Home » » Kì thị trong khoa học

Kì thị trong khoa học


Trong khoa học cũng có kì thị. Có lẽ các bạn ngạc nhiên về nhận định đó, nhưng kinh nghiệm thực tế của tôi cho thấy sự kì thị hiện hữu dù hơi tinh vi. Kể từ những ngày tôi giúp các đồng nghiệp bên Việt Nam trong nghiên cứu và công bố quốc tế, tôi mới trải nghiệm được sự kì thị. Mình phải biết để đối phó, và nếu cần thì phản đối.


Phải là người từ các nước kém phát triển mới trải nghiệm được sự kì thị. Trước đây, tôi không hề biết vì mình là người xuất phát từ một nước tương đối giàu và có tên tuổi trong trường khoa học, nên những công trình mình nộp cho tập san đa số và nói chung đều êm xuôi. Nhưng khi tôi bắt đầu giúp các bạn trong nước thì thấy rõ ràng là có sự khắt khe, bắt bẽ, bắt nạt, v.v. trong bình duyệt bài báo. Tôi có thể tóm tắt là sự kì thị được thể hiện qua 3 hình thức chính: thiếu tin tưởng, chính trị tính, và tiếng Anh.

Một trong những bài chúng tôi bị "hành" là bài về dịch hạch đăng trên International Journal of Epidemiology (tập san số 1 về dịch tễ học trên thế giới). Lần đó, có 3 báo cáo bình duyệt dài gần 10 trang. Còn phần trả lời là 16 trang (tôi còn nhớ) làm tôi mất cả 2 kg và thêm vài cọng tóc bạc. Có những câu hỏi rất ... khó ưa. Chẳng hạn như họ đòi hỏi xem hình bắt chuột ra sao, xem hình cái bẫy, và bắt bẽ những cách lí giải. Cái kiểu đòi xem hình là một hình thức gián tiếp không tin lắm vào tác giả. Cũng may là các bạn trong nước làm cẩn thận, có hình ảnh trình bày đàng hoàng, nên họ ok ngay. Tôi nghĩ nếu công trình đó làm ở ngoài thì chắc chẳng ai đòi hỏi xem hình. Nhưng vì biết tập san là số 1, nên phải làm Hàn Tín để nín thở qua sông, và quả thật chưa làm Hàn Tín nhưng cũng qua sông.

Một bài khác cũng bị kì thị dưới hình thức thiếu tin tưởng. Đó là bài về ăn chay và xương của một đồng nghiệp khi nộp cho Osteoporosis International. Bài báo được bình duyệt khá tốt, nhưng hơi căng thẳng. Trong số những câu hỏi, có một câu kiểu bâng quơ rằng tại sao tác giả có thể tuyển đúng 220 người y như trong kế hoạch. Nói cách khác, người duyệt bài cảm thấy khó tin vì tác giả làm đúng y chang như cái "plan", và chỉ có 5 người từ chối nghiên cứu, tức là một qui trình quá tốt mà họ nghĩ là khó xảy ra. Quả thật trong các nước như Úc thì khó tìm người tham gia nghiên cứu, nhưng ở VN thì dễ hơn. Cũng phải trả lời và giải thích, thậm chí cho xem hồ sơ gốc, thì họ mới chịu. Bao nhiêu năm ở Úc, tôi chưa thấy một ai chất vấn nhóm của tôi như thế cả.

Có một bài về thoái hoá khớp, khi thấy tần số hơi cao, họ đòi xem phim X quang của vài ca tiêu biểu. Cũng phải gửi cho họ xem và giải thích thì họ mới tin. Một lần khác, họ đòi chụp hình cái máy DXA và cái phantom cho họ xem. Có vẻ như họ không tin rằng chúng ta biết đọc X quang chính xác, hay không biết làm bone densitometry vậy!

