Home » » Tuổi thọ trung bình của người Việt

Tuổi thọ trung bình của người Việt

Hôm nay đọc được một tin vui: tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng. Theo bản tin dưới đây, trích số liệu của Tổ chức y tế thế giới, tuổi thọ trung bình của nữ là 75 và nam và 70. Tính trung bình cho nam và nữ, tuổi thọ trung bình là 72 năm.

Tuy nhiên, tôi check qua trang nhà của WHO thì thấy họ báo cáo rằng tuổi thọ trung bình của nam là 69 (chứ không phải 70 như bài báo viết), và tuổi thọ trung bình của nữ là 75 (đúng như bài báo viết). Thế thì số liệu nào đúng hơn? Có thể đoán rằng số liệu của WHO đáng tin cậy hơn.

Tại sao tuổi thọ trung bình của người Việt gia tăng? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải biết qua cách tính tuổi thọ trung bình của một quần thể vốn chỉ tùy thuộc vảo 3 thông số: dân số cho từng độ tuổi (0, 1, 2, 3, 4, …, 120), tỉ lệ tử vong ở từng độ tuổi, và tỉ lệ sinh sản cho từng độ tuổi. Nói cách khác, tuổi thọ trung bình của một quần thể tăng khi tỉ lệ tử vong giảm, nhất là tỉ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Tuổi thọ trung bình của một dân số tùy thuộc khá lớn vào tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, nếu tuổi thọ trung bình của dân Việt tăng trong thời gian gần đây cũng có thể là do Việt Nam thành công giảm tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi.

Tại sao tuổi thọ của nam thấp hơn nữ. Có nhiều cách để giải thích hiện tượng phổ biến này, kể cả thuyết chọn lọc tự nhiên và tiến hóa của Darwin (rất thú vị). Nhưng ở đây, chúng ta thực tế hơn với phương pháp để hiểu câu trả lời. Bởi vì tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh hay trẻ dưới 5 tuổi thường ở nam thường cao hơn nữ, và như nói trên tỉ lệ tử vong ở trẻ có ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ trung bình, cho nên nam thường sống ít năm hơn nữ -- ở qui mô quần thể.

Do đó, chúng ta cần đến một chỉ số khác để đo lường tuổi thọ của dân số Việt Nam: đó là tuổi thọ trung bình tính sau 5 tuổi. Chỉ khi nào chúng ta có chỉ số này thì chúng ta mới kết luận được là nam thật sự chết sớm hơn nữ. Tuy chưa có chỉ số này, tôi vẫn nghĩ câu trả lời cũng có thể đoán được.

Nhưng tôi lại … lan man. Tại sao tính toán tuổi thọ trung bình của dân số Việt Nam mà chúng ta phải nhờ đến các chuyên gia WHO? Thời đại máy tính ngày nay, với số liệu tốt và đầy đủ (mà Việt Nam thì có đấy), việc tính toán tuổi thọ trung bình cho một tỉnh tốn không đến 5 giây. Ấy thế mà chúng ta lại nhờ đến người ngoài làm cái công việc mà học sinh trung học cũng có thể làm! Thật khó hiểu nổi!

NVT

===

http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=161675&ChannelID=9
Thứ Bảy, 23/05/2009, 09:32

Người Việt sống thọ trung bình 72 tuổi

TP - Thống kê sức khỏe thường niên được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 22/5 cho biết, tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt Nam là 75 tuổi, và đàn ông 70 tuổi. Tính trung bình, người Việt thọ 72 tuổi.

Thống kê mới nhất của WHO cũng ghi nhận ,Việt Nam nằm trong số những quốc gia đạt được tiến bộ đáng kể trong việc gia tăng tuổi thọ trung bình, kể từ năm 1990, thông qua các chương trình chăm sóc sức khỏe khá thành công.

Theo thống kê của WHO, tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt Nam là 75 tuổi, so với 72 tuổi năm 2000 và 68 tuổi của năm 1990. Tương tự, tuổi thọ trung bình của đàn ông Việt Nam cũng tăng từ 64, 68 lên 70 năm.

Cũng theo thống kê của WHO, tuổi thọ trung bình cho cả hai giới ở Việt Nam tăng từ 66 tuổi năm 1990 lên 70 tuổi năm 2000 và nay là 72 tuổi.

Người Nhật sống lâu gấp đôi dân Afghanistan

Một bé gái sinh năm 2009 tại Nhật Bản có thể mừng sinh nhật lần thứ 86 vào năm 2095 và đàn ông có tuổi thọ trung bình 79.

Tuy nhiên, đàn ông có tuổi thọ cao nhất thế giới không thuộc về Nhật Bản, mà là ở San Marino, một trong những quốc gia nhỏ bé thanh bình nhất hành tinh, nằm ở đông bắc Italy, nơi tuổi thọ trung bình của phái mạnh lên tới 81.

Theo WHO, tuổi thọ trung bình hiện nay của người Nhật (cả hai giới) là 83, đứng đầu thế giới; tiếp theo là người Australia, Iceland, Italy, San Mario, Thụy Sĩ đều thọ 82 tuổi.

Tuổi thọ trung bình của người Mỹ tăng từ 72 lên 76 tuổi cho đàn ông và 79 lên 81 tuổi cho phụ nữ. Tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga giảm từ 64 xuống 60 và phụ nữ cũng giảm từ 74, xuống 73 tuổi.

Trong khi đó, đàn ông Afghanistan, đất nước bị xé nát bởi xung đột, trung bình đàn ông chỉ sống được 41 năm và phụ nữ là 42 năm.

Theo WHO, đàn ông sinh ra ở vùng đất nghèo đói, đẫm máu Siera Leone (châu Phi) đoản thọ nhất thế giới với vòng đời chỉ 39 năm.

Thống kê của WHO cho thấy, tuổi thọ trung bình giảm mạnh ở nhiều nước châu Phi, kể từ năm 1990 chủ yếu do đại dịch HIV/AIDS cùng với những cuộc xung đột đẫm máu.
Tuổi thọ đàn ông và phụ nữ ở Lesotho, nằm ở miền nam châu Phi, có mức sụt giảm kỷ lục lên tới 16 năm, xuống còn 43 và 47.

Tại vương quốc láng giềng Swaziland, phụ nữ có tuổi thọ trung bình 49, giảm 14 năm; trong khi vòng đời của đàn ông cũng giảm xuống 12 năm, còn 47...

Tại Zimbabwe, nơi khủng hoảng kinh tế tạo ra tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng, tuổi thọ trung bình của phụ nữ giảm 19 năm, xuống còn 44 và đàn ông giảm 12 năm, xuống còn 45.

Chiến tranh, xung đột chấm dứt và việc triển khai hiệu quả các chương trình cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, giúp nhiều quốc gia tăng tuổi thọ trung bình cho người dân ở mức cao.

Tại Liberia (châu Phi), tuổi thọ trung bình của đàn ông tăng thêm tới 29 năm và phụ nữ tăng thêm 13 năm. Tuổi thọ trung bình của cả hai giới tại Angola, Bangladesh, Maldives, Đông Timor cũng tăng lên khoảng 10 năm kể năm 1990.

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : toan_dang78@yahoo.com
Copyright © 2013. Luyện Nghe Tiếng Anh - All Rights Reserved