Thoạt đầu, đọc tựa đề bài báo "Phải cách li người nghèo ra khỏi người giàu" (1) tôi không tin, vì nghĩ chắc phóng viên trích dẫn sai hay ra khỏi văn cảnh, thế nhưng đọc bài thì quả thật đó là ý kiến của một đại gia bất động sản! Thật ra, ông này từng có những phát biểu tôi rất tâm đắc, nhưng lần này thì ông nói khó nghe quá, có thể cách chọn chữ chưa tốt chăng? Hi vọng rằng VN mình không có những "hậu duệ" của những tên kì thị Apartheid khét tiếng ở Nam Phi thời xưa.
Đọc lại lịch sử chúng ta sẽ biết vào năm 1948, sau khi Đảng Quốc gia của Nam Phi (toàn những người da trắng) lên cầm quyền, họ lập tức triển khai chính sách cách li dựa vào chủng tộc, màu da, gọi là chính sách Apartheid. Theo chính sách này, người da trắng (thiểu số) và người da đen (chiếm đa số) phải sinh sống cách biệt nhau, không được sống chung một địa điểm. Ngay cả các phương tiện công cộng như bãi biển tắm, xe bus, toilet, v.v. cũng được phân chia theo chủng tộc: người da trắng dùng phương tiện khác với người da đen. Tiếp xúc giữa hai sắc dân cũng phải hạn chế. Dù bị phản đối kịch liệt và bị thế giới lên án, chính sách này chỉ bị xoá bỏ vào năm 1991 dưới thời của tổng thống FW de Klerk.
Vậy mà ngày nay, thế kỉ 21, lại có người ở Việt Nam nghĩ ra ý tưởng cách li giữa người giàu và người nghèo! Ông đại gia nhà đất này khi đề ra ý tưởng cách li giàu nghèo có lẽ không có ý tưởng kì thị Apartheid trong đầu, nhưng ý tưởng thì y chang như Apartheid. Thay vì cách li dựa vào màu da, ông này đề nghị cách li dựa vào túi tiền. Có thể nói không ngoa rằng cái ý tưởng này là ý tưởng phân biệt giàu nghèo kiểu Apartheid (vì dựa trên kim tiền).
Nhưng ông đại gia này có lẽ chưa nghĩ đến hậu quả của chính sách Apartheid. Chính sách Apartheid (tiếng Phi có nghĩa là "cách li") là một trong những chính sách bị thù ghét nhất trên thế giới. Nó chẳng những thể hiện sự kì thị chủng tộc ở mức độ dã man nhất, mà còn làm mất phẩm giá của con người chỉ vì màu da. Chính chính sách kì thị này làm cho người dân Nam Phi nổi dậy kháng chiến (trong đó có Nelson Mandela), và sau cùng là làm sụp đổ chế độ kì thị đó.
Cái ý tưởng phân biệt giàu nghèo kiểu Apartheid của ông đại gia bất động sản này cũng có thể dẫn đến chia rẽ xã hội. Cũng không loại bỏ khả năng người nghèo sẽ đoàn kết và nổi dậy làm cách mạng một lần nữa. Nên nhớ rằng những người theo cách mạng ngày xưa (tiền bối của ông đại gia này) đấu tranh vì một xã hội dân chủ và bình đẳng; nhưng trớ trêu thay ngày nay hậu duệ của họ lại có ý tưởng trái ngược 180 độ lí tưởng của những người đi trước. Ông tổ cộng sản là Karl Marx từng nói rằng người giàu sẽ làm bất cứ điều gì để tránh xa người nghèo. Câu này của Marx quả thật là một tiên tri cho Việt Nam ngày nay!
Ô hô, lịch sử đang tái lập: Một giai cấp giàu sụ người Việt mới đang thay thế giai cấp thực dân Pháp. Chỉ có cái khác là (tạm gác qua cái xấu), giai cấp thực dân Pháp có học thật và để lại cho Việt Nam những di sản tinh thần và vật chất, còn giai cấp giàu sụ người Việt thì thiếu học và đang tàn phá đất nước và phá hoại những di sản vật chất của giai cấp thực dân để lại.
Ở Úc (và ở Mĩ) có thời có những làng mà tiếng Anh gọi là "gated communities", tức là khu vực có cổng và người gác. Trong đó là những người giàu có hay thuộc giai cấp trung lưu. Ý tưởng là cách li với người nghèo, họ không muốn sống chung với người nghèo. Sự hình thành các gated communities này bị xã hội và giới trí thức lên án rất nhiều. Đến nay thì người ta không còn xây dựng những cái làng như thế nữa, vì chẳng những phản cảm, mà còn phản ảnh một sự phân hoá trong xã hội, làm cho xã hội thêm căng thẳng. Ấy thế mà ở VN có người muốn khơi dậy cái mà ở Úc đã bỏ cả chục năm.
Cáng kinh ngạc hơn khi ông đại gia này có thể nói rằng "Người nghèo [...] nếu không vươn lên được thì phải chấp nhận như vậy chứ không thể nào đòi hỏi bình đẳng, thụ hưởng như người giàu được" (1). Ô hay, thế ông này không từng đọc câu nói nổi tiếng của cựu Tổng thống J. F. Kennedy rằng nếu một xã hội không thể giúp gì cho đa số người nghèo thì xã hội đó cũng chẳng giúp gì cho thiểu số những người giàu có như ông cả. Những khoảng cách về giàu nghèo trong xã hội là một thực tế, và nó tồn tại khắp nơi, chứ chẳng riêng gì VN ta. Thay vì chấp nhận sự bất bình đẳng như thực tế, người ta cố gắng giảm thiểu sự bất bình đẳng, chứ chẳng ai muốn gia tăng cái khoảng cách đó cả.
====
(1) http://vnmedia.vn/dan-sinh/201511/dai-gia-bds-nguyen-van-duc-phai-cach-ly-nguoi-ngheo-ra-khoi-nguoi-giau-509340/
0 nhận xét:
Post a Comment