Hôm qua, tôi trình bày kết quả phân tích từ dữ liệu của ISI cho thấy các đại học ViệtNam có nhiều khác biệt về chất lượng nghiên cứu. Theo kết quả này, ĐH TĐT có chỉ số trích dẫn cao nhất so với các đại học khác. Câu hỏi đặt ra là tại sao? Tôi nghĩ có nhiều cách giải thích và hiểu kết quả phân tích trên. Nhưng trước khi giải thích, tôi muốn mượn câu chuyện để nói về bảng xếp hạng đại học 2015 của QS.
Hôm trước, tôi có trình bày sự thay đổi thức bậc của các đại học trong bảng xếp hạngcủa QS. Kết quả cho thấy các đại học Á châu đang lên, còn các đại học Âu châu và Mĩ châu có vẻ "tại vị" hoặc suy giảm chút ít. Tại sao các đại học Á châu tăng thứ hạng? Tôi nghĩ vì nghiên cứu khoa học của họ có chất lượng tốt.
Để kiểm định giả thuyết đó, tôi so sánh chỉ số H của vài đại học trong vùng Á châu. Đây là số liệu chỉ của năm 2010, và tôi chọn các đại học có tên trong bảng xếp hạng QS 2015. Nhưng để đối chiếu, tôi trình bày số liệu của 2 đại học quốc gia VN trong cùng thời gian để biết. Chúng ta biết rằng NUS của Singapore được xếp hạng 1 trong bảng xếp hạng năm nay, và nhìn vào biểu đồ này cho thấy quả thật NUS có nghiên cứu tác động còn cao hơn cả các đại học hàng đầu của Úc! Không ngạc nhiên khi NUS đứng hạng 1 của Á châu. Còn VNU của VN thì còn xa quá, chỉ nhìn cho biết thôi, chứ không nên so sánh làm gì.
Biểu đồ 1: Chỉ số H của một số đại học Á châu trong bảng xếp hạng 2015 của QS. Chú ý tên viết tắt: SNU = Seoul National University, NTU=National Taiwan University, Chula=Chulalongkorn, VNU = hai đại học quốc gia của VN.
Biểu đồ 2 cho thấy số bài báo khoa học chỉ 1 năm (2010) của các đại học Á châu. Như có thể thấy, SNU của Hàn Quốc công bố nhiều nhất bài báo (5513 bài trong năm), đứng đầu bảng về số lượng, nhưng chỉ số H của SNU thì đứng hạng 9!
Biểu đồ 2: Số bài báo khoa học trong năm 2010 (trên các tập san trong danh mục ISI) của một số đại học Á châu trong bảng xếp hạng 2015 của QS.
Thông điệp chung từ phân tích này là không cần tập trung vào số lượng và nên tập trung vào chất lượng. Riêng Việt Nam thì phải nâng cao cả hai khía cạnh chất lượng và số lượng.
Thứ nhất là do hiện tượng thống kê và nhược điểm của số trung bình. Cách giải thích này có nghĩa là một trường có chỉ số trích dẫn trung bình cao nhờ vào một vài bài báo có trích dẫn cao, phần còn lại là chẳng có gì. Ví dụ như chúng ta có 2 đại học A và B với số trích dẫn:
A: 150, 0, 1, 0, 0
B: 25, 30, 17, 40, 21
B: 25, 30, 17, 40, 21
Nếu tính trung bình thì A có chỉ số trích dẫn cao hơn B (30 vs 27), nhưng đây là ... thống kê xạo. Số liệu trên cho thấy A không có tính bền vững, và chỉ nhờ vào 1 sao; còn B thì bền vững hơn. Do đó, số trung bình thất bại trong trường hợp này. Trong trường hợp này phải dùng chỉ số H. Rõ ràng chỉ số H của B cao hơn A.
Quay lại trường hợp các đại học VN, tôi cũng đã dùng chỉ số H và cho thấy nhất quán rằng TDTU có trích dẫn trung bình cao không phải do "sao". Chỉ số H của TDTU là 17, còn của ĐHBKHN là 14, ĐHBKHCM là 9, và ngạc nhiên hơn của VAST là chỉ 19 thôi. Điều này cho thấy rõ ràng sự khác biệt giữa các đại học là không phải do hiện tượng thống kê, mà có thể là do tầm ảnh hưởng của nghiên cứu khác nhau.
Thứ hai và dễ hiểu nhất là do ... ngẫu nhiên. Hiện tượng ngẫu nhiên, hiểu theo nghĩa vài đại học chỉ may mắn trong vòng 5 năm qua vì họ có những bài trên những tập san có IF cao (tập san IF cao thường thu hút nhiều trích dẫn). Cái này thì có thể kiểm định được bằng phương pháp thống kê, tức so sánh hai citation rate của hai đại học với giả thuyết vô hiệu là hai citation rate bằng nhau, nhưng tôi chưa làm. Nếu làm thì các bạn sẽ dùng phương pháp kiểm định gì?
