Nguồn: wikipedia
Tôi cũng muốn tin như vậy lắm. Còn gì tuyệt vời hơn là biến món phở thành một loại “thực phẩm chức năng” (functional food) vừa no bụng, vừa ngon miệng, lại vừa phòng chống bệnh cúm H1N1! Nhưng tôi e rằng lí giải trên quá đơn giản. Đúng là shikimic acid là chất nền để bào chế tamiflu, nhưng acid này phải qua một qui trình chuyển hóa để thành thuốc, chứ không phải đơn giản chỉ bơm acid vào và thành thuốc tamiflu.
Tại sao phải qua một qui trình chuyển hóa và bào chế? Tại vì mục tiêu cơ bản của việc điều trị cúm H1N1 là ức chế enzyme có tên là neuraminidase. Enzyme này được tìm thấy trên bề mặt của virút. Do đó, ức chế hoạt động của nó, chúng ta có thể giảm triệu chứng liên quan đến cúm H1N1. Shikimic acid đơn thuần không có khả năng ức chế enzyme neuraminidase; nó phải qua một qui trình synthesis với các chất hóa học khác để hoàn tất được chức năng vừa kể.
Tôi không biết khi lá tai hồi hay shikimic acid khi được nấu với các gia vị khác có ảnh hưởng gì đến việc ức chế enzyme neuraminidase. Nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra. Ý tôi nói, cũng có thể phở có hiệu quả giảm triệu chứng cúm H1N1, nhưng chúng ta cần bằng chứng. Y học thực chứng bây giờ dạy cho chúng ta không nên tin vào những gì mình nghĩ là đáng tin (vì như thế thì chẳng khác gì một vài tôn giáo tin có “thượng đế”), mà cần phải có bằng chứng. Hiện nay, chúng ta chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy ăn phở giảm triệu chứng cúm H1N1, nhưng chúng ta có bằng chứng cho thấy tamiflu giảm triệu chứng cúm H1N1. Dù thuốc tamiflu không phải là thần dược hay giảm tử vong như nhiều người lầm tưởng, nhưng giữa phở và tamiflu thì có lẽ chúng ta nên chọn cái nào có bằng chứng khoa học làm ưu tiên.
Thật ra, vấn đề này đặt ra cơ hội, hơn là thách thức. Cơ hội là cần thực hiện một nghiên cứu lâm sàng để xem xét phở có hiệu quả điều trị cúm H1N1 hay không? Tôi nghĩ đến 3 nhóm bệnh: một nhóm điều trị bằng tamiflu và “phở dỏm” (tức cũng như phở nhưng không có lá tai hồi); một nhóm bằng tamiflu và phở thật (có lá tai hồi); và một nhóm chỉ ăn phở thật. Nhưng vấn đề đặt ra là liều lượng lá tai hồi trong phở là bao nhiêu, công thức nấu phở phải chuẩn như thế nào, làm sao để đánh giá khách quan hiệu quả (tức không để cả bác sĩ và bệnh nhân không biết họ thuộc nhóm nào), v.v… Đây là những vấn đề rắc rối, nhưng nếu có ý chí thì cũng làm được. Biết đâu kết quả sẽ tốt, và toàn thế giới sẽ ăn phở Việt Nam để điều trị cúm H1N1! Nghĩ đến ngày đó tôi thấy mình hạnh phúc lắm. Nhưng bây giờ thì tôi chưa có lí do và bằng chứng để nói phở có thể điều trị cúm H1N1.
NVT
0 nhận xét:
Post a Comment