Home » , » 95% người Việt không đọc báo giấy?

95% người Việt không đọc báo giấy?

Đọc những con số thống kê rất ấn tượng và không ấn tượng. Việt Nam hiện đang có 838 "cơ quan báo chí" với 1111 ấn phẩm (số liệu của Bộ 4T, tính đến ngày 26/12/2013). Trong số này có 70 tờ báo điện tử, 19 tạp chí điện tử, 265 trang thông tin điện tử. Đây là con số thoạt đầu nghe qua cũng ấn tượng.



Buồn cười một điều là khi giới quan sát nước ngoài phê bình VN không có tự do báo chí, thì các quan chức giãy nảy lên phản bác. Cách họ làm là đem mấy con số thống kê về số tờ báo ra để phản bác. Nhưng đó là kiểu phản bác rất lạc đề. Người ta phê phán rằng anh không có tự do báo chí (chứ người ta đâu có phê phán anh có ít tờ báo), nhưng anh lại nói "tôi có nhiều tờ báo"! Nhưng trong thực tế thì hơn 800 tờ báo đó chỉ có 1 ông tổng biên tập, và do đó tất cả đều cung cấp một thông tin có chọn lọc và nói cùng một giọng điệu.

Điều không ấn tượng là con số phát hành. Tất cả những tờ báo có số phát hành cao nhất đều là từ miền Nam (như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Công An TPHCM, v.v.). Nhưng ngay cả những tờ này số phát hành cao nhất cũng chỉ 200 ngàn bản/ngày!

Thử làm vài conn toán với giả định như sau: (a) mỗi ngày có 1 triệu bản của các tờ nhật báo bán ra; (b) mỗi gia đình mua 1 tờ; (c) VN có khoảng 20 triệu hộ gia đình, trong số này 70% là ở nông thôn (tức không đọc báo), vậy chỉ có 6 triệu là có điều kiện mua báo. Nhưng vì chỉ có 1 triệu bản được bán ra = 1 triệu gia đình. Như vậy, tỉ lệ đọc báo giấy cao nhất là chỉ 1/20 tức 5%. Phần còn lại 95% không đọc báo giấy. Như vậy, số người Việt không đọc báo giấy hàng ngày phải lên đến con số 95%!

Tôi nghĩ điều này chắc đúng. Kinh nghiệm của tôi ở dưới quê thì hầu như không có báo giấy. Ở xã thì chắc chắn không có báo. Thị tứ cũng không có báo giấy. Phải ra tận huyện mới có 1 sạp báo duy nhất, và cũng chỉ bán báo cũ. Ra tỉnh (thành phố) thì cũng chỉ có khoảng 5 sạp báo, và toàn là những tờ như báo loại "cướp giết hiếp" (như Công An, An Ninh Thế Giới chẳng hạn). Do đó, có thể nói rằng người VN là cộng đồng rất mù thông tin. Mù thông tin là điều kiện rất lí tưởng để bị những kẻ bất lương lường gạt.


Một bạn đọc góp ý   

Mới đọc một ý kiến của bạn tên là Lương Ngọc Phát trên Dân Luận liên quan đến tình trạng đọc báo giấy ở VN. Những quan sát của tác giả này cũng là những quan sát của tôi. Ở nông thôn, số người đọc báo đã ít, số người đọc sách càng ít hơn. Còn sách bày bán trong các nhà sách, ngay cả nhà sách lớn ở Saigon, thì nhìn bề ngoài xem ra phong phú, nhưng nhìn kĩ thì thật ra rất nghèo nàn. Rất nhiều sách giáo khoa, sách dịch, sách tử vi, sách dạy tiếng Anh, sách dạy làm người, v.v. chứ sách sáng tác có chất liệu tri thức thì ít lắm. Tôi thấy ý kiến của anh Lương Ngọc Phát này hay, và xin phép tác giả post lại dưới đây:

"Tổng quan cả nước, báo chí phía Nam ít nhiều còn sót phong cách Sàigon, nói được chút ít "tiếng người" nên trong tương đối, nhiều độc giả hơn báo chí phía Bắc nói "tiếng vẹt".

Người trong Nam, trừ một thiểu số rất nhỏ độc giả gốc Bắc vào, còn mua báo giấy Hà Nội. Còn lại, kể cả đa số người Bắc sống trong Nam, đều đọc báo Sàigon. Ngược lại, báo Sàigon vẫn tiêu thụ được tại thị trường Hà nội.
Tỉ lệ độc giả báo giấy trên dân số ư? Không cần đắn đo, có thể phán tức khắc: cực thấp!

Giới quan tâm thời sự, chủ yếu để cập nhật tình hình chính sự có thể ảnh hưởng đến thân phận và đời sống phụ thuộc chế độ của mình: công chức và viên chức nhà nước, doanh nhân...Một số cần biết chủ trương chính sách NN từng lúc, để uyển chuyển thích nghi, và để thủ thân nếu bị chính quyền địa phương bắt nạt. Vì là đồng hương, tôi quen nhiều GV trường trung học phổ thông (cấp 3) ở huyện, các BS địa phương... Lạ thay, tuy đều có trình độ đại học nhưng chỉ một số trong họ thường xuyên đọc báo giấy, ngay cả thời chưa có báo điện tử!

Đông hơn gấp nhiều lần, là giới lao động bình dân thành thị, buôn bán nhỏ, thanh thiếu niên, bộ đội NVQS, SVHS, nông dân ...hầu như rất ít có nhu cầu này(!). Đôi khi, họ vì nghe đồn đãi một vụ "cướp, giết, hiếp ..." nào đó, được khai thác ly kỳ hấp dẫn, thì mới tìm tờ báo Công An, vốn nổi tiếng bình dân chuyên đưa tin kể lể chi tiết những vụ này. Đọc báo mà như đọc truyện phim, cho thỏa bản năng tò mò vặt, đặng làm đầu câu chuyện thủ thỉ nơi các bà ngồi buôn dưa lê, nơi các ông lai rai ba sợi...mỗi chiều!