Có khi là một sự kì thị mang tính chính trị. Có một công trình phân tích tổng hợp về chất da cam và dị tật bẩm sinh, tôi nộp cho JAMA (tập san số 1 về y khoa). Sau vài tuần bình duyệt họ trả lại, nhưng có kèm theo những bình luận của các chuyên gia. Trong đó, có một chuyên gia viết rằng đây là một bài báo chống Mĩ! Trời ơi, tôi đọc cái review đó mà máu nóng lên từng phút. Giận quá, viết email phàn nàn chính thức với tổng biên tập. Sếp tôi nhìn thấy bình luận, ổng nói "Gọi điện nói chuyện với họ, sao có kẻ vô giáo dục như thế". Ông còn nói nếu tôi không gọi, ổng gọi cho, dù ổng chẳng có tên trong bài báo. Kết cục cũng chẳng đi đến đâu, vì JAMA nhất định không thay đổi quyết định. Sau cùng tôi nộp cho International Journal of Epidemiology, và được tổng biên tập người Anh rất ưu ái viết thư riêng ... khen.

Có khi sự kì thị xuất phát từ ... ganh tị. Chẳng hạn như bài báo trên PLoS ONE gần đây, có một chuyên gia bình duyệt chất vấn rằng tôi có đến 4 cái affiliation (Garvan, UNSW, UTS, và TDTU) và đó là điều bất bình thường. Tôi chỉ ra rằng điều đó rất bình thường, vì trong thực tế có người có hơn 4 affiliation do họ có nhiều bổ nhiệm. Sau câu trả lời, tôi còn "bồi" thêm một nhận xét là câu hỏi này có thể xem như là một cái "slur" (gièm pha) và đòi hỏi phải xin lỗi. Lần sau thì quả thật người bình duyệt xin lỗi. Làm việc với Tây thì sòng phẳng như thế, chứ với Ta thì chắc chẳng bao giờ xin lỗi.

Đôi khi, tôi nghĩ cái tên và địa chỉ cũng là một thiệt thòi. Trong cái nhìn của nhiều chuyên gia bình duyệt, người mình không giỏi tiếng Anh, và họ hay "bắt nạt" về tiếng Anh. Chẳng hạn như một bài mới nhất của nhóm nghiên cứu bên VN, bài được bình duyệt nói chung là tốt, nhưng vẫn có một người viết như sau: "The written English is spotless, but the manuscript would still benefit from review by a first language English speaker." (Tiếng Anh của bài báo không có sai sót nào cả, nhưng nếu có một người bản xứ nói tiếng Anh xem xét thì vẫn có lợi hơn). Nói cách khác, người này không tìm thấy sai sót tiếng Anh (dùng chữ spotless), nhưng vẫn không tin là người Việt có thể viết như thế. Bài báo mới được chấp nhận tuần này.

Công bằng mà nói, giới khoa học phương Tây có nhiều lí do để nghi ngờ giới khoa học Á châu ở các nước đang phát triển (tức ngoại trừ Nhật). Trong thời gian gần đây, với sự nổi lên của Tàu và kèm theo những gian dối và bê bối (đạo văn, giả tạo dữ liệu, tác giả ma, nghiên cứu ma, v.v.) đã làm cho giới khoa học phương Tây cảm thấy ngần ngại và thiếu tin tưởng. Ngay cả tôi khi xử lí một bài từ Tàu mà cũng cảm thấy hồi hộp, vì không biết họ làm thật hay chỉ là phịa. Tàu mà còn như thế, thì trong con mắt của người Tây, Việt Nam chắc cũng thế (vì dù sao thì VN chỉ là một phiên bản tí hon của Tàu thôi). Đây cũng là một lí do khác chúng ta phải THOÁT TÀU -- bằng mọi giá.

