Hôm nọ nhân một người bạn nhận xét chi tiết về thủ bút của bà bộ trưởng, người đang kêu gọi đưa môn văn vào kì thi tuyển sinh viên y khoa, tôi có nhắc đến câu "writing is thinking" của nhà văn Mĩ William Zinsser. Thật ra, tôi kiểm tra lại thì thấy nguyên văn là "writing is thinking on paper" (có thể hiểu là: viết là suy nghĩ trên tờ giấy). Một nhà văn khác và cũng là sử gia tên là David McCullough nói thêm rằng “Writing is thinking. To write well is to think clearly. That's why it's so hard." (Viết là suy nghĩ. Để viết tốt đòi hỏi người viết phải suy nghĩ rõ ràng. Đó là lí do tại sao viết là một việc khó khăn). Tôi rất thấm mấy câu này vì nó thật là thực tế.
Viết là suy nghĩ
Đúng là viết là một quá trình suy nghĩ, và viết khó hơn mình tưởng. Có khi trong lúc họp bàn chuyện này, dự án kia, và sau đó là phân công người phụ trách. Mà, ở xứ Tây thì cái gì cũng phải viết thành văn bản trước khi làm. Lúc họp thì ai cũng hăng hái, nói ra những ý hay, nhưng khi viết thì … chậm làm sao! Tôi không nói ai cả, tôi đang nói về tôi. Sau khi họp xong, rồi đến lúc bị hối thúc, tôi mới ngồi xuống viết. Khi ngồi xuống viết và xem lại mấy cái notes, tôi mới phát hiện mình phải phải hệ thống hoá ý tưởng trước sau, và ngay lúc đó, tôi mới biết mình còn thiếu thông tin. Nói thì dễ (như "A có liên quan đến B") nhưng khi viết thì phải có trích dẫn, phải tìm tài liệu đàng hoàng, phải đọc dữ liệu xem nó liên quan đến cái gì khác, có ngoại lệ không, v.v. và thế là phải chậm đi, vì cần thời gian để suy nghĩ. Suy nghĩ thì nhiều, nhưng có khi chỉ viết được 1 câu văn!
Nhưng viết xong một câu đó thì vẫn chưa hết, mà phải suy nghĩ tiếp. Chẳng hạn như nếu tôi viết xong câu "A có liên quan đến B", và nếu tôi dừng ở đó thì sẽ bị phê bình là đơn giản (simplistic), hàm ý nói suy nghĩ chưa đến nơi đến chốn. (Giới báo chí thì có thể đơn giản được, nhưng nhà khoa học thì không được). Do đó, phải lí giải thêm, có thể phải giải thích cơ chế hay gì đó để câu chuyện đầy đủ. Thế nhưng có niềm an ủi là khi viết xong thì câu chuyện trở nên đầy đủ và hấp dẫn hơn.
Viết văn như nấu ăn!
Nhưng đó là ý, còn phải để ý đến kĩ thuật. Có lần nói chuyện về viết bài báo khoa học trong một hội thảo do Bộ GDĐT tổ chức, tôi có ví von rằng viết văn, đứng về mặt kĩ thuật, cũng giống như nấu ăn. Người nấu ăn phải chế biến nguyên liệu, phải nêm nếm và thêm gia vị để có món ăn hoàn hảo. Viết văn cũng như thế: cũng phải biến data thành information, và information thành knowledge, và quá trình "chuyển hoá" đó đòi hỏi phải "nêm nếm". Viết xong một câu văn, đọc lại lần nữa xem có chữ nào thừa hay chữ nào chưa hay, khi đã ổn thì mới viết câu tiếp. Đến khi xong đoạn văn, phải đọc lại toàn bộ đoạn văn xem các ý tưởng đã rõ chưa, sắp xếp logic chưa, và nhất là cái tone đã ổn chưa. Nói thì dễ, nhưng thực hành thì không dễ chút nào. Thường thường, tôi học và thực hành từ người đi trước.
Thực hành: học từ người viết hay
Kinh nghiệm của tôi là phải thực tập thì mới cải tiến viết được. Tôi thường thực tập bằng cách đọc các bài báo của những người viết hay. Trong y khoa, tôi ngưỡng mộ các nhà khoa học viết văn giỏi như Walter Willett, Steven Cummings, Steven Goodman, George Diamond, Stephen Jay Gould, v.v. (Danh sách còn dài). Đây là những người viết văn khoa học là chủ yếu, chỉ riêng Gould còn là một nhà nghị luận. Lần đầu tiên tôi "phục lăn" Steven Cummings (người tôi quen khá thân) khi ông này viết phần dẫn nhập cho một bài báo trên tập san Lancet chí 1 đoạn văn! Đọc đi đọc lại đoạn đó tôi phục quá. George Diamond và Steven Goodman là những người viết văn tranh luận trên các tập san khoa học rất tuyệt.
Còn người viết văn sắc như dao là Bác sĩ Marcia Angell, cựu tổng biên tập Tập san New England Journal of Medicine, và tác giả cuốn sách "The Truth About the Drug Companies" làm nhức đầu mấy công ti dược. Tôi chưa thấy ai viết văn một cách logic và thuyết phục như bà này. Cuốn sách tôi vừa đề cập là một tác phẩm văn chương nghị luận không chê vào đâu được.
