Hôm qua, nhân dịp đọc thư của ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các thầy cô nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam (1), tôi thấy lấn cấn đôi điều. Lá thư không có nhiều thông tin, thiếu ý tưởng, mà chỉ lặp lại rất nhiều khẩu hiệu quen thuộc. Ngoài ra, lá thư được viết với một văn phong rất lạ lùng. Có 2 câu văn, mà mỗi câu trên 110 chữ! Đọc xong lá thư tôi chẳng hiểu gì cả. Thế là có bạn đọc đề nghị tôi là "thử viết một lá thư xem". Tôi thấy ý này hay, nên sáng nay tôi pha một li cà phê, và tưởng tượng mình là Bộ trưởng Bộ Giáo dục viết thư cho các đồng nghiệp giáo viên. Tôi thảo lá thư dưới đây để gửi đến quí vị nhà giáo. Mỗi lá thư phải có cái theme chính, và như các bạn sẽ thấy trong lá thư này, tôi nhấn mạnh đến việc ca ngợi công lao của quí thầy cô trong việc kiến tạo xã hội. Ở phần cuối thư, tôi muốn tỏ lòng thành (chứ không nói suông) bằng cách yêu cầu mọi người nói lời "cảm ơn" đến các vị nhà giáo. Nào, bây giờ các bạn góp ý và tôi sẽ chỉnh sửa. Năm sau sẽ gửi thư này cho bác Phạm bộ trưởng để bác ấy dùng (nếu cần) :-).
(1) http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Loi-cam-on-thay-co-giao-cua-Bo-truong-Pham-Vu-Luan-post152452.gd
====
Mến gửi quí thầy cô,
Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc mừng chân thành nhất đến quí thầy cô. Xã hội ta là một xã hội tôn sư trọng đạo, và Ngày Nhà Giáo là một trong những ngày đáng nhớ nhất và được quí trọng nhất trong xã hội chúng ta, bởi vì các thầy cô lúc nào cũng được kính trọng, trong vai trò đặc biệt là người kiến tạo tâm hồn cho thế hệ trẻ. Tôi cũng nhân dịp này để ghi nhận và vinh danh sự đóng góp cao cả của quí thầy cô cho sự phát triển của đất nước và dân tộc trong năm qua.
Ở mức độ cơ bản nhất, tương lai của đất nước và dân Việt Nam được định hình ở hai nơi: gia đình và nhà trường. Chính ở nhà trường vai trò của quí thầy cô có thể xem như là những bậc cha mẹ thứ hai. Quí thầy cô đóng góp vào việc hình thành một thế hệ công dân tương lai, qua việc gieo cho các em học trò tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc, vun đắp nhân văn, và nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội. Do đó, tiền đồ đất nước và dân tộc, tôi xin nói một lần nữa, là kết quả của những gì quí thầy cô giảng dạy và hướng dẫn trong trường học.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà hiền triết Aristotle từng nói rằng những người dạy học đáng được kính trọng hơn cả những bậc sinh thành. Cha mẹ cho chúng ta chất liệu di truyền để hình thành một cơ thể độc nhất vô nhị trên hành tinh. Quí thầy cô trang bị cho cái cơ thể độc đáo đó một nghệ thuật sống tốt và một tâm hồn tốt, giúp cho chúng ta hoà hợp với mọi người khác trong cộng đồng. Từ một cá thể độc đáo, chúng ta trở thành một người của mọi người và vì mọi người. Đó là một sự hoán chuyển kì diệu nhờ công của quí thầy cô. Chúng ta ai cũng dễ dàng nhận ra rằng tri thức là sức mạnh, nhưng ít ai nhận ra rằng người gieo mầm và vun bồi tri thức chính là các thầy cô. Nhìn như thế để thấy công lao của quí thầy cô là vĩnh cửu.
Tôi thấy có hai xu hướng xã hội mà quí thầy cô có thể đóng góp nhiều hơn nữa. Xu hướng thứ nhất là sự tiến bộ của khoa học và công nghệ quá nhanh chóng, làm cho con người dần dần trở nên thu mình vào một thế giới rất cá nhân, thậm chí sống vị kỉ. Xu hướng thứ hai là tình trạng tàn bạo và vi phạm quyền sống của con người càng ngày càng gia tăng một cách đáng ngại. Quí thầy cô ở một vị thế lí tưởng để góp phần trực tiếp làm thuyên giảm hai xu hướng đó, và kiến tạo một xã hội đáng sống hơn, mà trong đó con người cư xử với nhau tử tế hơn. Tôi kêu gọi quí thầy cô ngoài việc vun bồi kiến thức, nên tranh thủ thời gian để gieo cho các em tình yêu thương đồng loại, tôn vinh tinh thần kính trọng những người chung quanh, và lòng rộng lượng với đồng loại và loài vật.
Một lần nữa, tôi mến chúc quí thầy cô dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc, và làm việc hăng say vì lợi ích của sự trường tồn dân tộc. Nhân dịp này, tôi xin mời tất cả công dân Việt Nam nói lời "cảm ơn" chân thành đến quí thầy cô của chúng ta.
0 nhận xét:
Post a Comment