Home » » Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước

Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước

Bộ GDĐT vừa công bố trang web của “Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước” (gọi tắt là HĐCGGSNN) rất trang trọng.

http://www.hdcdgsnn.gov.vn

Trang web này giới thiệu 26 hội đồng liên ngành với nhiệm vụ xét phong chức danh giáo sư và phó giáo sư. Tuy cách bố trí và tổ chức trang web mang tính “lười biếng” của người thiết kế, nhưng trang web cũng cung cấp nhiều thông tin có ích. Có điều đáng chú ý là họ công bố tất cả các chi tiết cá nhân của từng giáo sư là một tiến bộ, nhưng việc công bố cả địa chỉ tư gia, theo tôi là một việc làm bất bình thường và có thể không cần thiết vì nó xâm phạm đến sự riêng tư của người ta.

Trong ngành y, có 15 người trong hội đồng, đứng đầu là GS Phạm Gia Khánh, và các thành viên bao gồm các giáo sư Đặng Vạn Phước, Lê Bách Quang, Vũ Minh Thục, Trương Việt Dũng, Nguyễn Lân Việt, Lê Quang Nghĩa, Hoàng Trọng Kim, Hà Văn Quyết, Hoàng Tử Hùng, Trần Văn Sáng, Nguyễn Bá Đức, Lê Năm, Phùng Đắc Cam, và Tôn Kim Thanh.

Tôi thử làm một “phân tích cắt ngang” thì thấy trong số 15 vị, phần lớn là đến từ Hà Nội, chỉ có 3 người từ phía Nam (cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh). Không có thành viên nào đến từ tỉnh lẻ và thành phố Đà Nẵng, hay Huế, hay Cần Thơ.

Đại đa số những người trong hội đồng là đảng viên ĐCSVN. Chỉ có một người duy nhất là không đảng viên: GS Hoàng Trọng Kim ở Đại học Y dược TPHCM.

Tuổi trung bình của các thành viên trong hội đồng ngành y là 60 (trẻ nhất là 55, và cao nhất là 66 tuổi).

Hội đồng chỉ có 1 thành viên nữ: Gs Tôn Kim Thanh.

Thành tựu khoa học của họ thì không mấy rõ ràng, vì trang web chỉ liệt kê những con số thống kê về số bài báo công bố, số sách họ là tác giả, số tiến sĩ và thạc sĩ họ đã hướng dẫn.

Tuy nhiên, một vài thông tin thú vị cũng có thể rút ra từ những con số này. Chẳng hạn như tính trung bình số bài báo họ công bố là 61 bài, dao động từ 29 (GS Đặng Vạn Phước) đến 144 (GS Nguyễn Bá Đức). Nhưng trang web không cho biết bao nhiêu là bài báo đăng trong các tập san trong nước và bao nhiêu đăng ở nước ngoài có hệ thống bình duyệt (peer reviewed journals). Họ cũng không phân biệt bài báo khoa học là bài báo thật sự hay là những abstracts trong các hội nghị. Thật ra, trường hợp GS Nguyễn Bá Đức, PubMed liệt kê 12 bài; trong đó 2 bài ông tác giả đầu và phần còn lại đều đứng tên chung với các tác giả khác và phần lớn là người nước ngoài.

Tình trung bình, số sách họ xuất bản là 5 cuốn. Người có sách in nhiều nhất là GS Nguyễn Bá Đức (20 cuốn). Tính trung bình từ ngày tốt nghiệp đại học, cứ mỗi năm, vị giáo sư này xuất bản 1 cuốn sách. Người có sách in ít nhất là GS Lê Quang Nghĩa (2 cuốn).

Về đào tạo, họ hướng dẫn thành công trung bình 6 tiến sĩ và 17 thạc sĩ. Có người hướng dẫn đến 14 tiến sĩ (như GS Phạm Gia Khánh và Nguyễn Bá Đức). Riêng GS Nguyễn Bá Đức hướng dẫn đến 44 thạc sĩ. Nói chung, vị giáo sư này nổi trội nhất so với các đồng nghiệp khác trong hội đồng.

Nói chung, tính minh bạch của việc tiến phong chức danh GS/PGS ở nước ta đã có một bước tiến đáng kể. Nhưng về thủ tục và qui trình thì vẫn còn có nhiều vấn đề cần xem xét lại và cải tiến. Tôi đã có vài bài bàn về vấn đề này, nên không nhắc lại ở đây nữa. Nhìn qua các vị trong hội đồng chức danh (chỉ giới hạn trong ngành y) chúng ta dễ dàng thấy vài vấn đề nổi cộm.

Thứ nhất là các thành viên phần lớn đều xuất phát từ phía Bắc, và không có ai đến các tỉnh lẻ hay thành phố khác. Điều này dễ gây ấn tượng mà nhiều người vẫn âm thầm nghĩ rằng Việt Nam vẫn là 2 nước trong một nước, và nhất là làm bằng chứng củng cố cho suy nghĩ về kẻ thắng người thua trận. Rất nhiều người tôi biết ở phía Nam chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện xin để bạt chức danh GS/PGS vì họ nghĩ chỉ tốn thì giờ và không tin vào tính impartiality của hội đồng mà trong đó có sự bất cân đối về thành phần.

Thứ hai là hội đồng toàn là đảng viên ĐCSVN làm cho người ta dễ dàng nghĩ rằng yếu tố chính trị có ảnh hưởng việc xét phong chức danh GS/PGS. Trong thực tế, có thể không có vấn đề này, nhưng vì có quá nhiều đảng viên nên khó mà không nghĩ đến yếu tố đảng.

Thứ ba là tư cách khoa học của của các thành viên trong hội đồng. Thông thường, ở nước ngoài, những người ngồi trong hội đồng phải là những người có thành tích khoa học khá “dày” thể hiện qua những công bố quốc tế, vì như thế thì họ mới có đủ tư cách để xét đơn người khác. Nhưng ở đây, như trình bày trên, có thể nói phần lớn các vị trong hội đồng có thành tích công bố quốc tế khá “mỏng”. Thật ra, ở Việt Nam có nhiều người trong ngành y có thành tích công bố quốc tế rất tốt, nhưng tôi không thấy tên họ trong thành viên. Có thể xem đây là một thiệt thòi cho khoa học Việt Nam.

NVT

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : toan_dang78@yahoo.com
Copyright © 2013. Luyện Nghe Tiếng Anh - All Rights Reserved