Mấy ngày qua tôi đi phó hội ở Tasmania. Năm nay là hội nghị khoa học thường niên lần thứ 25 của Hội nghiên cứu về xương của Úc và Tân Tây Lan (ANZBMS). Như là một thói quen, lần đi nào tôi cũng cố gắng ghi lại vài quan sát cá nhân, trước là làm nhật kí, sau là chia sẻ cùng bạn đọc xa gần. Tôi gọi cái note này là "tình cầm và tình đồng nghiệp" để nói đến hai câu chuyện dưới đây ...
2/11/2015: Tình Cầm
Sáng nay, tôi làm chủ toạ một phiên họp về "frontiers of musculoskeletal research", và chứng kiến tình nghĩa vợ chồng trong khoa học rất hay. Thế là tôi có cảm hứng chia sẻ vài suy nghĩ và quan sát cá nhân. Vợ là một giáo sư dược, chồng là giáo sư y, cả hai đều từ Montreal, Canada. Cả hai chắc cỡ 60 hoặc cao hơn. Bà vợ là khách mời của hội nghị, và ông chồng chắc đi theo làm "hộ vệ" cho vợ. Tôi chair cái session bà ấy nói về cơ chế bệnh thoái hoá khớp và những nghiên cứu về biomarkers của bả, nên phải tìm những chữ "đẹp" để giới thiệu khách quí. Bà là một nhà khoa học loại elite, có hơn 430 bài trên các tập san ISI. Bà và chồng đều theo đuổi một hướng nghiên cứu. Hai người, dù ở độ tuổi mùa thu như thế, nhưng rất thân mật và tình tứ với nhau.
Khi bà vợ trình bày xong bài nói chuyện, đến phần câu hỏi, tôi thấy họ đoàn kết như thế nào. Bà nói tiếng Anh không tốt mấy, có khi phát âm sai (vì bà là người nói tiếng Pháp). Có một câu hỏi khó từ một giáo sư Úc, bà trả lời không thông, và thế là ông chồng ra dấu cho tôi xin cái microphone để ổng trả lời. Tôi chấp nhận cho ổng nói. Ổng vào đề là biện minh cho vợ liền, và tranh luận với người đặt câu hỏi. Thấy tình hình hơi căng, người đồng chủ toạ cắt ổng và nói đùa "tụi bay nên nói chuyện trong pub bia đi". (Xin nói thêm rằng ở Tasmania có một cái pub bia mang tính lịch sử và cực kì nổi tiếng). Ổng có vẻ không hài lòng với quyết định đó, nhưng cũng phải chấp nhận ngưng tranh luận.
Có một cử chỉ của ông chồng làm tôi thấy cảm động. Lúc bà vợ nói xong, ổng đi ra ngoài tìm một li nước đem đến tận chỗ cho bả uống! Tôi thấy hơi nhột, vì là chủ toạ đáng lẽ tôi phải làm cái việc đó. Thế nhưng làm sao tôi biết bả khát nước, nên tự an ủi để mình khỏi áy náy. Lần sau tôi sẽ yêu cầu ban tổ chức có sẵn nước cho diễn giả. Đến khi bả xuống ghế ngồi, ông chồng còn ôm vai vợ và cho một cái hôn nhẹ! Trông cái cảnh đó thật là tình tứ.
Đi dự biết bao hội nghị, đây là lần đầu tiên tôi thấy vợ chồng thành một "team" trong hội nghị. Ông chồng rõ ràng là rất cưng vợ, và làm tất cả để hỗ trợ vợ, từ tranh luận khoa học đến nghĩa cử nhỏ như li nước. Tôi nghĩ Tây làm được cái đó, chứ Ta thì hiếm người dám làm như thế nơi công cộng. Tôi nghĩ người mình cũng tình cảm như người Tây (hay bất cứ sắc dân nào), nhưng cách thể hiện thì rất khác nhau. Về thể hiện tình cảm, có thể nói phe ta là nội tâm (introvert), còn Tây là ngoại tâm (extrovert). Chúng ta ít ai hôn hít nhau ngoài đường, nhưng Tây thì chuyện đó rất bình thường. Chúng ta (đàn ông, con trai) ít ai khóc, còn Tây thì họ khóc thoải mái. Tôi nghĩ chúng ta được lớn lên trong cái môi trường văn hoá đó, nên khó mà bắt đàn ông VN làm như đàn ông Tây. Nhưng chính cách thể hiện này làm cho nhiều người nghĩ oan rằng đàn ông Á châu không biết ga-lăng và thiếu tình cảm.
