Hôm qua, tôi có vinh hạnh đi dự một đám cưới của cặp thanh niên Thái. Đôi “trai tài gái sắc” là người của trường Đại học Khon Kaen (KKU). Nàng là bác sĩ ở độ tuổi “ba bó” mới xong training về lão khoa để sắp thành bác sĩ chuyên khoa, và chàng là giảng viên khoa kĩ thuật (engineering). Buổi lễ thành hôn diễn ra nhẹ nhàng và đầm ấm, làm tôi lại so sánh, suy tư …
Câu chuyện tôi dự đám cưới khá dài nhưng ngắn gọn là như thế này. Hai hay ba năm trước, bạn tôi muốn giới thiệu một bác sĩ của KKU sang training về lão khoa bên Úc, và nhờ tôi tìm nơi gửi gấm. Tôi suy nghĩ hoài và chợt nhớ đến một anh bạn ở ĐH Sydney, nên liền giới thiệu cho bác sĩ ấy sang Sydney. Thế rồi tôi cũng quên. Đến khi đầu tháng 5 tôi sang thăm KKU thì cô bác sĩ ấy đến chào tôi và muốn nói lời cảm ơn, vì trong thời gian ở Sydney cô ấy không có dịp ghé chỗ tôi. Người đó chính là cô dâu hôm nay: Panita. Ngồi nói chuyện Sydney một hồi thì cô ấy nói vài tuần nữa là thành hôn và muốn mời tôi đến chung vui. Tôi thích tìm hiểu văn hoá, nên nhận lời ngay.
Bẵng đi vài tuần, bận bịu với công việc nên tôi … quên. Đến khi đầu tuần thì anh bạn nhắc là sắp đến ngày lễ thành hôn của Panita, mày tính sao đây. Tính gì bây giờ? Ở đây người ta thường đi tiền (cũng giống như ở VN), nhưng tôi thì lại muốn mua quà cho cặp vợ chồng. Thế là chuyến đi Lào tôi phải tìm cho được một món quà có ý nghĩa văn hoá cho cặp uyên ương.
Lễ thành hôn bên Thái Lan nói chung là chẳng khác gì so với cách tổ chức của người Việt. Buổi lễ thường được tổ chức trong khách sạn, và lễ thành hôn của Panita cũng không phải là một ngoại lệ. Đúng 11:30 am tôi và anh bạn đến nơi, và kí vào sổ lưu niệm và chụp hình chung với họ làm kỉ niệm. Vào trong mới thấy buổi lễ hôm nay rất đông. Có tất cả 50 bàn tiệc, mỗi bàn 10 người, nên số khách có thể lên đến 500 người. Tôi đoán rằng phân nửa khách là người của KKU.
Buổi lễ bắt đầu bằng những ca khúc loại melodie [tôi đoán là] tình cảm, hợp cảnh. Người MC là một nhà thơ và đang là xướng ngôn viên của đài phát thanh Khon Kaen. Dù không hiểu chị MC nói gì, nhưng tôi thấy chị ấy nói rất trôi chảy và không dài. Sau 5 ca khúc là phần chiếu phim về “lịch sử” của đôi uyên ương. Họ quen nhau đã 9 năm, khởi đầu là một buổi gặp mặt trong đại học dành cho sinh viên. Phải nói đoạn phim được dàn dựng khá hay, không có những cảnh sến, cũng chẳng có những cảnh chạy nhảy kiểu karaoke, nhưng là những phút suy tư của đôi trai gái, những quang cảnh đẹp của vùng quê Khon Kaen và khuôn viên đại học.
Hết phần chiếu phim là phần ra mắt khách của đôi uyên ương. Họ đi lên khán đài, nói lời cảm tạ mọi người. Người MC bắt đầu phỏng vấn đôi tân vợ chồng bằng những câu hỏi dí dỏm (tôi được dịch lại nên mới biết). Kế đến là bạn bè lên nói về cô dâu chú rể, dĩ nhiên là kể chuyện vui. Có ông cựu hiệu trưởng KKU lên nói chuyện về hai “quân” của ông, nghe cũng vui vui. Không thấy màn giới thiệu gia đình hai bên như ở Việt Nam.
Buổi tiệc có 5 món ăn. Món ăn cũng bình thường, tất cả đều là món Tàu, thua xa món ăn Thái. Nước uống chỉ là nước cam và nước Coca Cola. Không có bia rượu. Trong khi khách thưởng thức ăn uống thì cô dâu và chú rể vẫn phải bận rộn với các “thủ tục” như cắt bánh, cám ơn khách, trao hoa, v.v. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 2 giờ đồng hồ.
Đã lâu rồi, tôi không dự đám cưới ở VN nên không biết đám cưới bên ấy ra sao. Ngày xưa ở dưới quê thì đám cưới rất vui và hay. Bà con chòm xóm đến dựng rạp, chung vui cả 2-3 ngày. Tất cả đồ ăn thức uống đều do gia đình và hàng xóm đảm nhiệm, chứ làm gì nghĩ đến chuyện nhà hàng. Nghe nói bây giờ đám cưới đã trở thành “công nghiệp hoá”, có công ti đến lo từ A đến Z. Nếu vậy thì đâu vui bằng đám cưới thời xưa.
Còn ở hải ngoại, đám cưới của người Việt đã biến tướng đáng ngại. Đám cưới ngoài đó có khi là một màn trình diễn quái đản, nơi mà người ta đua nhau khoe lí lịch của cô dâu chú rể và những người trong gia đình. MC thì nói năng vung vít, sáo ngữ, chẳng đâu vào đâu. Nhiều MC Việt Nam rất bệnh hoạn. Nhạc thì ồn ào đến đinh tai nhức óc. Trong khi đó thì thực khách uống rượu như nước lả và đua nhau ói và lăn ra ngủ! Có đám cưới trở nên bạo loạn vì rượu vào lời ra làm mâu thuẫn giữa các bên. Nói chung, mỗi lần đi đám cưới ở ngoài là mỗi lần tôi ngán.
Tôi không rõ đám cưới của Panita có phải là tiêu biểu ở đây (Thái Lan) hay không, nhưng một đám cưới như thế này thì quả thật nhẹ nhàng và đầy đủ ý nghĩa của ngày lễ thành hôn.
0 nhận xét:
Post a Comment