Về thăm quê, cả xã tôi 10.000 dân, không có sạp báo nào! Chạy ra thị trấn huyện lỵ, chỉ một sạp duy nhất mấy nhật báo phía Nam, nhằm cung ứng cho một phần đối tượng viên chức (chuyên môn). Còn công chức (quan lại, cán bộ quản lý hành chánh) huyện xã, hàng ngày đọc báo cơ quan, tờ Nhân Dân, như một lá truyền đơn! Các tạp chí tuần/nguyệt san điện ảnh, phụ nữ... chỉ xào nấu trích dịch lẫn nhau, bài lắm khi cũ sì đã đăng tràn ở nước ngoài tự nẵm nào, bê về nhét cho kín trang, bán! Hoặc bịa ba cái chuyện thầm kín chăn gối, liệt dương ngoại tình, rù rì to nhỏ, ba xạo ba đía, bán! Làm báo sao mà dễ ăn đến thế, cứ nhằm cà khịa vào bản năng "con" trong người, là kiếm được bạc!

Hầu hết nông dân và HS nông thôn không đọc báo. Sách, càng không! Tôi quen gần hết các thầy cô giáo Phổ thông cơ sở xã quê tôi (vì họ là dân địa phương, thế hệ con em tôi), gần như không ai đọc báo giấy! Họ đã qua bậc học Cao đẳng chính quy hoặc Đại học SP tại chức, cũng không mấy quan tâm chính sự nước nhà! Thật bất ngờ, nếu có dịp trò chuyện, dễ thấy đa số họ rất kém hiểu biết chính trị xã hội, thậm chí ngờ nghệch, mà họ là giới ưu tú làm thầy thế hệ sau, có "dân trí" vào hàng nhân sĩ địa phương nông thôn! Hiện tình an nguy của đất nước, họ chỉ phong thanh mơ hồ, và hình như...mackeno!

Ngoài các cửa hàng phân phối sách giáo khoa & văn phòng phẩm, cả huyện 200.000 dân không có một tiệm sách nào! Ai có nhu cầu đọc, phải về thành phố hoặc tỉnh lỵ tìm mua! Ví dụ, ngay thành phố Bảo Lộc, nơi có trường cao đẳng nông lâm, có phân hiệu đại học Tôn đức Thắng, mà cũng chỉ có 01 chi nhánh nhà sách Nguyễn văn Cừ trên đường Trần Phú rất nghèo nàn đầu sách và hoạt động rất...ế ẩm! Dạo một vòng quan sát, dễ thấy ngồn ngộn loại bìa cứng chữ mạ vàng sang trọng, lại là các hồi ký vua quan tướng sĩ CS, ký gửi, phủ bụi thời gian. Còn lại, là giáo khoa và kỹ thuật, tiểu thuyết 3 xu, truyện nhảm nhí...Hết! Qua đó, dễ phán đoán dân ta chỉ chú ý giáo khoa (để có bằng tú tài) và kỹ thuật (cụ thể, để mưu sinh). Còn lĩnh vực tri thức nhân văn & xã hội vốn gần gủi với khái niệm "dân trí" trừu tượng đang phổ dụng, lại chẳng màng!

Cũng có một thành phần khá giả, đặt mua 5-3 nhật báo mỗi ngày. Nhưng để được khá giả, họ lại ít thời giờ đọc hết, chỉ liếc sơ xem có gì lạ liên quan đến việc làm ăn, rao vặt quảng cáo..., là thôi. Thiểu số khá giả này sống biệt lập, ăn có nơi chơi có chỗ tương xứng, kẻ bình dân có tiếp xúc đâu mà hòng đọc ké?

Hàng xóm đọc ké đọc chung 1 tờ, phần lớn là dân nghèo xóm lao động hoặc nhà trọ công nhân liền vách, có thị hiếu lá cải, khoái "xe cán chó, chó cắn xe", scandale tình tiền tù tội trả thù giật gân.

Tôi quả quyết có những gia đình, ngay cả từ Sàigon tới các miền quê, 39 năm nay không tốn 1 đồng tiền mua báo, dù cả nhà đều biết chữ, có mấy đứa con tốt nghiệp đại học! Đầy dẫy các cử nhân ở nông thôn không hề đọc báo. Trung cấp nghề, càng không! Hầu hết cán bộ xã, giáo viên tiểu học VN bây giờ, bằng nhiều con đường, đều có bằng cử nhân tại chức các loại. Có điều, không ít người, không giải nổi bài toán cấp 1-2, càng không tự viết nổi một trang chữ nghĩa cho mạch lạc sao cho đừng "vẹt", đừng chung chung ước lệ, đừng lối mòn chuột chạy tư duy(!).

Tối tối xem tivi, khán giả bình dân đâu có màng chương trình thời sự (càng xem càng hóa lú!), chỉ chăm chắm phim hài thoọc léc hô hố nham nhở, phim Hàn lâm ly tình cao thượng hoặc thời trang tóc xanh tóc đỏ, phim Tàu lắm mồm cãi cọ thị phi mưu sâu chước hiểm ân oán giang hồ! Cả các cô giáo, các y sĩ, các nữ cán bộ nông thôn, cũng đa phần như thế!"

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : toan_dang78@yahoo.com
Copyright © 2013. Luyện Nghe Tiếng Anh - All Rights Reserved