Nhìn cảnh hai vợ chồng "già", tôi chợt nhớ đến ca khúc "Tình Cầm" mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Hoàng Cầm:
Nếu anh còn trẻ như năm cũ,
Quyết đón em về sống với anh,
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại,
Anh đàn em hát níu xuân xanh.
Quyết đón em về sống với anh,
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại,
Anh đàn em hát níu xuân xanh.
Đem chuông đi đánh xứ người
Hôm nay cũng là ngày vui của nhóm nghiên cứu của tôi. Số là một em nghiên cứu sinh từ Việt Nam (Hồ Lê Phương Thảo, xem hình) được trao giải thưởng "Amgen Outstanding Research Award." Đó là công trình về "genetic signature" trong tiên lượng gãy xương.
Một em nghiên cứu sinh được trao giải Amgen Outstanding Research Award.
Lần đầu tiên Phương Thảo trình bày trong một hội nghị quốc gia của Tây, nhưng em ấy làm rất tốt, chắc chắn tốt hơn tôi mấy chục năm trước. Nói rõ ràng, slide tốt và chuyên nghiệp, trả lời câu hỏi lưu loát, dù có vài chỗ ... lúng túng. Lần đầu "xuất quân" vậy là quá tốt và là một điều đáng mừng.
Một điều làm tôi ngạc nhiên là em ấy chọn cái áo dài truyền thống để lên podium và trình bày báo cáo. Ở cái nơi xa xôi và lạnh lẽo này mà thấy tà áo dài trong một hội nghị khoa học khô khan thì cũng có hiệu quả làm cho khán giả cảm thấy sang trọng nhưng ấm áp.
3/11/2015: Tình đồng nghiệp
Hôm nay cũng là một ngày hay trong hội nghị, và cũng có một câu chuyện hay về tình đồng nghiệp. Câu chuyện xoay quanh cái văn hoá đối xử với đồng nghiệp mà tôi có viết trong cái note trước "Học nói, học viết".
Chữ "sai"
Số là một vị trưởng thượng kia chất vấn tại sao dùng thuốc A ở bệnh nhân OI vì ông cho là chưa có bằng chứng gì cả. Đây là một ông rất nổi tiếng trên thế giới, nhưng cũng là người rất trực tính. Trực tính đến nỗi nếu ông không thích công trình của ai, ông ấy sẽ nói thẳng là … dở. Sau khi ông chất vấn vấn đề điều trị, thì một đồng nghiệp trẻ hơn (nhưng không phải loại postdoc, mà đã thành danh rồi) nói rằng "You are wrong" (Ông sai rồi). Vị trưởng thượng kia giật mình, quay lại với thái độ khó chịu, ông giải thích tại sao ông hỏi câu hỏi đó, vì không có chứng cứ RCT nào cả. Anh chàng kia vẫn một mực lặp lại câu phát biểu một cách khẳng định "You are wrong". Nhưng tôi biết hai người quen nhau khá thân, nên tôi nghĩ chỉ là lời nói cho vui thôi.