Viết bay bướm và cảm động nhưng vẫn duy trì cái "air học thuật" tôi nghĩ khó ai có thể qua Atul Gawande, một bác sĩ phẫu thuật trứ danh và cũng có thể xem là một nhà văn. Ông này viết văn giỏi đến độ tạp chí New Yorker mời làm bỉnh bút. Cuốn Complications của ông là một best-seller ở Mĩ và trên thế giới, trong đó ông mô tả thân phận bệnh nhân và những sai sót của bác sĩ bằng một gọng văn bình thản và rất nhân văn.
Còn trong khoa học xã hội, người tôi học nhiều nhất và ngưỡng phục nhất là Samuel Huntington, tác giả của nhiều cuốn sách tuyệt vời. Khó có ai có khả năng viết lách logic như ông này. Chỉ cần đọc những bài báo và luận văn của ông, tôi thấy mình học rất nhiều, từ cách viết, dùng chữ, và cấu trúc ý trong một đoạn văn.
Dành 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày để viết
Nhưng thực tập như thế nào? Khi còn ở Mĩ tôi có nghe một chuyên gia rất nổi tiếng trong ngành dịch tễ học là Walter Willett nói chuyện về viết bài báo khoa học. Ông này được xem là một "đại thụ" y khoa, một trong những tác giả [có lẽ trên 500 bài báo] có số trích dẫn cao nhất trong lịch sử y khoa, và cũng là một chuyên gia dinh dưỡng danh tiếng, nhưng ông cực kì bình dân và rất rất dễ mến. Khi xong bài nói chuyện (đúng ra là bài giảng) có người hỏi bí quyết viết của ông là gì, thì ông mỉm cười nói: mỗi ngày tôi bỏ ra 30 phút đến 1 giờ chỉ để viết. Viết về bất cứ đề tài gì chứ không phải y học hay nghiên cứu. Ông còn cho biết ông thích sưu tầm những câu văn hay, và phân tích những câu văn đó để tìm cách viết … hay hơn.
Đó là một trong những bài giảng gây ảnh hưởng sâu sắc đến cá nhân tôi. Trong đời, dự có khi mấy trăm buổi giảng, có thể có buổi giảng mình chẳng học hỏi gì được vì không phải chuyên ngành, nhưng vẫn học được cách giảng của họ, hay học cách tránh cái dở của họ. Bài giảng của Willett có ảnh hưởng tích cực đến tôi, vì sau đó, tôi để tâm thực hành và quả thật có cải tiến. Khi thực hành nhiều như thế theo thời gian thành thói quen. Đã thành thói quen thì rất khó bỏ. Thành ra, cho đến nay tôi vẫn dành ra 30 phút đến 1 giờ để viết về nhiều đề tài tôi quan tâm. Thật ra, tôi viết cho tôi là chính. Tôi vẫn duy trì thói quen đó cho đến ngày nay và chắc sẽ duy trì đến ngày không còn viết nữa. Ngày nào không nhìn thấy con chữ hay không gõ vài dòng chữ là thấy … bực bội.
Tôi có cái duyên viết từ lúc còn nhỏ. Thời đó, tôi mới học lớp 4 hay 5 gì đó, tôi đã viết đơn về tranh chấp đất đai cho người láng giềng tôi là Củ Hương (người Khmer). Chẳng biết do tôi viết tốt hay do công lí mà Củ Hương thắng vụ kiện cáo. Sau đó, tôi được ăn kẹo, ăn bánh ống thoải mái và miễn phí. Đến khi lên trung học, tôi làm báo (thời đó gọi là "bích báo", giống như poster bây giờ) trong vai trò giống như biên tập viên ngày nay. Rồi lớn lên vào đại học tôi bắt đầu viết báo, thậm chí làm thơ! Sau 1975, tôi còn viết cho Nhân Dân và đài phát thanh nữa. Nhưng thời đó viết là theo cảm tính, thấy sao viết vậy, chứ chưa để ý đến [vì chưa học đến câu] "writing is thinking on paper". Bây giờ, nếu tìm lại được mấy bài viết thời đó, chưa chắc tôi có đủ can đảm để đọc lại.
Mấy năm gần đây, trong thực tế, tôi dành ra nhiều thì giờ để viết. Chủ yếu là viết đơn xin tiền (grant), viết thư giao dịch, viết và biên tập papers, viết editorials, reviews cho tập san. Viết hết năm này sang năm nọ, tôi bắt đầu thấy … ngán. Nhưng bất cứ tôi viết cái gì, tôi vẫn thấy câu "writing is thinking on paper" là rất đúng. Không suy nghĩ rõ ràng thì khó viết gì được. Do đó, nếu có một lời khuyên, tôi sẽ mượn bí quyết của GS Walter Willett: dành 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày để viết về đề tài mà bạn quan tâm trên … blog.
0 nhận xét:
Post a Comment