Kế đến là những nước đang phát triển chưa có cái prestige trong khoa học, và đó là một bất lợi. Nói đến Nhật hay Hàn Quốc gần đây, người ta cảm thấy tin tưởng, vì họ đã tạo được uy danh trên trường khoa học quốc tế. Họ xuất hiện thường xuyên trên các tập san quốc tế, và do đó đã tạo được niềm tin. Còn Việt Nam chúng ta thì số công bố cả nước chỉ tương đương một đại học hàng đầu của Mã Lai, và chất lượng còn thấp, nên chưa tạo được niềm tin ở giới khoa học. Rất nhiều tập san mà giới khoa học VN công bố là không "chính thống" (hiểu theo nghĩa không thuộc hội đoàn chuyên môn), mà là trên mấy tập san ngoài lề ở Ấn Độ, Tàu, Ai Cập, hay những tập san do vài cá nhân đứng ra làm. Điều này dẫn đến thiệt thòi cho cả nước, và thế là ảnh hưởng đến những người muốn công bố trên các tập san chính thống.

Nên nhớ rằng các chuyên gia bình duyệt biết chúng ta là ai, nhưng chúng ta không biết họ là ai, nên chúng ta ở thế bất lợi. Họ chỉ đánh giá chúng ta qua chữ viết và nội dung bài báo, chứ đâu biết cá nhân chúng ta là ai. Ngày nay thì đỡ hơn chút, vì qua ResearchGate hay ORCID, họ có thể biết chúng ta là ai. Điều này dẫn đến một lời khuyên là các bạn nên lập tài khoản trên ResearchGate vì trang này được các biên tập viên của tập san khoa học sử dụng rất nhiều. Khi nhận bản thảo, người ta chỉ cần lên ResearchGate gõ tên tác giả là biết ai ngay, và qua đó mà có nhận xét thích hợp. Nếu họ thấy trong nhóm tác giả có người đã có nhiều bài thì họ sẽ tin hơn, còn nếu chỉ vài bài thì họ sẽ khắt khe hơn trong bình duyệt. (Tôi hay ví von là các bạn nghiên cứu sinh hay giảng viên mới công bố giống như ca sĩ mới ra lò, cần phải hát chung với cỡ Mỹ Linh, Mr Đàm hay ai đó một vài album, rồi sau đó mới độc lập được).

Một bài học khác là cần phải chuẩn bị bản thảo cho thật tốt, không để những sai sót vớ vẩn, những sai sót tiểu tiết làm ảnh hưởng đến bài báo. Nên nhớ rằng các chuyên gia bình duyệt nếu chỉ phát hiện một lỗi nhỏ (ví dụ như dùng font chữ sai, đánh vần sai, cộng trừ sai, v.v.) thì họ sẽ hỏi trong đầu "chi tiết nhỏ mà còn sai, thì làm sao tin được cái lớn hơn". Nhiều khi cách trình bày thiếu chỉnh chu cũng làm cho người duyệt bài đánh giá thấp, vì họ nghĩ rằng tác giả thiếu tôn trọng đồng nghiệp. Điều này quan trọng đối với người Việt, bởi vì đa số người Việt quan niệm rằng bắt bẽ mấy tiểu tiết là "vạch lá tìm sâu" (hàm ý xấu), nên chẳng quan tâm; còn người Tây thì rất quan tâm đến tiểu tiết trong khoa học, vì tiểu tiết là một tín hiệu của sự cẩn thận. Thành ra, xem thường cái "vạch lá tìm sâu" là một cách chuốc lấy thất bại rất tuyệt vời.

Tôi nghĩ sự kì thị (không biết dùng chữ đó có đúng không nữa -- có lẽ là prejudice thì đúng hơn) sẽ tồn tại, nhất là với các tác giả mới. Do đó, biết những điều trên đây tôi nghĩ sẽ giúp cho các bạn chuẩn bị tinh thần để đối phó thích hợp khi hữu sự.

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : toan_dang78@yahoo.com
Copyright © 2013. Luyện Nghe Tiếng Anh - All Rights Reserved