Home » » Lãnh đạo trong khoa học: cái nhìn của Đông và Tây, và bài học cho chúng ta

Lãnh đạo trong khoa học: cái nhìn của Đông và Tây, và bài học cho chúng ta

Trong cái note trước tôi có đề cập đến một vài con số về sự thiệt thòi của giới khoa bảng Á châu mà có lẽ nhiều bạn không để ý. Tôi chợt có cảm hứng chia sẻ vài cảm nhận của tôi về đặc tính lãnh đạo theo quan điểm Đông và Tây, và tôi nghĩ nó có thể giải thích tại sao chúng ta -- người Á Đông -- bị thiệt thòi trong khoa bảng ở phương Tây.


Thiệt thòi như thế nào?

Người Á châu ở Mĩ được xem là một "model minority" -- thiểu số kiểu mẫu. Họ là những người học giỏi, chịu khó làm việc, có thu nhập cao, và ý thức gia đình & cộng đồng cao. Gần 80% những nghiên cứu sinh tiến sĩ nước ngoài ở Mĩ là người châu Á. Họ còn nổi tiếng là học giỏi và nghiên cứu giỏi. Thế nhưng họ lại rất khiêm tốn trong nấc thang khoa bảng. Trong các đại học Mĩ, chỉ có 42% nhà khoa học Á châu (nam giới) được bổ nhiệm tenured (biên chế), so với 58% ở người da trắng và 50% ở người da đen. Còn nữ giáo sư? Chỉ có 28% nữ giáo sư gốc Á châu là vào biên chế trong đại học, và tỉ lệ này thấp nhất so với bất cứ sắc tộc nào ở Mĩ!

Tôi không có con số ở Úc, nhưng tôi tin rằng tình trạng giới khoa học gốc Á châu còn thiệt thòi hơn nữa, vì dù sao thì Úc vẫn còn khá kì thị người Á châu. Nhìn chung quanh thì thấy rất nhiều nhà khoa học cấp tiến sĩ gốc Á trong các viện nghiên cứu và đại học, nhưng số được đề bạt giáo sư thì rất ít. Trong số gần 200 fellows của NHMRC, thì chưa đầy 10 người gốc Á châu!

Quay lại tình hình ở Mĩ, trong kĩ nghệ và doanh nghiệp, người Á châu có sự hiện diện rất khiêm tốn. Theo bài "Leadership hurdles" trên Nature 3/1/2013 thì chỉ có 4% phụ nữ Á châu trong doanh nghiệp và tập đoàn được bổ nhiệm các chức vụ quản lí. Trong các cơ quan công quyền ở Mĩ, chỉ có 28% phụ nữ Á châu làm quản lí, cũng là tỉ lệ thấp nhất so với các sắc dân khác. Càng lên cao càng hiếm dân Á châu. Chẳng hạn như trong danh sách 500 tập đoàn Mĩ, chỉ có đúng 10 người gốc Á châu làm chức CEO hay chairs, và trong số này chỉ có 3 người là nữ!

Những con số trên cho thấy một nghịch lí. Ở bậc trung học và đại học, dân Á châu học giỏi, có lẽ là giỏi nhất nhì. Khi tốt nghiệp, các chuyên gia Á châu cũng nổi tiếng là tài giỏi. Trong khoa học, có thể nói những cái tên gốc Á châu xuất hiện đa số. Trong các hiệp hội khoa học, các nghiên cứu sinh và nhà khoa học gốc Á châu chiếm nhiều giải thưởng danh giá. Ấy thế mà khi lên chức danh giáo sư thì bắt đầu hiếm. Lên đến chức chủ tịch hay hiệu trưởng thì lại càng hiếm, và chỉ đếm đầu ngón tay. Nói cách khác, dân gốc Á châu học giỏi, làm nghiên cứu giỏi và nổi trội, nhưng lãnh đạo thì ... lu mờ. Rất lu mờ. Tại sao?

Quan điểm về lãnh đạo

Tôi phải nhấn mạnh ngay rằng năng lực lãnh đạo (gọi là leadership) là một đặc tính rất được quan tâm ở các nước phương Tây. Ngay từ bậc tiểu học, học trò đã được tập cách lãnh đạo bằng cách đóng vai thành viên nghị viện của phe tại quyền và phe đối lập. Đến bậc đại học, năng lực lãnh đạo cũng được rèn luyện trong lớp học và ngoài lớp học qua các hoạt động đoàn thể. Đến giai đoạn hậu tiến sĩ và đề bạt các chức vụ học thuật (như giảng viên, giáo sư) thì lãnh đạo được xem là một tiêu chuẩn quan trọng đứng hàng thứ hai hoặc thứ ba (tuỳ vào ngạch đề bạt và bổ nhiệm). Ví dụ như trong hồ sơ đề bạt chức giáo sư đại học, ứng viên phải dành ít nhất nửa trang để mô tả và minh chứng khả năng lãnh đạo lab/nhóm nghiên cứu, lãnh đạo chuyên ngành hẹp, lãnh đạo trong các hiệp hội chuyên môn, v.v. Nói tóm lại, không như bên nhà, ở các nước phương Tây khả năng lãnh đạo là một tiêu chí quan trọng cho một cá nhân, dù là trong khoa học hay chính trị.

