Home » » Nên nhường bước cho thế hệ trẻ!

Nên nhường bước cho thế hệ trẻ!

Mỗi năm, Nhà nước chi ra khoảng 400 triệu USD cho nghiên cứu khoa học. Phần lớn ngân sách này dành cho xây dựng cơ sở vật chất, hơn là tài trợ trực tiếp cho các công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, năng lực khoa học của nước ta vẫn còn quá thấp so với các nước trong vùng. Trong năm 2008 (tính đến tháng 10), các nhà khoa học Việt Nam chỉ công bố được 910 bài báo khoa học trên 512 tập san khoa học quốc tế (so với 5553 bài của Singapore và 3310 của Thái Lan, hay 2194 bài của Mã Lai). Trong khi đó, nhiều nhà khoa học trẻ phàn nàn rằng tình trạng kém cỏi của khoa học Việt Nam là hệ quả của vấn đề quản lí ngân sách, và “lực cản” từ những “cây đa, cây đề” đang cầm chịch nền khoa học nước nhà nhưng không có khả năng hội nhập quốc tế, và bám theo tư duy và lề lối làm việc thời bao cấp.

Cuối tháng 12/2008, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố thành lập Quĩ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (gọi tắt là NAFOSTED) với mục tiêu nâng cao khả năng lực nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, và tăng số lượng công trình khoa học trên các tập san quốc tế. Một tiến bộ trong Quĩ NAFOSTED là tính minh bạch và qui định người chủ nhiệm đề tài nghiên cứu phải có công trình công bố trên các tập san quốc tế trong vòng 5 năm qua. Cụm từ “tạp san quốc tế” ở đây đề cập đến những tập san khoa học được liệt kê trong danh sách của Viện thông tin khoa học ISI (Institute for Scientific Information, chứ không phải “Thomson Institute of Information”) [1]. Qui định này thể hiện một bước tiến mới trong chiều hướng tích cực, nhằm từng bước đưa các tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động khoa học ở nước ta.

Nhưng mới đây, có ý kiến phản bác qui định trên của NAFOSTED. Trong một lá thư gửi cho Bộ KH&CN, nhân danh một hiệp hội khoa học, một vị giáo sư cho rằng qui định trên không hợp lí, vì:

(a) Đánh giá của ISI không phải là đánh giá chuyên gia mà thiên về tính thống kê.

(b) Có nhiều nước có trình độ nghiên cứu cơ bản vào hàng đầu thế giới nhưng không được tổ chức này đánh giá cao như Nga, Pháp, Đức, … thể hiện ở chỗ nhiều Tạp chí có tiếng của các nước này không được kể đến.”

Lí do đầu đưa ra vừa tối nghĩa vừa có phần đánh tráo vấn đề. Tối nghĩa là vì không ai biết “tính thống kê” là gì. Đánh tráo vấn đề ở chỗ đánh giá thành tựu một chuyên gia cần đến các con số thống kê. Viện thông tin khoa học không đánh giá một chuyên gia nào; họ chỉ cung cấp sản phẩm dưới hình thức thống kê về số lượng bài báo và chỉ số trích dẫn để nhà quản lí đánh giá thành tựu của một nhà khoa học hay một trung tâm nghiên cứu. Giới quản lí đặc biệt quan tâm đến các chỉ số trích dẫn mà công trình của chuyên gia đó được đồng nghiệp quan tâm (mà tôi đã giải thích trong một bài trước). Chỉ số trích dẫn chính là con số thống kê. Chỉ số trích dẫn có thể trích ra từ cơ sở dữ liệu của ISI.

Cho rằng các nước như Nga, Pháp, Đức, v.v… không được đánh giá cao để xem thường ISI là hoàn toàn sai. Đánh giá nền khoa học của một nước không phải dựa vào con số tập san khoa học nước đó có trong ISI, mà là dựa vào năng lực và tầm ảnh hưởng của khoa học nước đó. Năng lực được phản ảnh qua số lượng công trình khoa học, bằng sáng chế, giải thưởng quốc tế, và đội ngũ nhà khoa học. Tầm ảnh hưởng thể hiện qua chỉ số trích dẫn.

