Home » , » Tại sao khó có đáp án cho 3 câu hỏi của bộ trưởng?

Tại sao khó có đáp án cho 3 câu hỏi của bộ trưởng?

 “Tại sao người Việt Nam có trí tuệ không thua kém các dân tộc khác nhưng khoa học Việt Nam lại không phát triển? Tại sao những người trẻ có tài không tham gia làm việc nhiều ở các cơ quan Nhà nước? Và, tại sao người trẻ đi học ở nước ngoài ít trở về nước?

Đó là ba câu hỏi của bác Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân dành cho giới khoa học trẻ (1). Tôi nghĩ cả 3 câu hỏi mà bác bộ trưởng nêu đều chưa đáp ứng tiêu chuẩn của câu hỏi tốt (good questions). Nó chưa tốt vì có vấn đề về giả định, tiền đề, không rõ ràng, và một chiều. Do đó sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không, có đáp án cho ba câu hỏi trên.



Câu hỏi đầu tiên bắt đầu từ giả định, "người Việt có trí tuệ không thua kém các dân tộc khác", đã có vấn đề. Người Việt, nhất là các quan chức, thường có một tính tự hào rất ấu trĩ, cho rằng người Việt chúng ta là thông minh, giỏi giang, sáng tạo. Có người còn so sánh người Việt với người Do Thái! Nhưng trong thực tế, chẳng có bằng chứng gì để nói như thế cả. Những cái giải thi toán quốc tế này nọ chỉ là trò chơi, và thể hiện “outliers” (giá trị ngoại vi), chứ không đại diện cho trình độ khoa học của cả nước. Trong thực tế, mức độ người Việt đóng góp tri thức và sáng tạo cho thế giới rất thấp, còn thấp hơn cả một nước nhỏ xíu là Singapore.

Vả lại, cho dù người Việt chúng ta giỏi giang đi nữa thì cũng không có nghĩa là khoa học Việt Nam sẽ khá lên. Cho dù Việt Nam có vài giải Nobel cũng chẳng vực dậy khoa học VN, vì đó là outliers (2). Điều quan trọng là cái cơ chế đã làm gì để phát huy khả năng của quần thể. Người lãnh đạo giỏi là biết tạo ra điều kiện và môi trường để khai thác VÀ duy trì tài năng. Ở VN mình thiếu cái cơ chế tốt cho khoa học, nên khó có thể hỏi câu như bác bộ trưởng. Đáng lí ra câu hỏi phải là: Nhà nước đã và nên làm gì để phát huy tài năng của giới khoa học.

Câu hỏi thứ hai có vấn đề về giả định, vì hàm ý nói rằng các cơ quan Nhà nước là môi trường tốt để nuôi dưỡng nhân tài. Câu hỏi còn thiếu thông tin. Nói “cơ quan Nhà nước” là cơ quan nào? Các bộ hay là các Sở hay cơ quan hành chính? Hay là các viện nghiên cứu? Không nói ra, rất khó hiểu ông muốn đề cập đến cái gì. Nhưng trong thực tế thì ai cũng biết các cơ quan hành chính của Nhà nước là những cái nôi để nuôi dưỡng những kẻ bất tài và nhũng nhiễu dân chúng. Còn các đại học của Nhà nước thì ngoại trừ vài trường hợp cá biệt phần đông còn lại chưa chắc là môi trường tốt cho người có tài. Cứ nhìn những vụ lùm xùm trước đây và hiện nay, suốt năm này sang năm khác, thì cũng đủ biết cái môi trường Nhà nước độc hại như thế nào với người có tâm huyết. Do đó, câu hỏi đáng lí ra phải hỏi là ngược lại: Tại sao các trường và viện Nhà nước không giữ được những nhà khoa học có tài?

Còn câu thứ ba thì cũng thế, rất chung chung và rất khó có câu trả lời cụ thể. Những người đi học từ ngân sách gia đình thì họ có mục tiêu khác (tị nạn giáo dục) nên khó kêu gọi họ về. Ngay cả con cái quan chức cũng tị nạn giáo dục đó thôi. Họ về làm gì khi mà cả hệ thống đầy rẩy những “hậu duệ” và “quan hệ” cùng với “tiền tệ”, vì họ thừa biết đất nước đó và cái hệ thống đó sẽ không cho họ cơ hội để đóng góp. Người đi từ ngân sách Nhà nước thì họ về, nhưng những cách cư xử không công bằng và minh bạch làm cho họ nãn chí, và lại tìm đường “tị nạn khoa học”. Do đó, đáng lí ra phải hỏi Nhà nước làm gì để thu hút những nhà khoa học có thực tài ở nước ngoài về nước (chứ không phải tại sao người trẻ không chịu về nước).

