Đọc bài dưới đây làm máu trong người tăng nhiệt độ. Trung Quốc càng ngày càng khiêu khích và lấn ép Việt Nam. Trước đây, họ cho báo chí đăng bài bày mưu tính kế tiến chiếm Việt Nam. Mới tuần này, họ đăng bài phân tích hải quân Việt Nam là rất yếu, và nói gần nói xa việc Việt Nam mua tàu chiến của Nga. Nhưng ngoài những “chiến tranh bằng mồm” đó, họ còn đi xa hơn là ra lệnh cấm ngư dân Việt Nam đánh cá ngoài Biển Đông, vùng mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền. Nói trắng ra, họ cấm mình đánh cá trên biển thuộc chủ quyền của mình, hay ít ra là vùng còn tranh chấp! Chẳng những thế, chúng còn cho tàu chiến đụng tàu đánh cá Việt Nam, thậm chí bắn giết ngư dân Việt Nam. Chẳng biết có nước nào trên thế giới hành xử ngược ngạo và lưu manh như Trung Quốc.
Trước những hành động côn đồ và giết người như thế, lãnh đạo Việt Nam làm gì và nói gì? Ngày 26/5/2009, tiếp ngoại trưởng Dương Khiết Trì, "Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh bày tỏ vui mừng nhận thấy, thời gian qua, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc không ngừng được củng cố và phát triển. Các chuyến thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, các Bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể và tổ chức nhân dân hai bên có ý nghĩa rất quan trọng, là những bước tiếp tục cụ thể hoá, phát triển quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện'' Việt Nam - Trung Quốc" (tin VOV). Chúng ngang ngược ép mình mà nói là “củng cố và phát triển” thì thật là hết ý!
Báo chí Việt Nam thậm chí không dám nêu tên bọn lưu mnh Trung Quốc đã ngang ngược đâm vào tàu đánh cá Việt Nam, mà chỉ nói “tàu lạ”. Tại sao không nói thẳng là tàu Trung Quốc? Chẳng lẽ mình hèn đến nổi không dám nêu tên những kẻ lưu manh sát nhân, mà chúng thì lại nêu đích danh Việt Nam? Chưa thấy trong lịch sử Việt Nam, có thời nào mà Việt Nam khiếp nhược như thế.
NVT
http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=52467&fld=HTMG/2009/0604/52467
Ông Lê Quang Bình, chủ nhiệm uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội
“Ngăn cản ngư dân Việt Nam đánh bắt trên biển Việt Nam là xâm phạm chủ quyền…”
SGTT - Việc Trung Quốc tuyên bố phong toả ngư trường, thậm chí có hành động ngăn chặn tàu thuyền Việt Nam đánh bắt trên biển Đông, trong đó có những vùng biển thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam đang gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho không ít ngư dân miền Trung. Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Quang Bình, chủ nhiệm uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội về vấn đề này
Thưa ông, hiện nay đã có cơ quan nào của Chính phủ báo cáo với uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội về việc Trung Quốc phong toả ngư trường, trong đó có lãnh hải của Việt Nam?
Hiện nay, theo cơ chế, hàng ngày bộ Quốc phòng, lực lượng biên phòng đều có báo cáo với các cơ quan hữu quan trong đó có uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội. Tôi được biết hiện nay các cơ quan nhất là bộ Ngoại giao cũng đã có kế hoạch xử lý vấn đề này, bàn bạc để đảm bảo trật tự trên biển trong đó có vấn đề bảo vệ ngư trường của Việt Nam và việc nước ngoài có hành động ngăn cản người dân Việt Nam ra đánh bắt cá trên biển.
Bây giờ đang là vụ cá, nhưng ngư dân lại ngại ra khơi, theo ông các cơ quan chức năng của chúng ta phải làm gì để bảo vệ ngư dân Việt Nam khi đánh cá trên vùng biển của mình?
Sau Công ước của Liên hiệp quốc về luật Biển năm 1982 được công bố, Việt Nam đã tuyên bố đường cơ sở, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế cũng như vùng thềm lục địa. Trên cơ sở đó, toàn bộ vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thì mọi công dân Việt Nam đều có quyền ra biển để khai thác tài nguyên, đánh bắt hải sản…
Trước hết, các lực lượng bảo vệ chủ quyền trên biển có trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên biển Việt Nam. Trong tình hình hiện nay, theo tôi, những người dân đi đánh bắt cá trên biển phải biết được mình hoạt động trên vùng biển nào. Nếu đúng trên vùng biển của Việt Nam thì việc lực lượng nào đó của nước ngoài lại can thiệp, ngăn chặn ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản thì đó là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Trách nhiệm bảo vệ chủ quyền trên biển Việt Nam hiện nay chủ yếu đang giao cho cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, nên theo tôi, các lực lượng này phải có giải pháp bảo vệ người dân đánh bắt cá trên vùng biển của mình. Trong trường hợp cần thiết, bộ Ngoại giao Việt Nam cần có sự trao đổi với phía bạn trên tinh thần thẳng thắn, hữu nghị, theo tinh thần thoả thuận giữa hai nước. Làm thế nào để người dân đảm bảo quyền đánh bắt cá trên lãnh hải của mình.
Nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp tục, ngư dân lo ngại không dám ra khai thác ở vùng lãnh hải của Việt Nam, thì về lâu dài nó cũng ảnh hưởng đến chủ quyền của ta?
Đây thực sự là vấn đề phải xử lý rất lâu dài. Cơ sở pháp lý hiện nay vẫn chủ yếu phải dựa vào Công ước về luật Biển năm 1982 của Liên hiệp quốc và trên cơ sở Việt Nam đã tuyên bố phạm vi chủ quyền lãnh hải. Hiện nay, trong tuyên bố về chủ quyền trên biển Đông giữa Việt Nam và một số nước trong đó có Trung Quốc thì chưa thống nhất, nhất là quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Tôi nghĩ là các nước có liên quan đến biển Đông lúc này cần phải thực hiện tốt quy tắc chung về ứng xử trên biển Đông mà các bên đã có cam kết. Tinh thần là gác lại một bên các tranh chấp và cùng nhau khai thác. Nếu có việc gì đó xảy ra thì cùng nhau ngồi lại đàm phán, đảm bảo hoà bình và trật tự, chia sẻ lợi ích với nhau trên biển. Chấp nhận những cái hiện có hiện nay, tức là giữ nguyên hiện trạng, không làm tình hình biển Đông phức tạp thêm.
Nếu ta đã có những giải pháp ngoại giao tích cực mà phía nước ngoài tiếp tục có những hành động ngăn chặn tàu thuyền của ngư dân Việt nam, vi phạm quá đáng hơn nữa về chủ quyền lãnh hải của ta thì trong trường hợp nào, theo ông, ta cần có thái độ kiên quyết hơn để bảo vệ ngư dân?
Hiện nay, trách nhiệm chủ yếu giao cho cảnh sát biển và bộ đội biên phòng. Hải quân cũng có trách nhiệm phối hợp nhưng chủ yếu bảo vệ ở vùng biển xa. Nhưng trong những trường hợp cụ thể là phải hết sức cố gắng để tránh các đụng độ để đảm bảo an toàn, trật tự chung trên biển.
Các lực lượng trên tốt nhất là khi có vấn đề gì thì chủ yếu dùng biện pháp cảnh báo cho đối phương đó là vùng biển của Việt Nam, yêu cầu không đi vào vùng biển Việt Nam hoặc dùng biện pháp xua đuổi. Còn biện pháp nào có thể làm căng thẳng hơn thì hết sức nên tránh. Còn những trường hợp xâm phạm quá trắng trợn, thậm chí là họ dùng vũ lực trong vùng biển đặc quyền, vùng nội thuỷ của mình tôi nghĩ cũng cần có biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ người dân của chúng ta đánh bắt trên biển.
Mạnh Quân (thực hiện)
Thực hiện nghiêm lệnh cấm biển của Trung Quốc
Báo SGTT số ra ngày 1.6, có bài Ngư trường phong tỏa, tàu cá nằm bờ phản ánh những khó khăn mới phát sinh do bị hạn chế ngư trường vùng biển Đông, khiến nhiều ngư dân không ra khơi... Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNN) Vũ Văn Tám đã vào miền Trung để thị sát, kiểm tra tình hình... Ngày 3.6, sở NN&PTNN thành phố Đà Nẵng tổ chức họp báo, thông báo lại kết quả kiểm tra thực tế của bộ này.
Tại cuộc họp báo, ông Trần Văn Hào, giám đốc Sở NN&PTNN TP Đà Nẵng nói: “Việc va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và Việt Nam trên biển là có thật. Vì vậy, cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bộ NN&PTNN, Bộ đội biên phòng đã có công văn hướng dẫn các địa phương thông báo lệnh cấm đánh cá có thời hạn của Trung Quốc, vị trí, vùng biển bị cấm, khuyến cáo ngư dân nên tránh xung đột, dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc”.
Ông Hào cho biết, hiện chỉ có 247 tàu cá của Đà Nẵng nằm bờ. Có nhiều lý do để tàu cá không ra khơi chứ không chỉ vì lệnh cấm biển của Trung Quốc. Việc nằm bờ của hàng trăm tàu cá như vậy là không có gì bất thường.
Tấn Phong
Công văn thông báo lệnh cấm biển của Trung Quốc
Ông Chu Tiến Vĩnh – cục trưởng cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã có công văn 358 gửi đến sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển yêu cầu thông báo cho ngư dân biết lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc ở vùng biển Đông. Cụ thể vị trí mà Trung Quốc cấm là “từ 12 độ vĩ bắc đến đường giới hạn vùng biển giao nhau giữa Quảng Đông – Phúc Kiến và vùng biển phía đông đường phân định trong vịnh Bắc bộ”, thời gian cấm “từ 12h ngày 16.5 đến 12h ngày 1.8” (trích công văn).
Theo một số cán bộ quản lý thuỷ sản cấp huyện ở miền Trung, vùng Trung Quốc cấm nói trên là vùng đánh bắt chung hay còn gọi là vùng dàn xếp quá độ. Lâu nay, ngư dân Việt Nam có thể hoạt động nếu xin phép cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Việt Nam và nộp lệ phí cho phía Trung Quốc. Tuy nhiên với lệnh cấm này, khu vực này thành “vùng trắng”, có phép hay không phép đều bị cấm.
Đoàn Nguyễn
0 nhận xét:
Post a Comment