Hôm nay (20/10) là "Ngày Loãng Xương", hay tiếng Anh là "Osteoporosis Day". Ngày này được Tổ chức Loãng xương Quốc tế (International Osteoporosis Foundation) chọn làm ngày để truyền bá kiến thức về phòng chống, chẩn đoán và điều trị bệnh loãng xương và các bệnh liên quan. Kể ra cũng thú vị vì ngày này xảy ra ngay sau khi hội nghị của Hiệp hội nghiên cứu về xương của Hoa Kì (ASBMR) vừa bế mạc. Và, thế là tôi có lí do lan man về những trải nghiệm cá nhân trong chuyến phó hội vừa qua.
Những người như tôi năm nào cũng tiêu ra khá nhiều thì giờ đi phó hội. Ít nhất cũng phải 4 lần, còn từ 5-8 lần là bình thường. Hội nghị lớn có, hội nghị vùng, hội nghị cấp quốc gia, cấp quốc tế, v.v. tất tần tật đều có. Cái khổ là mình phải duy trì sự hiện diện trong các hội nghị quan trọng, vì nếu không thì rất dễ bị bỏ rơi trong chuyên ngành.
Trong chuyên ngành loãng xương, hội nghị ASBMR của Mĩ mỗi năm thu hút khoảng 5000 đến 6000 người tham dự. Tuy người ngoài ngành mới nghe qua thì tưởng là nhiều, nhưng các chuyên ngành khác như tim mạch, khớp, di truyền học, ung thư học, v.v. thì mỗi hội nghị của Mĩ thu hút khoảng 40,000 đến 50,000 người là bình thường. Tuy nói là "của Mĩ", nhưng trong thực tế thì những khách đến tham dự đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều nhất là Mĩ, kế đến là Âu châu, Á châu, và châu Mĩ Latin.
Vì tính quốc tế, nên hội nghị ASBMR được xem là một "show case", một diễn đàn chính của chuyên ngành loãng xương. Được nói chuyện, được mời chủ toạ, được mời đóng vai "quan chức" trong hội nghị là một vinh dự và có quyền ghi vào lí lịch khoa học, vì đó được xem là một dấu hiệu của "recognition". Người mới vào khoa học chưa hiểu khái niệm recognition, nhưng làm một thời gian và thầy chỉ dạy cho thì sẽ biết. Điều này cũng có nghĩa là đối với nghiên cứu sinh, cạnh tranh để có được một bài báo cáo bằng miệng (oral presentation) trong một hội nghị như thế này là rất ... ác liệt. Được cho oral presentation còn là một hình thức quảng bá rất tuyệt vời cho trường/viện. Do đó, ở Viện tôi, em nào có oral presentation thì được Viện đài thọ hoàn toàn chi phí ăn ở và đi lại.
Riêng tôi thì hội nghị ASBMR như là một "bộ lạc", một ngôi nhà mà tôi thường hay lui tới hơn 20 năm qua. Tôi có bài nói chuyện ở MN lần đầu vào năm 1993, mà tôi có kể lại là bị sếp la cho một trận vì tôi trả lời sai câu hỏi của một người đồng nghiệp. Kể từ đó và theo thời gian, tôi quen với rất nhiều người trong bộ lạc, từ các bậc trưởng thượng, đến những em nghiên cứu sinh "đang lên". Một số thì bây giờ đã về bên kia thế giới, một số trẻ thì đang giữ trọng trách trong các tập san khoa học. Có thể nói rằng quan sát hành trình của các bạn trong bộ lạc này tôi mới thấm cái ý tiếp nối trong khoa học.
Hội nghị ASBMR là một nơi kết nối rất tuyệt vời. Tất cả các dự án "Big Science" mà nhóm tôi tham gia (qua vài công trình trên Nature) là từ hội nghị này, vì chỉ có ASBMR mới có thể liên kết các nhóm nghiên cứu trên thế giới lại với nhau. Năm nay thì nhóm chúng tôi được phân nhiệm vụ điều hành một "working group" về một lĩnh vực mà chúng tôi đã theo đuổi lâu là tình trạng mất xương sau mãn kinh. Dự kiến là sẽ làm sequencing trên vài ngàn người, và hi vọng sẽ có những phát hiện hay ho trong tương lai. Chưa đỗ ông nghè, nên chưa dám đe hàng tổng được, và do đó, tôi không thể tiết lộ hết việc làm.
