Một câu chuyện đẹp làm sao! Một ông giáo làng, 84 tuổi, vẫn cọc cạch đạp xe (không phải xe Honda nhé) đi dạy tiếng Anh cho học trò quê. Đọc xong bài này tôi cứ tưởng tượng cảnh thầy giáo Anh đạp xe trên con đường làng, băng ngang qua những hàng bông bụp, hàng dừa mé sông, để lên lớp cho đám học trò mắt to há hốc nghe. Tôi chợt ước gì khi về già mình có một công việc như ông cụ này: dạy tiếng Anh cho bọn con cháu trong làng.
NVT
NVT
===
ThầyAnh, 84 tuổi
84 tuổi vẫn đạp xe đi dạy tiếng Anh
(Dân trí) - Hơn 70 tuổi ông mới cắp sách đi học tiếng Anh. Sau 3 năm miệt mài, ông lấy được bằng B và bằng C tiếng Anh “hết sức ngon lành”. Ở tuổi 84, ông vẫn đạp xe đi dạy ngoại ngữ cho lũ học trò nhỏ ở Mỏ Cày, Bến Tre.
Gặp ông, chúng tôi quá đỗi bất ngờ khi hiển hiện trước mắt là một ông già 84 tuổi, tóc đã bạc trắng nhưng vẫn rất mạnh khỏe, nhanh nhẹn và đặc biệt có trí nhớ tốt cũng như đôi mắt còn rất sáng.
Ông Anh vẫn còn nhớ như in những năm tháng tuổi thơ và quá trình đầy khó khăn đến với cái nghề dạy học của mình. Ông Anh kể, từ nhỏ ông đã đi học một chương trình học do người Pháp dạy và cho đến năm 1943 ông tốt nghiệp bằng thành trung tiếng Pháp. Sau đó đi học bằng tú tài nhưng do tình hình lúc bấy giờ khó khăn nên ông không học được Đại học. Tuy nhiên ông vẫn tiếp cận được một số sách báo, kiến thức từ một số người thân quen khác.
Năm 1945, ông được đi học lớp cán bộ tuyên huấn tỉnh ủy Bến Tre và sau đó tham gia kháng chiến đến năm 1954. Lúc này có việc đưa lực lượng đi Bắc chiến đấu nhưng do ông có vợ và 2 con nhỏ nên ông không đi và năm 1955 ông bắt đầu đi dạy học. Ông Anh cho biết, đây là mốc rất quan trọng cho nghề nghiệp của mình lúc đó và cả sau này. Vì lúc này ông cũng là một cán bộ bí mật nhưng được dạy học công khai. Năm 1968 ông liên lạc lại được với cách mạng vì trước đó đã mất liên lạc với lý do an toàn cho ông. Lúc này ông tham gia vào Hội nhà giáo bí mật của thị xã Bến Tre.
Từ đó đến năm 1969, ông vừa dạy học nhưng cũng vừa tự học và ông thi đậu vào Đại học Văn khoa Sài Gòn rồi học Đại học và sau đó tốt nghiệp thì chuyển sang dạy môn Văn cấp 3. Trong giai đoạn 1969-1973, ông là Hiệu trưởng của trường cấp 3 Thạnh Phú - Bến Tre. Năm 1975-1990, ông tiếp tục dạy học và sau đó thì nhà nước cho nghỉ hưu ở tuổi 65, lãnh lương hưu một lần là 7 chỉ vàng (tương đương khoảng 1 triệu 400 đồng tiền thời đó).
Sau khi về hưu, ông Anh về làm vườn cùng vợ để nuôi con cái ăn học. Ông Anh có tất cả 8 người con đều học hết lớp 12. Nhưng do hoàn cảnh còn rất khó khăn cho nên chỉ có 3 người học lên tiếp Cao đẳng và hiện giờ là những giáo viên cấp 2.
Còn riêng ông Anh thì ông bắt đầu đi dạy kèm cho nhiều học sinh vào năm 1995. Ông mở lớp dạy tiếng Anh vỡ lòng (vì trước đó dù ông học tiếng Pháp là chính nhưng ông cũng được học 2 năm tiếng Anh nên ít nhiều ông cũng biết tiếng Anh) tại nhà và cho vài đứa trẻ trong xóm.