Những lãnh đạo là gì? Chắc chắn nó không giống như cách hiểu của những người trong đảng, nhất là đảng bên Việt Nam. Lãnh đạo là một "trait" (tập hợp những cá tính và biểu hiện) có thể đo lường được. Công cụ để định lượng khả năng lãnh đạo là bộ câu hỏi đa yếu tố có tên là MLQ. Theo bộ câu hỏi này, những đặc tính sau đây được xem là định hình một người lãnh đạo:

• khả năng truyền cảm hứng; 
• khả năng gây ảnh hưởng; 
• hành vi gây ảnh hưởng;
• khả năng quản lí qua việc làm thực tế; 
• khuyến khích tri thức;
• làm việc hơn người và có năng suất hơn người;
• hiệu quả cao trong công việc;
• ứng xử với đồng nghiệp một cách công minh.

Đó là những đặc điểm lãnh đạo theo quan điểm của phương Tây, nhưng tôi nghĩ ở phương Đông chắc cũng chẳng khác mấy. Tuy nhiên, kinh nghiệm của tôi cho thấy đức tính lãnh đạo có khi là một đặc điểm mang tính văn hoá. Ở các nước châu Á, kể cả Việt Nam (dĩ nhiên), khả năng lãnh đạo được đo lường qua việc làm thực tế, hơn là qua lời nói. Đối với người Á châu chúng ta, một người có nói hay cỡ nào hay say sưa cỡ nào, mà không chứng minh qua hành động thì chẳng ai thấy thuyết phục và công nhận là lãnh đạo.

Còn người phương Tây, tôi thấy họ khác chúng ta. Trong thế giới phương Tây, kinh nghiệm thực tế của cá nhân tôi cho thấy, họ rất quan trọng kĩ năng thông tin (communication skills), hay nói nôm na là "nói hay". Đối với họ, một ứng viên nói hay, nói giỏi có thể thuyết phục hơn cả việc làm. Tôi đã chứng kiến điều này ngay trong viện của tôi. Ở viện tôi, có nhiều nhà khoa học gốc Tàu rất tài, kĩ năng chuyên môn tuyệt vời (tôi còn phải công nhận), nhưng nói không được và do đó thường im lặng trong các buổi họp. Thế là họ chịu thiệt thòi trong đề bạt các chức vụ lãnh đạo. Lí do đơn giản là người phương Tây nhìn họ (nhà khoa học Á châu) như là những nhà kĩ thuật, không có cái mà họ gọi là "passion".

Còn người phương Tây, khi họ đã tranh luận cái gì, họ tỏ ra hết sức passionate về cái đó, và tỏ ra tin vào những gì họ phát biểu. Do đó, giữa hai người -- một người nói giỏi mà chưa biết làm giỏi hay không, và một người ít nói mà có thể rất giỏi -- thì theo văn hoá phương Tây họ sẽ chọn người nói giỏi!

Khả năng nói đã quan trọng, nhưng khả năng viết càng quan trọng hơn. Trong khoa học, viết giỏi có thể ví như là nắm chìa khoá mở tủ sắt tiền. Nhưng giới khoa học gốc Á châu thì lại rất kém cái mảng này. Lại lấy thống kê của Mĩ để minh hoạ. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng trong số các đề cương nộp cho National Science Foundation (NSF) trong thời gian 2004-2011, thì số đề cương mà người gốc Á làm PI (nhà khoa học chính), tỉ lệ thành công là thấp nhất so với người da trắng, da đen và Mĩ Latin. Có giả thuyết đặt ra là vì người gốc Á châu thường tỏ ra khiêm tốn, nên ngay cả trong ngôn ngữ và cách viết, họ cũng không dùng những từ "đao to búa lớn" như đồng nghiệp da trắng hay da đen, và người duyệt cảm thấy các PI gốc Á châu ... thiếu tự tin!

Điều này có ý nghĩa đến các bạn đang là nghiên cứu sinh. Có lẽ các bạn chưa chú ý đến khía cạnh này, vì còn đang bù đầu bù cổ lo chuyện học hành, nghiên cứu, thì giờ đâu mà quan tâm đến việc rèn luyện năng khiếu lãnh đạo. Nhưng các bạn cần phải rèn luyện. Ngoài năng khiếu lãnh đạo, nghiên cứu sinh còn phải rèn luyện kĩ năng viết và nói như tôi mô tả trên. Có lẽ các bạn còn nhớ rằng tôi khuyên các bạn phải cố gắng trở thành một "rounded person" (người tròn trịa), có nghĩa là ngoài chuyên môn ra, còn phải là một người có văn hoá, lịch thiệp, kính trên nhường dưới, và tỏ ra có khả năng lãnh đạo. Có như thế thì may ra các bạn mới cạnh tranh với các đồng môn phương Tây.

Xin chia sẻ với các bạn một kinh nghiệm mà sếp cũ tôi hay kể. Ông nói rằng khi cái viện mới thành lập và ông mới được bổ nhiệm làm sếp, mỗi ngày ông tiếp xúc rất nhiều giáo sư và đối tác. Ai cũng đến ông với một danh sách "wish list", muốn cái này, muốn cái kia. Nhưng mẫu số chung là chẳng ai trình bày giải pháp và cách làm. Các vị cầm cái danh sách wish list đó chưa chứng tỏ kĩ năng lãnh đạo. Lãnh đạo là phải có tầm nhìn xa đã đành, mà phải có chương trình hành động và thuyết phục người khác làm theo, chứ không phải đơn giản có cái danh sách wish list. Nhớ nhé, các bạn sau này nếu có làm việc với tôi thì xin đừng đưa mấy cái "tôi cần cái này, tôi muốn cái kia", mà phải có thêm chương trình hành động và làm sao thực hiện cái "muốn" đó ./.

TB: Báo cáo về tỉ lệ thành công trong việc xin tài trợ của NSF tại đây (xem bảng số 3):



0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : toan_dang78@yahoo.com
Copyright © 2013. Luyện Nghe Tiếng Anh - All Rights Reserved