Đi dự hội nghị cũng là một cách bắt được cái mạch của chuyên ngành. Mấy năm nay, chuyên ngành loãng xương có vẻ quay về với lâm sàng hơi nhiều. Mấy năm trước thì di truyền học lên ngôi, kế đến là vấn đề đánh giá nguy cơ gãy xương trở thành "hot". Còn năm nay, tôi thấy ngành loãng xương có vẻ quan tâm đến mối tương tác với béo phì và tiểu đường. Có hai bài giảng rất hay của hai chuyên gia trong ngành, và tôi thấy cũng rút ra vài bài học từ đây. Có lẽ trong năm tới lab tôi ở VN sẽ tập trung hơn nữa vào nghiên cứu béo phì và loãng xương.
Qua tham dự hội nghị ASBMR hơn 20 năm, tôi cũng thấy rõ ràng là có sự thay đổi ngôi thứ trong chuyên ngành. Ngày xưa, hầu hết những công trình được trình làng ở đây là Mĩ và Âu châu, với một số ít từ Úc châu và Nhật Bản. Nhưng mấy năm gần đây thì "thị phần" đã bị các nước Á châu mới nổi lên chiếm khá lớn. Đặc biệt là Hàn Quốc và Tàu cộng càng ngày càng có nhiều công trình được trình làng. Tuy chất lượng của các công trình Tàu chưa tốt, nhưng số lượng thì nhiều, và tôi nghĩ trong tương lai chất lượng của họ cũng tốt thôi. Còn Hàn Quốc thì thoạt đầu cũng kém về chất lượng, nhưng nay thì họ chẳng kém gì so với Úc, Mĩ hay Âu châu cả. Nhìn sự đi lên của hai nước này tôi không khỏi tiếc cho VN mình. Thực lực khoa học của VN còn kém quá, nên sự hiện diện của VN trong chuyên ngành hẹp này chỉ đếm đầu ngón tay. Tôi hi vọng là qua nỗ lực cá nhân, trong tương lai sẽ khá hơn, nhưng tôi không nghĩ mình có thể so sánh với Hàn Quốc ít nhất là trong vòng 20 năm.
=====
Vài hình ảnh
Hình 1: Đây là một nghiên cứu rất thú vị và được nhiều chú ý trong hội nghị: nước dừa tươi có thể giúp giảm mất xương sau mãn kinh. Nghiên cứu này là của một nhóm nghiên cứu Nhật và Thái Lan. Phụ nữ sau mãn kinh thường mất nhiều xương, nhất là trong thời gian 1-3 năm sau mãn kinh. Trước đây, người ta dùng thay thế hormone (hrt) để ngăn ngừa mất xương, và rất hiệu quả. Nhưng hrt làm tăng nguy cơ ung thư vú, nên không còn là liệu pháp lí tưởng nữa. Mấy người trong nhóm nghiên cứu này quan sát các phụ nữ Thái hay uống nước dừa tươi sau mãn kinh như là một liệu pháp phòng bệnh. Thế là họ làm thí nghiệm để tìm hiểu hiệu quả của nước dừa tươi trong việc giảm mất xương.
Thí nghiệm được làm trên chuột bị làm cho mãn kinh. Họ bèn cho chuột uống nước dừa non, rồi sau đó đo mật độ xương (MDX) bằng máy DXA. Kết quả cho thấy so với nhóm chuột mãn kinh không uống nước dừa, nhóm uống nước dừa non có MĐX cao hơn, nhưng không cao bằng nhóm tiền mãn kinh. Họ kết luận là nước dừa non có thể giảm mất xương nhưng không ngăn được loãng xương.
Tôi nghĩ họ kết luận chưa tốt mấy, và quên rằng đây là nghiên cứu trên chuột. Nhưng ý tưởng nước dừa non là liệu pháp chống mất xương là cực kì hay (tôi sẽ nói sau), và rất thực tế ở nước ta. Một lần nữa, những "bài thuốc" dân gian là nguồn cảm hứng cho y học hiện đại rất đáng để chúng ta khai thác.
