Home » , » Tố chất của một nhà khoa học thành công

Tố chất của một nhà khoa học thành công

http://ideaseller.typepad.com/photos/uncategorized/2007/10/24/goinguphires.jpgHôm nọ, trong buổi trò chuyện với phóng viên một đài truyền thanh, phóng viên hỏi rằng trong khoa học tố chất nào định hình một nhà khoa học thành công. Đây là một câu hỏi hay, và hình như cũng đã tốn công sức suy nghĩ của nhiều người. Cá nhân tôi cũng từng quan sát đồng nghiệp và nghĩ đến những tố chất như sau …


“Nhà khoa học thành công” ở đây là “successful scientist”. Nói đến successful / thành công thì chắc chắn sẽ có người đặt ngay câu hỏi: dựa vào tiêu chí gì. Đó là câu hỏi chính đáng. Điều thú vị là nhà khoa học có vẻ muốn giải quyết nhiều vấn đề cho thế giới, nhưng khi đụng đến vấn đề của chính họ, thì họ lúng túng. Lúng túng đầu tiên là lấy chỉ số gì để đánh giá tầm ảnh hưởng của một công trình nghiên cứu. Phải gần 20 năm sau, khởi đầu từ một người không làm khoa học (Eugene Garfield), giới khoa học mới đi đến một số thước đo có thể chấp nhận được. Nhưng đến câu hỏi liên quan đến cá nhân hơn, như lấy tiêu chí gì để đánh giá một nhà khoa học là thành công, thì vấn đề càng khó khăn hơn. Ít ai, nhất là những người đã bỏ cả đời để theo đuổi một vấn đề cụ thể nào đó, chịu nói hay dám thú nhận mình thất bại. 

Nhưng vấn đề trở thành một đề tài nghiên cứu cho giới xã hội học. Năm 1998, hai nhà xã hội học Feist và Gorman có làm một tổng quan các nghiên cứu về tố chất có liên quan đến tính sáng tạo của nhà khoa học. Những nghiên cứu này thường dựa vào phương pháp định tính (qualitative methods) trên những đối tượng có “tên tuổi” như từng đoạt giải thưởng lớn, có chân trong các ban biên tập tập san khoa học, v.v. So sánh những tố chất của nhà khoa học và ngoài khoa học, họ đi đến kết luận chính như sau:
  • Nhà khoa học là những người tỉnh táo và tập trung, ít bị chi phối bởi những yếu tố “nhiễu” chung quanh;
  • Nhà khoa học thường có cá tính vượt trội và có thái độ lấn áp, quyết tâm làm việc nhắm đến thành quả;
  • Nhà khoa học có suy nghĩ độc lập, sống nội tâm, và khả năng giao tiếp xã hội kém;
  • Nhà khoa học thường rất lạnh lùng, không chịu sự chi phối của cảm tính.