Ông Anh tâm sự: “Mình cũng phải nghiên cứu giáo án dạy sao cho bọn trẻ tiếp nhận nhanh nhất. Mình dạy cũng là để noi gương tự lực, yêu nghề, biết chữ nghĩa thì phải gởi lại cho lớp trẻ sau này chứ già rồi chết mang xuống mồ uổng lắm”.
Ông Anh dạy lớp vỡ lòng tiếng Anh cho đến năm 1999 thì ông lại đi học thêm tiếng Anh. Lúc bấy giờ, ông cũng đã 74 tuổi nhưng “sáng ông làm thầy giáo, tối làm học trò” trong suốt 3 năm trời. Tối nào ông cũng đạp xe gần 10 cây số từ nhà ở xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày) đến Trung tâm ngoại ngữ Bến Tre (thị xã Bến Tre) để học tiếng Anh.
Ông cười nói: “Lúc đó, nhiều thầy cô giáo và nhiều người đến học đáng tuổi con cháu của tôi rất bất ngờ khi thấy một ông già hơn 70 tuổi nhưng vẫn còn có thể đi học”. Sau 3 năm “miệt mài kinh sử” ông Anh cũng lấy được bằng B và bằng C tiếng Anh “hết sức ngon lành” ở cái tuổi mà “không biết ngày mai ra sao”.
Hiện giờ, ông Anh đang dạy cho gần 20 em học sinh lớp vở lòng, lớp 6, lớp 8, lớp 9 môn tiếng Anh ở các xã Phước Mỹ Trung, Tân Phú Tây. Ông cho biết, lâu lâu cũng dạy cho các em cấp 3 nhưng số này là rất ít vì thời gian rất hạn chế. Ông cũng cho biết thêm, dạy cho các em nhưng mình cũng thu chút ít tiền học phí để lo cho tuổi già.
Khi chúng tôi hỏi về sức khỏe ở cái tuổi hơn 80, ông Anh bộc bạch là ông thường xuyên tập thể dục để giữ gìn sức khỏe và từ ngày hành nghề dạy học thêm cho đến nay ông chưa một lần bị ốm đau hay tuổi già hành hạ những khi trái gió trở trời. Quả thật, ông Anh còn rất khỏe, mắt còn sáng để đọc rành rọt từng câu chữ một bài báo nào đó, ông vẫn còn rất nhanh nhẹn khi đi xe đạp đây đó. Ông cho biết, thời gian của ông hiện giờ là “rất kín” vì phải dạy nhiều chỗ nên từ 6g30 sáng cho đến 19g tối hàng ngày là không thể gặp ông ở nhà.
Nhiều em học sinh từng học tiếng Anh với ông giờ cũng có rất nhiều người thành công như có em đang học Đại học Sư phạm Đồng Tháp, Đại học Cần Thơ… Những em này ông Anh thường dạy từ lớp vỡ lòng cho đến cả cấp 3 môn tiếng Anh.
Ông tâm sự, còn khỏe thì còn đi dạy, chừng nào đi không nổi thì thôi chứ ông nhất quyết không chịu “gác kiếm” nghề dạy học của mình. Nhiều học trò của ông cho biết, ông rất ít khi bỏ dạy và nếu có nghỉ thì đa số là do các em có việc riêng nên xin ông nghỉ.
Không chỉ dạy học, ông Anh còn là một “nhà thơ”. Sau khi về hưu, ông cũng làm thơ khá nhiều nói về quá trình đến với nghề dạy học, rồi luyến tiếc những ngày tháng đã qua, rồi những việc thế sự ở đời. Thơ của ông cũng được đăng trên các tạp chí văn nghệ huyện, tỉnh Bến Tre. Và đương nhiên sự nghiệp giáo dục được ông đặt lên hàng đầu như trong bài thơ “Giã biệt” của ông có đoạn: “Về dưới mái tranh dừa mát rượi / Nâu sồng, thanh đạm vậy mà vui / Sống nghĩa là cho, cho nhân nghĩa / Cho mầm non thêm nhánh thêm chồi”. Đó cũng là mong muốn của ông Anh, nhưng ở cái tuổi 84 thì không biết ông còn có thể “cho…” đến khi nào? Một tấm lòng giáo dục rất đáng được trân trọng.
Ông cho biết, hiện ông đang làm hồ sơ để xin được cấp trợ cấp như cho một giáo viên về hưu nhưng vẫn chưa được xã xem xét.
0 nhận xét:
Post a Comment