Hỗm rày tôi theo dõi loạt phóng sự trên Lao Động về một vị sư trụ trì một chùa ở ngoài Bắc (1-4) mà cảm thấy trăn trở rất khó tả. Nhớ có lần một anh bạn tôi nhận xét rằng Phật giáo Việt Nam có cái nôi ở ngoài Bắc, nhưng ngày nay, chỉ có Phật giáo ở Huế là còn giữ bản sắc mà thôi, và kế đến là Phật giáo trong Nam, chứ ngoài Bắc thì coi như hết Phật giáo rồi (anh ấy dùng chữ "vứt đi"). Loạt bài phóng sự của Lao Động cung cấp một chứng cứ sinh động cho nhận xét đó.
Thật khó tin nổi một vị sư trụ trì ở một chùa được xem là di sản quốc gia mà phát ngôn rất ư là … giang hồ. Ông còn có một lối sống không phù hợp với đời sống của một bậc tu hành. Thuở đời nay nhà sư đã xuất gia mà ăn thịt chó, uống tiết canh, hút thuốc lào, uống rượu Tây, say xỉn bí tỉ. Đó không phải là nhà sư nữa (chưa nói đến bậc chân tu), mà là dân “giang hồ” rồi. Mà, quả thật nhìn qua hình (2), từ ánh mắt đến cách ăn mặc, thì thấy ông không có dáng dấp của một nhà sư.
Trong thực tế thì cũng có nhà sư không xuống tóc và ăn mặn (thật ra, thầy tôi nói cái gốc của chữ này là “ăn mạng”). Theo tôi biết thì Phật giáo nguyên thuỷ không cấm ăn mặn, dù cấm sát sinh. Do đó, mới có chuyện tì kheo khất thực ai cho gì thì ăn đó, vì họ lí giải rằng ăn thịt không thấy con vật bị giết, không nghe con vật kêu la, hay ăn đồ thừa. Nhưng tì kheo không được ăn thịt chó, rắn, và ngựa (chẳng hiểu sao). Nhưng uống rượu thì chắc chẳng có tông phái nào cho phép cả.
Do đó, khi thấy vị trụ trì chùa mà báo Lao Động đề cập đến ăn thịt chó, tôi rất ngạc nhiên, không biết ông thuộc tông phái nào. Vì nếu ông theo Phật giáo đại thừa (phái chính ở VN) thì ông không được ăn mặn, mà chỉ ăn chay thôi. Khi hỏi về ăn mặn, cách lí giải của ông “sư” này thật khó nghe: “Chúng tôi được quyền đi buôn, được quyền làm đủ mọi thứ, chúng tôi làm đúng quyền công dân của tôi. Tôi là công dân đặc biệt mặc áo nâu đi ở chùa thôi. Chúng tôi không bao giờ được say rượu, nhưng ăn thịt thì được, thoải mái. Cốt sao, dù ăn thịt nhưng chúng tôi không tự tay mình giết, không xui người ta giết con vật, khi người ta giết con vật chết thì tôi không nghe tiếng kêu, không thấy máu chảy - nếu làm được như thế thì chúng tôi ăn thịt như ăn rau. Còn uống rượu thì nó sai thật, nhưng mà thanh niên không uống rượu thì nó chán lắm.”
Thật là hết ý! Một bậc tu hành mà ăn nói như thế thì không còn gì để nói nữa. Còn nhiều câu nói rất chướng tai khác nữa, mà tôi nghĩ một bậc tu hành không bao giờ nói như ông.
Nhưng vị ấy không phải là một "ca" duy nhất phản ảnh sự suy thoái của Phật giáo Việt Nam; trước đây đã có nhiều người như thế. Tiêu biểu là trường hợp người có pháp danh là Thích Thanh Quyết mang chức danh "Thượng toạ". Trong một bài phát biểu ca ngợi công an, ngài Thanh Quyết đề cập đến công an như là "đồng chí". Ngài nói: "Các đồng chí khám phá được bởi có chuyên môn nghiệp vụ, có nhân lực được đào tạo, tôi luyện tốt, có kinh nghiệm đấu tranh, khám phá án và có phẩm chất cao" (5). Ngoài ra, ngài còn khuyên Việt Nam nên xây dựng quân đội mạnh như ... Bắc Triều Tiên! Một người tu hành mà có vẻ quan tâm đến an ninh và quân sự thì quả là hiếm hoi và bất bình thường vậy.
Ở VN, người ta truyền miệng nhau những câu chuyện nhà sư trá hình, nhà sư … mang súng! Năm ngoái, một cựu quan chức ngoại giao VN là Đặng Xương Hùng kể về một sĩ quan an ninh giả dạng nhà sư Phật giáo đi dự hội nghị về tôn giáo ở Âu châu. Tôi sợ là những người như ngài Thích Thanh Quyết và các vị mà bài báo Lao Động nhắc đến là các “đồng chí” ấy, chứ không phải là người thật sự tu hành. Có lẽ những người này chỉ là một bộ phận trong cái mà thầy Quảng Độ gọi là giáo hội thừa sai của đảng mà thôi. Đối với những người này, họ có khái niệm "Đạo pháp dân tộc chủ nghĩa xã hội" mà tôi thấy khó hiểu và khó chấp nhận. Âu đó cũng là một trong những "thành quả" của mấy mươi năm xây dựng xã hội chủ nghĩa?
Phật giáo Việt Nam, cũng như các tôn giáo khác, có những thời kì hưng thịnh và những lúc suy thoái. Không còn nghi ngờ gì nữa, Phật giáo ngày nay ở nước ta đang trong thời kì suy thoái (hay suy đồi?). Thế hệ Phật giáo sáng chói của những Thích Nhất Hạnh, Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu (tức Lê Mạnh Thát), Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, v.v. đang mất dần và khó có thể thay thế. Đọc và cảm nhận những tác phẩm uyên bác, cùng nhân cách của các vị tôi vừa kể, và đối chiếu với các “nhà sư” ngày nay chỉ làm cho chúng ta thở dài về một sự diệt vong Phật giáo đang xảy ra trước mắt chúng ta. Khi tôn giáo chính của một nước mà suy thoái thì chúng ta không ngạc nhiên khi thấy đạo đức xã hội cũng suy thoái theo.
====
0 nhận xét:
Post a Comment