Hôm nay đọc một bản tin thấy vui vui trong lòng vì những gì tôi nói trước đây dần dần cũng có tác dụng thực tế. Đó là vấn đề thưởng cho công bố quốc tế. Bài báo cho biết một số trường đại học ở VN đã bắt đầu thưởng cho các nhà nghiên cứu có công bố quốc tế (1). Nhưng tôi sợ là các trường này ra chính sách thưởng chưa tốt mấy, vì họ chỉ đơn giản dựa vào tập san ISI hoặc dựa vào impact factor (IF).
Cách đây hơn 7 năm tôi có viết một loạt bài về tình hình công bố quốc tế ở VN đăng trên nhiều báo, trong đó có bài đề nghị nên thưởng cho các tác giả có công bố quốc tế (2). Dạo đó thì có ít người quan tâm, thậm chí phản đối, bởi vì họ nói không cần công bố quốc tế và thưởng là một hình thức hối lộ! Đối với những người suy nghĩ hẹp hòi như thế thì rất khó thảo luận được, nên cách hay nhất là quên họ đi. Thật ra, ý tưởng này chẳng có gì là mới, bởi vì tôi cũng chỉ lấy từ kinh nghiệm thực tế ở Viện tôi, nơi mà người ta thưởng 1000 AUD cho một công trình trên tập san có IF cao hơn 10, và người của Viện phải là tác giả chính. Tác giả chính là người đứng đầu dự án (PI), là người đứng vị trí correspondence author. Nếu không phải là người đứng tên tác giả correspondence author thì phải chứng minh có đóng góp quan trọng trong công trình.
Do đó, tôi thấy vui vì một vài trường đại học VN đang hay sắp thưởng cho công bố quốc tế. Mấy trường này còn ít, nhưng vẫn là những trường đi tiên phong và cần nên khuyến khích. Tuy nhiên, tôi phân vân vì chính sách và tiêu chuẩn thưởng có vẻ "Trăm hoa đua nở", chưa ổn mấy, nếu không muốn nói là sai. Chẳng hạn như Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn (trong VNUHCM) thưởng 15 triệu đồng cho bài báo trong tập san ISI. Đó là số tiền khá lớn, nhưng không thể thưởng khơi khơi như vậy được, vì tập san ISI có nhiều loại, thượng vàng hạ cám, nên một bài trên tập san gần đáy của chuyên ngành mà cũng được thưởng 15 triệu như một bài trên tập san "top" của chuyên ngành là không công bằng. Vả lại, phải minh bạch rằng tác giả của Trường mà đóng vai phụ trong bài báo thì không nên được thưởng. Nhưng Trường chưa xác minh các tiêu chuẩn này.
Có nơi thì chỉ đặt ra tiêu chuẩn chung chung, rất khó đánh giá. Chẳng hạn như Trường ĐH Quốc tế "thưởng trung bình 1.500 USD cho mỗi bài báo tạp chí ISI đăng vượt yêu cầu", nhưng không thấy nói thế nào là "vượt yêu cầu". Lí do tôi đặt câu hỏi là vì một số người của Trường ĐH Quốc tế có công bố trên những tập san dỏm của Tàu (như nhóm Scirp).
Có nơi lại đặt ra tiêu chuẩn dựa vào IF, có vẻ chưa hợp lí. Ví dụ như ĐH Y Dược HCM sẽ có chính sách thưởng 2 triệu đồng cho mỗi IF (cho tập san trong nhóm 1, nhưng không rõ nhóm 1 là những tập san nào). Có thể hiểu là nếu tác giả công bố bài báo trên tập san có IF = 4 thì sẽ được 8 triệu đồng tiền thưởng. Chính sách này cần phải xem lại. Những ai có kinh nghiệm và am hiểu về công bố quốc tế đều biết IF tuy là một chỉ số quan trọng nhưng nó có nhiều điểm yếu (3-4). Có người đòi tẩy chay IF. Nhưng quan trọng nhất là IF dao động tuỳ theo ngành khoa học, ngay cả trong cùng ngành. Chẳng hạn ngành miễn dịch học có những tập san có IF rất cao (vì thời thượng), còn ngành nội tiết thì tập san có IF cao nhất chỉ gần 7. Do đó, không thể nói rằng một nhà khoa học trong ngành nội tiết học công bố trên tập san có IF 5 là thấp hơn một nhà miễn dịch học công bố trên tập san có IF = 10.
Trong bài viết gần 8 năm trước, tôi có đề nghị một công thức thưởng như sau (chỉ là ví dụ):
T = 100 + (IFj x 200) + (IFj / IFm x 1000)
Trong đó, T là tiền thưởng; IFj là chỉ số impact factor hiện hành của tập san; IFm là chỉ số IF cao nhất trong chuyên ngành. Vế thứ hai của công thức trên đề nghị rằng cứ mỗi chỉ số IF thì tác giả được thưởng 200 USD. Vế thứ ba của công thức trên cân nhắc thứ hạng của tập san trong chuyên ngành.
Chẳng hạn như một bác sĩ công bố một công trình nghiên cứu trên tập san chuyên ngành nội tiết có IF là 4. Ngành nội tiết có tập san có IF cao nhất là 6. Do đó, theo công thức trên, số tiền thưởng sẽ là:
T = 100 + (200 x 4) + (4/6 x 1000) = 1567 USD.
Tương tự, một nhà toán học công bố nghiên cứu trên tập san có IF 1.2, nhưng tập san toán học có IF cao nhất là (chỉ giả định) 3, thì số tiền thưởng sẽ là 740 USD.
Gần đây thì có nhiều người nghĩ đến cách thưởng khác, không dựa vào IF nữa. Cách này dùng citations sau 3 năm, mà những công trình được trích dẫn độc lập cao hơn gấp 2-3 lần IF thì sẽ được thưởng dựa trên số lần trích dẫn. Nhưng cách thưởng này, dựa vào citations sau 3 năm, thì tác giả phải chờ sau 3 năm mới được thưởng (nếu may mắn). Tôi nghĩ đây cũng là cách thưởng hay mà các đại học VN nên áp dụng, vì qua citation sẽ nhận dạng được những công trình có phẩm chất cao. Cách đánh giá này cũng giúp nhà quản lí đánh giá các giáo sư nước ngoài (họ hay lên mặt khi về VN vì mang cái nhãn "quốc tế"), vì qua citation sẽ biết thật và giả ngay.
Tóm lại, tôi nghĩ là cần thưởng cho công bố quốc tế để duy trì "momentum" trong nghiên cứu khoa học và để khuyến khích các nhà khoa học trẻ có thực tài. Qua khuyến khích này, cũng giúp cho giới quản lí loại bỏ những người chỉ "nổ", tức nói hay và nói lớn trên báo chí đại chúng, nhưng lại rất kém trong các tập san khoa học. Nhưng cần phải xem lại chính sách thưởng sao cho hợp lí và công bằng, chứ không phải xem các tập san khoa học đều có giá trị như nhau. Nếu đánh đồng như thế là rất nguy hiểm, vì dễ bị những người hám tiền lợi dụng.
====
(1) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/278165/nhung-truong-dh-chi-tram-trieu-cho-bai-bao-cong-bo-quoc-te.html
(2) http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=2415&CategoryID=3
(3) http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/201537/tam-ve-quan-trong-trong-su-nghiep-khoa-bang.html
(4) http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/201541/de-nen-khoa-hoc-viet-duoc-thom-lay.html
0 nhận xét:
Post a Comment