Đó là dự kiến của TPHCM nhằm thu hút các chuyên gia công nghệ cao (1). Theo dự kiến này, các chuyên gia thuộc 4 trung tâm (Viện Khoa học Công nghệ tính toán, Trung tâm Công nghệ Sinh học, Khu Công nghệ cao và Khu Nông nghiệp Công nghệ cao) có mức lương lên đến 150 triệu đồng/tháng (tức khoảng 7500 USD/tháng, hay khoảng 90,000 USD/năm). Phải nói đây là một nỗ lực lớn và đáng chú ý nhằm thu hút người tài khoa học. Nhưng cũng như bất cứ dự án nào từ VN, ít ai có thể biết hết những lắt léo đằng sau con số đó bao gồm những gì và điều kiện ra sao. Điều tôi thấy phân vân là sự chênh lệch quá lớn giữa người có và người không có.
Chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ đến ông Trần Văn Truyền. Ông là người đang đứng giữa trung tâm dư luận về những căn biệt thự khổng lồ và nhà, đất từ Bến Tre lên Sài Gòn. Ông Truyền có một căn biệt thự lớn ở xã Sơn Đông (tỉnh Bến Tre), một căn biệt thự mà ngay cả người giàu ở nước ngoài cũng thấy ấn tượng. Nhưng nếu nhìn chung quanh hàng xóm ông, chúng ta thấy đó là một xã nghèo, với nhiều người sống trong những căn chòi trống hươ trống hoác, trông rất tội nghiệp, nhưng rất tiêu biểu cho cái nghèo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (2).
Nhìn cảnh tương phản đó, tôi liên tưởng đến trường hợp một nhà khoa học được trả lương cao và đồng nghiệp chung quanh. Thử tưởng tượng, bạn được trả lương 150 triệu/tháng, nhưng bạn phải làm việc với các đồng nghiệp chung quanh với mức lương 5 triệu hay 10 triệu/tháng. Ở đây, tôi chưa nói đến môi trường làm việc, mà chỉ muốn nói đến sự chênh lệch về đồng lương. Bạn có cảm thấy thoái mái không? Thử tưởng tượng bạn đang ngồi ăn món sơn hào hải vị mà bên kia đường có những người lê lếch chờ xin tiền lẻ, chắc chắn bạn sẽ ăn không ngon (nếu bạn có lương tâm). Tôi thì chắc chắn không thấy thoải mái trong môi trường như thế. Tôi không thể nào hưởng đồng lương gấp 30 lần đồng nghiệp mình cho dù tôi có bề dày khoa học hơn họ. Đó là một mức chênh lệnh rất phản cảm.
Ở nước ngoài, theo tôi thấy, mức chênh lệch giữa sếp và nhân viên cấp thấp không cao như thế. Như ở Viện tôi đang làm việc, của giáo sư giám đốc viện có lẽ có mức lương độ 300-350K/năm, cấp giáo sư trưởng lab thì chắc khoảng 150-350K (tuỳ theo thâm niên và thành tích khoa học), có người thậm chí lương cao hơn viện trưởng. Nhân viên phụ tá lab, tức là thấp nhất trong bậc thang khoa bảng, lương cũng cỡ 50-70K/năm (tùy theo thâm niên và bằng cấp). Khoảng cách giữa người có lương thấp nhất và cao nhất chỉ 3-4 lần. Trong môi trường như thế chẳng ai thấy bất công, do đồng lương được trả theo khả năng và chức vụ.
Sự chênh lệch quá cao về lương bổng có thể gây tác động tiêu cực đến sự thành công của một viện khoa học. Rất khó hợp tác trong một môi trường quá khác biệt về lương bổng, nhất là với văn hoá VN. Đó là chưa nói tình trạng chênh lệch lương bổng sẽ có thể tạo nên hội chứng xã hội mà người Anh gọi là "Tall poppy syndrome" (hội chứng người cao). Hội chứng này có đặc điểm là người có thực tài thường bị ghét, tấn công, và phê bình, do tài năng và sự thành đạt của họ vượt cao hẳn hơn so với những người chung quanh. Thật ra, "hội chứng người cao" cũng rất phổ biến ở VN (ví dụ tiêu biểu là cầu thủ Lee Nguyễn), và hội chứng này sẽ là một yếu tố làm cho khoa học – công nghệ VN khó thoát khỏi tình trạng hiện nay. Do đó, ưu đãi về tiền lương không chỉ dành cho các nhân tài khoa học mà còn phải dành cho tất cả những người làm khoa học chân chính.
====
(2) http://www.nguoiduatin.vn/nghich-canh-quanh-dinh-thu-tien-ti-cua-ong-tran-van-truyen-a164112.html
0 nhận xét:
Post a Comment