Ai ngờ khi phiên họp chấm dứt và mọi người rời phòng, thì lập tức có vài người đến anh chàng trẻ kia nói rằng "Anh không nên nói với đồng nghiệp như thế, thái độ của anh là thất lễ", còn người kia thì nói "Anh không được nói đồng nghiệp mình là sai; anh chỉ có quyền nói 'tôi không đồng ý với ông'." Anh chàng kia chống chế rằng anh ta chỉ nói cho vui thêm, chứ không bao giờ có ý nói "sai" (và tôi đồng ý với anh ấy). Thế nhưng mọi người đều không chấp nhận giải thích của anh trẻ kia. Nói là "trẻ", chứ trong thực tế anh ấy đã trên 50 tuổi và đã là phó giáo sư rồi. Nhưng câu chuyện một lần nữa nói lên rằng ngay cả người có tuổi vẫn cần phải "học nói" với đồng nghiệp mình.
Sự hiện diện của người Á châu
Năm nay tôi thấy vui vui vì có vài cái tên Việt Nam trong hội nghị. Trước kia, chỉ có 2 anh em tôi (Nguyen D Nguyen và Tuan V. Nguyen) là người Việt trong hội nghị này, và công bằng mà nói chúng tôi có tên tuổi tốt. Sau này thì có thêm "Trần". Năm nay thì có thêm "Nguyen", "Tran", "Ho Le", v.v. rất vui. Và, tôi phải nói là cái cô "Nguyen" kia (dân Melbourne, chắc là thế hệ 2) cũng tỏ ra là người rất giỏi, giỏi từ khoa học đến phong cách. Nhìn cách cô bác sĩ trẻ ấy trình bày và ứng đáp tự tin y chang như dân Úc thứ thiệt, vì cô ấy không có vấn đề gì về ngôn ngữ cả, làm tôi thấy vui trong lòng. Cái ông trưởng thượng kia cứ liếc mắt nhìn tôi xem tôi phản ứng ra sao vì ông thừa biết cô ấy và tôi cùng họ, nhưng tôi giả bộ lạnh lùng làm ngơ, và hỏi cô ta như hỏi mọi người khác.
Năm nào thì sự hiện diện của người Á châu cũng cao, nhưng thiếu cân đối. Năm nay tôi tò mò đếm là vì cái anh chàng postdoc người Á châu ở Perth đưa ra một câu hỏi làm tôi giật mình. Anh ta hỏi tôi rằng có để ý đến số bài oral của người gốc Á châu, và số người mang hàm giáo sư gốc Á châu trong hội nghị này? Quả thật tôi không chú ý, nên không có nhận xét nào. Năm nay có khoảng 100 bài oral, thì có đến 28 bài là từ dân Á châu. Trong khi đó, số người Á châu trong hội nghị ở cấp giáo sư chỉ đúng 3 người! Sự thật này nói lên rằng người Á châu chúng ta hiện diện ở cấp thấp thì nhiều, nhưng lên cấp cao chót vót thì chỉ đếm đầu ngón tay. Tại sao? Tôi chưa suy nghĩ vấn đề, nên chưa có câu trả lời. Nhưng tôi cho rằng do khả năng lãnh đạo và truyền đạt của người Á châu mình còn kém. Hôm nào sẽ viết ra suy nghĩ này để hầu chuyện cùng các bạn.
Chiều qua ông Howard Morris, học trò của cụ Nordin, có một bài oration về thầy cực kì hay. Bài oration nói về đóng góp của cụ Nordin trong calcium metabolism, và những chi tiết về cuộc đời của ổng. Chẳng hạn như ổng không có một tấm hình nào mà ổng cười cả, vì ổng lúc nào cũng bận tâm đến ... calcium. Ổng tự học máy tính, tự thiết kế database và tự dùng minitab phân tích dữ liệu. Ổng tự học mấy kĩ thuật đó vào năm 65 tuổi! Bái phục một bậc tiền bối. Đây là hình tôi chụp chung với ông cụ tiền bối.
Hình lưu niệm (từ trái sang phải): Dr Trần Sơn Thạch, tôi, và Phương Thảo
Hình lưu niệm (từ trái sang phải): Tôi, Dr. W Chen (học trò), và Dr. Nick Pocock (hay giảng về densitometry ở Việt Nam).
0 nhận xét:
Post a Comment