu cho mưa ướt áo. Khi chị nói thế, Trịnh Công Sơn vỗ bàn và nhổm người lên bắt tay chị, thích vô cùng. Chị đã nhìn ra được.
0 nhận xét:
Post a Comment