Thứ ba là do hiện tượng "the truth wears off", hiểu theo nghĩa "đường dài mới hay". Trong y khoa có những nghiên cứu mới công bố với những phát hiện về tầm ảnh hưởng rất cao, nhưng nhiều nghiên cứu sau thì mức độ ảnh hưởng suy giảm dần khi cỡ mẫu nhiều hơn. Tôi nghĩ rất có thể những đại học mới thoạt đầu họ cố gắng công bố trên những tập san tốt, nhưng sau đó thì đuối sức, nên số trích dẫn sẽ suy giảm dần. Tuy nhiên, điều này có thể không xảy ra trong dữ liệu tôi trình bày, bởi vì tất cả đại học đều dựa vào số liệu 5 năm, và họ xuất phát từ cùng một môi trường khó khăn của Việt Nam.
Thứ tư là do tính tập trung của nghiên cứu. Trong nghiên cứu khoa học, có những lĩnh vực có văn hoá trích dẫn cao và có lĩnh vực có trích dẫn thấp. Do đó, so sánh hai trường mà không xem xét đến lĩnh vực nghiên cứu là một thiếu sót quan trọng. Chúng ta có thể tính chỉ số specialization của từng đại học, và điều chỉnh chỉ số trích dẫn theo trọng số specialization. Nhưng số liệu ISI mà chúng ta có thể tiếp cận chưa đầy đủ để làm việc này. Do đó, phải dựa vào giả định mạnh là phân bố lĩnh vực của các đại học tương đương nhau.
Thứ năm là do yếu tố tổ chức. Ở Úc, các viện nghiên cứu thường làm những nghiên cứu có chất lượng hơn đại học, và do đó chỉ số trích dẫn của các viện thường cao hơn so với đại học. Lí do đơn giản là viện nghiên cứu tinh hoa thường chọn nhân sự dựa vào những tiêu chuẩn rất gắt và họ chọn đề tài nghiên cứu rất tốt, còn đại học thì mang tính đại trà. Theo kinh nghiệm đó, tôi nghĩ rằng sở dĩ TDTU có chỉ số trích dẫn cao là nhờ vào các nhóm nghiên cứu, chứ các khoa thì chẳng có bao nhiêu. Các nhóm nghiên cứu của TDTU tài trợ là do họ chọn người dựa vào tiêu chuẩn quốc tế và họ gây áp lực công bố, nên không ngạc nhiên khi các bài báo của TDTU xuất hiện trên các tập san tốt.
Nếu lí do thứ 5 là đúng thì đó cũng là bài học cho các đại học khác. Thật ra, xu hướng hiện nay trên thế giới là người ta tổ chức thành từng nhóm nhỏ (research groups), mỗi nhóm chỉ độ 5-10 người, và giao quyền tự chủ cho nhóm. Ở Úc họ làm như thế từ lâu. Các đại học nhỏ hơn họ bỏ tiền tài trợ lập lab và tài trợ đề tài nghiên cứu cho các giáo sư, và bù lại họ đòi hỏi phải có nghiên cứu chất lượng cao. Khi đã có momentum, họ có thể thu hút người tài về. Đó là mô hình phát triển rất hay, nhưng nó đòi hỏi người lãnh đạo phải có viễn kiến tốt.
Hôm tuần rồi, tôi có dịp tham quan vườn ươm khoa học của UTS (Đại học công nghệ Sydney, Úc) dành cho các em ngay từ lúc còn là sinh viên. Họ tổ chức thành từng giai đoạn như lúc ấp ủ ý tưởng, đến giai đoạn thử nghiệm, triển khai, và sau cùng là thương mại hoá. Mỗi giai đoạn có một không gian thoáng và rất hiện đại cho các nhà nghiên cứu trẻ. Chẳng hạn như giai đoạn ý tưởng, họ có cái phòng khá lớn, chẳng có gì trong đó, chỉ có bảng đen và vài máy tính nối mạng, các em sẽ ngồi đó vẽ ra ý tưởng mình. Khi ý tưởng đã định hình, sẽ chuyển sang khu vườn phát triển; từ phát triển đến triển khai, và triển khai ổn sẽ đến khâu thương mại hoá. Tôi nghe nói là vườn ươm khoa học này đem lại cho Úc vài tỉ USD mỗi năm! Và, người điều hành vườn ươm khoa học này là một giáo sư gốc Việt, rất năng động và hăng hái. Tôi đi tham quan về và nghĩ trong đầu là các đại học VN nên học hoặc tham khảo cách làm này.
0 nhận xét:
Post a Comment