Thí nghiệm được làm trên chuột bị làm cho mãn kinh. Họ bèn cho chuột uống nước dừa non, rồi sau đó đo mật độ xương (MDX) bằng máy DXA. Kết quả cho thấy so với nhóm chuột mãn kinh không uống nước dừa, nhóm uống nước dừa non có MĐX cao hơn, nhưng không cao bằng nhóm tiền mãn kinh. Họ kết luận là nước dừa non có thể giảm mất xương nhưng không ngăn được loãng xương.
Tôi nghĩ họ kết luận chưa tốt mấy, và quên rằng đây là nghiên cứu trên chuột. Nhưng ý tưởng nước dừa non là liệu pháp chống mất xương là cực kì hay (tôi sẽ nói sau), và rất thực tế ở nước ta. Một lần nữa, những "bài thuốc" dân gian là nguồn cảm hứng cho y học hiện đại rất đáng để chúng ta khai thác.
Hình 2: Thấy hai nhân vật quan trọng "mò" xem công trình của VN, nên tôi kêu họ làm một photo-op. Người bên trái là Gs Ian Reid, cựu chủ tịch hội IBMS (International Bone and Mineral Society), còn người bên phải là Gs John Eisman, đương kim chủ tịch. Tôi hỏi ông bạn Ian Reid nghĩ gì về bài này, ổng nói đây là một cách suy nghĩ rất có ích về mối quan hệ phức tạp giữa leptin, mỡ, và xương. Chắc là một cách nói lịch sự. Cần nói thêm rằng ông này là người duyệt đơn professorship của tôi xưa kia. Bây giờ nhóm ông ấy chuyên "nói xấu" calcium và vitamin D.
Hình 3: Năm nay nhóm tôi có 8 bài trong hội nghị, nhưng không có bài oral nào -- buồn 5 phút. Chỉ có bài này gỡ gạc được chút vì được xếp vào nhóm "plenary poster". Thôi thì có còn hơn không. Bài này bàn về một vấn đề rất liên quan đến lâm sàng. Khi đo mật độ xương (MĐX) ở 2 vị trí, xương đùi và xương cột sống, vấn đề là làm gì với MĐX ở xương cột sống, vì trong thực hành lâm sàng chúng ta chỉ dùng MĐX ở xương đùi thôi. Chúng tôi chỉ ra rằng khi giá trị MĐX ở hai vị trí rất khác nhau, thì MĐX ở xương cột sống rất có ích. Chắc hội đồng duyệt bài thích cái thông điệp đó nên cho cái cơ hội plenary poster để khai mạc hội nghị. Còn tác giả nó thì có dịp chụp hình.
Hình 4: Đây là bài của Bs Selecki báo cáo về quá trình triển khai mô hình tiên lượng loãng xương của chúng tôi trong thực hành lâm sàng. Phải làm việc này mới thấu hiểu những khó khăn trong quá trình từ lúc nghiên cứu đến thực tế lâm sàng như thế nào. Hiện nay, mô hình đánh giá nguy cơ gãy xương của chúng tôi đã được triển khai trên mạng cho tất cả ai có nhu cầu sử dụng. Mới đây, qua hỗ trợ của NHMRC chúng tôi đã triển khai thành app cho iPad. Tôi không hiểu sao từ iPad sang iPhone lại đòi hỏi một bước khác, nhưng họ báo cáo với tôi như thế.
Hình 5: Đây là một công trình tâm đắc của tôi và một nghiên cứu sinh (Dr Frost). Bệnh nhân bị gãy xương có nguy cơ bị gãy một lần nữa hoặc/và tử vong. Thật vậy, tử vong là một hệ quả quan trọng nhất của loãng xương. Vấn đề đặt ra là tìm yếu tố lâm sàng để xây dựng một mô hình tiên lượng tử vong sau gãy xương. Bài này chỉ ra cách làm đó, và với những kết quả "độc". Ấy thế mà họ cho chúng tôi trình bày bằng poster mà không bằng oral presentation!
0 nhận xét:
Post a Comment