Ngoài ra, họ còn so sánh các nhà khoa học nổi tiếng / sáng tạo với những người ít danh tiếng và ít sáng tạo hơn. Họ kết luận rằng những nhà khoa học thành công thường là những người có cá tính như sau:
  • áp đặt, ngạo mạn, tự tin;
  • độc lập, tự chủ, sống nội tâm;
  • tham vọng, làm việc vì mục tiêu cụ thể; và
  • cởi mở trong ý tưởng và hành động.
Ở mức độ thực tế (tức không có nghiên cứu), những yếu tố làm nên một nhà khoa học thành công theo quan sát của tôi thì hơi khác những cá tính trên. Đúng là những người thành công thường rất “phách”, ngạo mạn, tham vọng, nhưng họ có lí do vì họ là những người có thực tài. Ai từng tiếp xúc James Watson sẽ thấy ông ấy nhìn mọi người khác như … rác rưởi! Tập san Nature có làm điều tra về yếu tố dẫn đến thành công của một nhà khoa học, và theeo nhận xét cá nhân, tôi thấy những yếu tố họ đưa ra rất phù hợp với thực tế. Một nhà khoa học muốn thành công cần phải có những tố chất như sau:
Một là sáng tạo ra ý tưởng mới hay phương pháp mới. Khi nhà khoa học có sáng kiến, phát kiến mới, hay tạo ra phương pháp mới, thì theo qui luật, sẽ có nhiều người theo đuổi, và do đó, nhà khoa học trở thành người đi tiên phong. Nói theo tiếng Anh là làm leader chứ không làm follower. Nếu chỉ lặp lại những người khác làm, hay lẽo đẽo theo dấu chân người khác thì rất khó thành công.
Hai là mở rộng kiến thức và địa hạt nghiên cứu. Trong khi tập trung vào một vấn đề, nhà khoa học cũng cần nghĩ đến mở rộng địa hạt nghiên cứu (suy nghĩ đến khả năng ứng dụng của chuyên ngành mình đang theo đuổi); đọc nhiều để có thêm thông tin; tham gia nhiều dự án cùng một lúc; sử dụng nhiều phương pháp; tìm những cơ chế mới. Làm về tim mạch, nhưng cũng nên mở rộng “biên cương” sang lĩnh vực khác, kể cả … nghệ thuật!
Ba là kiên trì theo đuổi ý tưởng. Tập trung vào một vấn đề chính; không đầu hàng trước khó khăn; lúc nào cũng tìm cách đối phó với khó khăn.
Bốn là chọn đề tài mà xã hội quan tâm và có tác động đến thực tiễn. Điều này thì có vẻ hiển nhiên, vì không ai muốn theo đuổi những đề tài vô bổ, chẳng liên quan gì đến xã hội. Do đó, những đề tài được xã hội quan tâm là những đề tài có tác động thực tiễn, và là yếu tố rất quan trọng để tạo dấu ấn và thành công.
Năm là độc lập và lãnh đạo chuyên ngành. Khi nhà khoa học chưa độc lập và tự chủ thì chưa thể xem là thành công được. Độc lập ở đây phải hiểu theo nghĩa từ tạo cho mình một “trường phái” và đóng vai trò chủ trì dự án nghiên cứu.
Sáu là thu hút thế hệ nghiên cứu sinh mới. Một yếu tố quan trọng là đào tạo thế hệ tiếp nối. Một nhà khoa học không để lại thế hệ tiếp nối thì không thể xem là thành công được. 
Bảy hợp tác. Khoa học ngày nay là hợp tác quốc tế. Do đó, để tăng khả năng thành công, nhà khoa học cần phải hợp tác với các đồng nghiệp trong và ngoài chuyên ngành. Hợp tác cũng là một cách thức tuyệt vời để có ý tưởng mới.

Tám là công bố quốc tế. Trong khoa học có một công thức nổi tiếng là Research = Experiments + Publication (Nghiên cứu = Thí nghiệm + Công bố). Công bố nghiên cứu trên những tập san tốt, hàng đầu trong chuyên ngành. Trong thực tế, không ai công nhận là “nhà khoa học” hay “nhà nghiên cứu” nếu không có công trình công bố trên những tập san chuyên ngành.

Chín là có giải thưởng. Trong chuyên ngành và hội nghị, những giải thưởng là một tín hiệu của thành công. Dĩ nhiên, có giải Nobel thì rất hay, nhưng trong thực tế, ít ai được trao giải đó, ngay cả những người xứng đáng, nên những giải thưởng của các hội đoàn chuyên môn cũng là một thước đo về thành công.

Mười là thu hút tài trợ. Ở vài nước như Úc và Mĩ, thành công trong khoa học cũng có thể đo qua số tiền nhà khoa học thu hút từ các cơ quan cấp tài trợ khoa học. Nhìn qua lí lịch nhà khoa học, nếu không có thu hút tài trợ thì đó là tín hiệu cho thấy người đó chưa độc lập, và còn đang phấn đấu để thành công. Nhưng điều này thì bị phản đối, vì nhiều người cho rằng thu hút tài trợ cho nghiên cứu không thể là thước đo của thành công. 

Đó là những tiêu chí và tố chất để định hình một nhà khoa học thành công. Tôi nghĩ chắc còn có nhiều tố chất khác nữa, nhưng vì chưa nghĩ kĩ nên chưa đầy đủ. Các bạn có thể thêm để danh sách đầy đủ hơn. 

Ghi chú:

Feist GJ, Gorman ME. The psychology of science: review and integration of a nascent discipline. Review of General Psychology 1998;2:3-47.

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : toan_dang78@yahoo.com
Copyright © 2013. Luyện Nghe Tiếng Anh - All Rights Reserved