Home » » Chất lượng khoa học của vài đại học VN

Chất lượng khoa học của vài đại học VN


Trong nghiên cứu khoa học, tốc độ trích dẫn (citation rate) là một chỉ số quan trọng vì nó phản ảnh chung về chất lượng nghiên cứu. Tôi vừa thử so sánh tốc độ trích dẫn những công trình nghiên cứu khoa học của một số đại học Việt Nam trong thời gian qua, và kết quả rất ngạc nhiên ...



Tuần trước, chúng ta đã thấy kết quả của hai tác giả Phạm Hiệp và Huỳnh Hữu Hiền cho thấy năng suất khoa học (tính trên đầu tiến sĩ) của hai đại học Duy Tân và TônĐức Thắng là cao hơn so với các đại học khác. Nhưng số liệu họ dùng chỉ cho 1 năm, và mới xem xét phần lượng, chứ chưa xét đến phần chất. Do đó, trong bài này, chúng ta thử xem xét một khoản thời gian dài hơn và phần chất của nghiên cứu.

Rất khó đánh giá chất lượng của nghiên cứu khoa học, vì chẳng ai đồng ý một cách làm nào cả. Cách tốt nhất là đọc mỗi bài báo và các chuyên gia đánh giá. Nhưng điều này không khả thi cho hàng ngàn bài báo, và chuyên gia đánh giá thì cũng cảm tính và thường có độ tin cậy thấp. Do đó, một cách làm tắt là tính tần số trích dẫn trên mỗi bài báo (thuật ngữ trắc lượng khoa học gọi là "citation rate", hay tốc độ trích dẫn). Nói chung thì tốc độ trích dẫn phản ảnh một phần chất lượng nghiên cứu, hiểu theo nghĩa công trình có chất lượng thường được trích dẫn nhiều sau đó. Chỉ là "thường" thôi, chứ không phải là qui luật, vì có những bài tuy ít trích dẫn như vẫn có chất lượng tốt. Trong thực tế cũng có bài sai được trích dẫn nhiều lần! Các cơ quan quản lí khoa học cấp đại học và quốc gia hay dùng chỉ số này để đánh giá chất lượng (1-2). Ở mức độ cá nhân, các hội đồng xét duyệt đề bạt cũng hay dùng chỉ số này để bổ sung vào đánh giá hồ sơ xin đề bạt các chức danh khoa bảng. Nói chung, tốc độ trích dẫn có thể dùng như là một thước đo về chất lượng cho một quần thể như đại học, quốc gia.

Quay lại câu hỏi chất lượng nghiên cứu của các đại học VN so sánh như thế nào với các đại học trong vùng. Tôi dùng dữ liệu của ISI Web of Science (WoS) từ 2011 đến 2015 (tức gần 5 năm). Tôi chọn 5 năm là vì kinh nghiệm cá nhân cho thấy thời gian 5 năm là đủ để định hình một công trình khoa học sau khi công bố cho phần lớn các lĩnh vực khoa học. Từ dữ liệu WoS tôi trích ra số bài báo, số trích dẫn, và tính tốc độ trích dẫn. Ngoài ra, WoS còn cung cấp chỉ số H, một thước đo về tác động khoa học.

Kết quả cho thấy một "bức tranh" ngạc nhiên! Tính trung bình, mỗi công trình của TDTU được trích dẫn 5.38 lần trong thời gian 2011-2015, và chỉ số này cao nhất so với các đại học khác của VN. Theo sau TDTU là hai đại học quốc gia (với tốc độ trích dẫn 3.64 lần/bài) và Cần Thơ (3.46). Các đại học hoặc viện có tốc độ trích dẫn từ 2 đến 3 là Đại học Quốc tế, VAST, Bách Khoa Hà Nội, Bách Khoa HCM, và Nha Trang. ĐH Duy Tân tuy có năng suất cao nhưng tốc độ trích dẫn thấp nhất trong các đại học vừa kể.


Chỉ số (tốc độ) trích dẫn những công trình khoa học của của một số đại học Việt Nam trong thời gian 2011-2015.


Điều ngạc nhiên trong kết quả trên là chỉ số trích dẫn của VAST rất thấp. Trong thời gian 2011-2015, VAST công nhiều bài báo khoa học nhất (gần 1600 bài), tức gần gấp 10 lần TDTU, nhưng chỉ số H của VAST chỉ 19, cao hơn chỉ số H của TDTU chỉ 2 điểm! Đại học Cần Thơ công bố chỉ bằng ~1/5 của VAS nhưng chỉ số H của ĐH Cần Thơ là 15 (thấp hơn TDTU 2 điểm). Giữa 2 đại học bách khoa, thì Bách Khoa HN (14) có chỉ số H cao hơn Bách Khoa HCM (9) đến 5 điểm!

Các đại học VN so với các đại học đa ngành trong vùng ra sao? Tôi chỉ chọn vài đại học gần gần về số sinh viên và đa ngành, có thể không tiêu biểu vì không am hiểu hết các đại học. Nhưng biểu đồ dưới đây so sánh chỉ số trích dẫn của vài đại học Việt Nam với các đại học trong vùng. Kết quả phân tích cho thấy các đại học Úc có chỉ số trích dẫn cao nhất so với các đại học Thái Lan, Mã Lai, Hàn Quốc.

Chỉ số (tốc độ) trích dẫn những công trình khoa học của một số đại học Việt Nam và một số đại học trong vùng (Thái Lan, Mã Lai, Hàn Quốc, Úc) trong thời gian 2011-2015.

Tóm lại, các kết quả trên đây cho thấy chất lượng nghiên cứu khoa học của Đại học Tôn Đức Thắng có vẻ cao nhất trong các đại học Việt Nam, và tương đương với các đại học khác trong vùng. Các đại học lớn như ĐHQG (tôi gộp hai đại học) và ĐH Cần Thơ có chỉ số trích dẫn ngang hàng hay cao hơn một vài đại học Mã Lai và Hàn Quốc. Riêng Viện hàn lâm khoa học tự nhân (VAST) và Đại học bách khoa Hà Nội có chỉ số trích dẫn thấp nhất so với các đại học trong vùng.

Nhưng những kết quả trên đây chưa hẳn chính xác, vì chưa xem đến chỉ số trích dẫn của từng ngành khoa học. Do các ngành khoa học có "văn hoá trích dẫn" khác nhau (như ngành sinh học có tỉ lệ trích dẫn cao hơn ngành kĩ thuật chẳng hạn) nên so sánh giữa các trường/viện mà chưa tính đến chuyên ngành là chưa thật sự chính xác. Tuy nhiên, giữa các đại học đa ngành và ĐH Tôn Đức Thắng không có nhiều công bố về sinh học, thì chỉ số trích dẫn và chỉ số H của trường này là một minh chứng cho thấy trường đại học "trẻ" vẫn có thể vươn cao và xa trong nghiên cứu khoa học.

Bài học của phân tích này là các đại học Việt Nam nên tập trung vào nâng cao chất lượng nghiên cứu, đừng chạy theo số lượng. Chạy theo số lượng mà lờ đi chất lượng sẽ chẳng giúp gì cho các đại học và chỉ làm suy giảm uy danh của đất nước trên trường quốc tế.

=====

(1) http://www.chiefscientist.gov.au/wp-content/uploads/OPS6-Paper-for-print.pdf

(2) http://www.harzing.com/download/soutanzmac.pdf


0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : toan_dang78@yahoo.com
Copyright © 2013. Luyện Nghe Tiếng Anh - All Rights Reserved