Ở đây, tôi cũng phải bàn qua những phát biểu kiểu đại khái như "ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp tôi được giữa lại giảng dạy, nhưng tôi vẫn về nước [vì tôi yêu nước]". Những phát biểu như thế khá phổ biến trên báo chí Việt Nam. Tôi thì nghĩ rằng những người phát biểu như thế có khả năng cao là nói không thật. Cái vế hai nghe là biết cảm tính rồi, ai nói đến chữ “yêu nước” là tôi ngán lắm. Ở Úc này (và nhiều nơi khác), những lab nghiên cứu có một qui ước ngầm là nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp nên ra khỏi lab để cạnh tranh ở [thường là] nước ngoài và ở những “right address”. Dĩ nhiên, giáo sư hướng dẫn sẽ tìm đường cho họ đi. Mà, cho dù có ở lại lab, thì cũng khó vì còn tuỳ thuộc vào ngân sách nghiên cứu. Còn lên thẳng chức vụ như assist professor hay lecturer thì … còn lâu. Chỉ có một số rất nhỏ postdoc lên assist prof mà thôi. Do đó, khi nói họ được giữ lại để làm giáo sư có thể xem rằng tệ nhất là nói dóc để nâng mình lên, hoặc nhẹ nhất là hiểu lầm. Tôi đoán chắc cũng có trường hợp ngoại lệ, nhưng rất rất hiếm, và cũng phải bắt đầu từ vị trí nào đó, chứ không đi thẳng lên assist prof hay lecturer được.

Thành ra, cả ba câu hỏi đều gián tiếp đổ thừa cho những nhà khoa học trẻ, mà không nói gì về cái hệ thống và cơ chế cả. Câu hỏi chỉ 1 chiều, và do đó sẽ chẳng dẫn chúng ta đi đến đâu cả. Không thể đòi đáp án từ 3 câu hỏi như thế.

Khoa học Việt Nam suy cho cùng thì chỉ là một lĩnh vực trong cái guồng máy xã hội, nên cũng chịu sự chi phối của guồng máy đó và những đặc điểm của nó. Ở VN tôi nghĩ công bằng mà nói thì guồng máy này có những đặc điểm nổi bật là: chủ nghĩa lí lịch (COCC, hậu duệ), tham nhũng tràn lan, và thiếu niềm tin giữa người với người. Ba cái đặc điểm này làm xoáy mòn xã hội, làm đảo lộn những giá trị và chuẩn mực, kể cả chuẩn mực khoa học.

Trong cái hệ thống đó, những người chân chính khó có đất dụng võ. Nếu có thì họ cũng khó phát triển. Dĩ nhiên, cũng có một nhóm nhỏ thành công, vì họ biết cách vận dụng và lèo lái trong cái hệ thống và có mối quan hệ tốt. Một ví dụ là một anh trẻ (tôi quên tên) đã kiếm được 1 triệu USD cho công trình của anh ấy, chỉ vì anh ấy tiếp cận được ngài thủ tướng. Một mặt, anh ấy thành công; nhưng mặt khác anh ấy làm nên một tiền lệ tiêu cực cho hệ thống phân bố tài trợ nghiên cứu bởi vì nếu ai cũng làm vậy thì hệ thống sẽ mất hiệu quả. Trong một hệ thống như thế thì làm sao người có tài và có tâm huyết dám về VN để đóng góp.

Do đó, cho dù ngài bộ trưởng có ý định hoàn toàn tốt khi nêu ra 3 câu hỏi, nhưng tôi nghĩ những câu hỏi đó chẳng giúp gì trong tương lai cả. Đáng lí ra ông ấy cần nhìn lại cái “institutions of power” và cải cách cơ chế sao cho thân thiện hơn, minh bạch hơn, và công bằng hơn thì mới may ra thu hút được người có tài.

====

(1) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/278698/ba-cau-hoi-nha-khoa-hoc-tre-khong-de-co-dap-an.html

(2) http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/194415/du-viet-nam-co-giai-nobel-cung-khong-ich-gi.html 

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : toan_dang78@yahoo.com
Copyright © 2013. Luyện Nghe Tiếng Anh - All Rights Reserved