Bảng sau đây (trích từ bài phân tích trên tập san Nature) cho thấy Nga nằm trong các nước hàng đầu về khoa học, nhưng không thể đứng chung với các nước Bắc Mĩ hay Tây và Bắc Âu được. Trong thời gian 1997-2001, Nga công bố 123.629 bài báo khoa học (so với 342.535 từ Anh, 318.286 từ Đức, 336.858 từ Nhật, và 232.058 từ Pháp). Mỗi bài báo của Nga được trích dẫn chỉ 2,5 lần, so với 5-9 lần của các bài báo từ các nước Bắc Mĩ và Tây Âu. Tính theo chỉ số ảnh hưởng, khoa học Nga đứng hàng 16, còn sau cả Do Thái. Do đó, cố tình “nhét” Nga vào danh sách tương đương với Pháp và Đức (tại sao thiếu Anh) theo tôi là không hợp lí. Nói tóm lại, cáo buộc rằng ISI không đánh giá cao Nga là hoàn toàn không có cơ sở.




Chú thích: Hạng của từng quốc gia được xếp dựa vào số công trình được trích dẫn nhiều nhất (top 1%). Nguồn: DA King. The scientific impact of nations. Nature 15/7/2004, trang 311-316.

Nói tóm lại, những nhận xét của vị giáo sư đầu ngành không đúng với thực tế và cũng chẳng hợp lí. Không có lí do gì Bộ KH&CN nghe theo những tư vấn thiếu cơ sở khoa học như thế.

Trong thời gian qua, chúng ta đã tiêu quá nhiều thời gian và công sức để thảo luận những điều quá hiển nhiên. Đã làm nghiên cứu khoa học, bất kể là khoa học cơ bản hay ứng dụng (thực ra sự phân chia này hoàn toàn không cần thiết), thì phải có “sản phẩm”. Sản phẩm phải thể hiện qua các bài báo khoa học công bố trên các tập san được giới khoa học quốc tế công nhận, qua bằng sáng chế, hay qua thành tựu được đưa vào ứng dụng thực tế. Đó là điều hiển nhiên. Ngân sách của nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học là một sự đầu tư, và không có nhà nước nào muốn bỏ đồng tiền ra mà không thu được lợi phẩm.

Nước ta hiện nay có 38.217 giảng viên dạy đại học; trong số này có 303 giáo sư, 1805 phó giáo sư, 5643 tiến sĩ. Thế nhưng năng suất khoa học của nước ta còn quá thấp so với các nước trong vùng Đông Nam Á (chứ chưa dám so với các nước như Hàn Quốc hay Đài Loan). Hiện nay, con số ấn phẩm khoa học ở nước ta (khoảng 900 bài / năm) chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 1/5 của Singapore. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, 20 năm nữa, con số bài báo khoa học nước ta có thể chỉ 2500 bài, tức chỉ bằng phân nửa con số của Singapore hay 20% thấp hơn Thái Lan của năm 2008. Ai là người đứng ra nhận lãnh trách nhiệm cho tình trạng tụt hậu này? Thiết tưởng, những “cây đa, cây đề” từng cầm chịch và chi phối nền khoa học nước nhà trong một thời gian dài nên cuối đầu nhận lãnh một phần trách nhiệm, có một lời xin lỗi thế hệ đàn em và xin lỗi người dân.

Để nâng cao thực lực khoa học, yếu tố quan trọng số 1 là con người. Cho dù Việt Nam có nhập những thiết bị khoa học hiện đại, nhưng nếu không có các nhà khoa học có kinh nghiệm sử dụng thì những thiết bị đó vẫn là một đống kim loại vô dụng. Do đó, Quĩ NAFOSTED, dù vẫn còn vài hạn chế về qui chế, là một chương trình có tiềm năng nâng cao năng lực khoa học và góp phần từng bước đưa nền khoa học nước ta hội nhập quốc tế. Nhìn qua bảng số liệu trên, chúng ta dễ dàng thấy các nước chung quanh ta tiến nhanh như vũ bão: ấn phẩm khoa học của Hàn Quốc tăng gấp 2 lần, Trung Quốc và Singapore tăng gần 70%, Đài Loan tăng gần 40%. Trong khi các nước khác tiến nhanh như thế, ta chỉ loay hoay bàn chuyện có nên công bố quốc tế hay không!? Đã đến lúc khoa học và quản lí khoa học cần đổi mới, và những “cây đa, cây đề” nên nhường bước cho thế hệ trẻ.

Ghi thêm:

[1] Trong thư, tác giả viết “Thomson Institute of Information”, nhưng có lẽ đây là một hiểu lầm, vì không có viện nào với tên đó. Xin nhắc lại ISI là viết tắt của “Institute for Scientific Information”, do Eugene Garfield sáng lập vào năm 1960 chuyên đo lường năng lực khoa học. Sau này viện được công ti Thomson mua lại và nay được biết đến như là Thomson Scientific, một bộ phận thương mại của tập đoàn Reuters.


Trích thư của vị giáo sư:




0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : toan_dang78@yahoo.com
Copyright © 2013. Luyện Nghe Tiếng Anh - All Rights Reserved