Thỉnh thoảng đọc thấy báo chí giới thiệu chức danh gọi là "Giáo sư thỉnh giảng" cho tôi (chẳng hạn như bài này trên VNexpress (1)), tôi thấy hơi … buồn cười. Hình như báo chí và một số người không hiểu, hay không chịu tìm hiểu, để viết cho đúng hơn. Trong bài này, tôi sẽ giải thích cách phân biệt các chức danh khoa học ở Úc.
Visiting Professor = Giáo sư thỉnh giảng
Trong hệ thống khoa học và giáo dục phương Tây, các trường đại học có chức vụ gọi là "Visiting Professor", dịch sang tiếng Việt là "Giáo sư thỉnh giảng". Những người giữ chức vụ này không thuộc biên chế của nhà trường, và cũng không hưởng lương của nhà trường. Họ là những giáo sư từ các trường đại học khác, nhưng có hợp tác với trường bổ nhiệm, và họ thường tiêu ra khoảng 1 tháng hay 1 năm (tuỳ trường hợp) ở trường bổ nhiệm. Chẳng hạn như tôi có hợp tác khoa học với Trường ĐH Tromso của Na Uy, và đồng nghiệp ở đó muốn tôi tiêu ra 1 tháng để hoàn tất một dự án khoa học, Trường Tromso viết thư mời tôi và cho tôi chức danh Visiting Professor có giá trị trong vòng 1 tháng. Chi phí ăn ở và đi lại ở Na Uy trong thời gian công tác là do Tromso đài thọ, nhưng họ không trả lương. Đó là giáo sư thỉnh giảng.
Giáo sư thỉnh giảng cũng là một cách bóc lột tuyệt vời của các đại học muốn mở rộng "biên cương". Ví dụ như trường Chulalongkorn của Thái Lan họ không có tiền gửi người sang lab tôi làm nghiên cứu, họ cho tôi hay ai đó trong nhóm chức danh giáo sư thỉnh giảng, và người này phải tiêu ra vài tháng ở Chula để giảng dạy, nghiên cứu, và tư vấn cho nghiên cứu sinh. Thật ra, hình thức giáo sư thỉnh giảng là có lợi cho đôi bên: người được bổ nhiệm có dịp đi chu du ở trường khác một thời gian, còn nơi bổ nhiệm thì "moi móc" được đầu óc của đương sự! Có thời gian tôi tiêu ra ở UC Irvine, sáng tôi đi làm, chiều tôi đi tắm biển, rất thích.
Do đó, khi VNexpress hay báo nào đó cho tôi cái chức danh "Giáo sư thỉnh giảng" của ĐH New South Wales (UNSW) là hoàn toàn sai. Tôi chỉ là người thỉnh giảng của các trường ngoài UNSW, chứ sao lại là thỉnh giảng trong trường bổ nhiệm mình một cách chính thức?!
Adjunct Professor
Có những người làm việc trong các viện nghiên cứu hay bệnh viện hay doanh nghiệp (như tôi chẳng hạn) được trường đại học trao chức danh lecturer, associate professor và professor. Hầu như các nhà khoa học cấp cao hay "senior faculty" của các viện nghiên cứu hạng elite của Úc đều có chức danh lecturer, associate professor, hay professor của một đại học. Những người này không nằm trong biên chế và cũng không hưởng lương của đại học. Nhưng đại học cần họ. Đại học cần là vì để nâng cao số lượng ấn phẩm khoa học của trường (vì các viện sản xuất rất nhiều công bố quốc tế), và nâng cao uy danh của trường. Thử tưởng tượng, trường không trả một đồng lương mà lại được hưởng lợi từ những công bố của những người đó.
Những người đó được gọi là "Adjunct Professor" (hay Conjoint Professor), nhưng riêng những người mang danh professor thì có quyền bỏ chữ "Adjunct" hay "Conjoint". Ngoài các chức danh lecturer và associate professor thì việc bổ nhiệm tương đối dễ (và có thời hạn 5 năm), còn chức danh professor thì phải qua bình duyệt và phỏng vấn như tôi mô tả trong (1,2).
Nhưng cũng có người làm việc trong các viện nghiên cứu không cần chức danh giáo sư của trường đại học. Ví dụ như trường hợp Ts Nguyễn Đình Nguyên, xứng đáng tiêu chuẩn Associate Professor của UNSW, nhưng em ấy không muốn làm hồ sơ xin bổ nhiệm. Nhiều người khác cũng thế, không cần chức danh của trường đại học, vì với những chức danh như Research Fellow và Principal Fellow thì dân trong nghề ai cũng biết cái prestige như thế nào.
Các chức danh fellow
Đến đây thì cần phải giải thích ý nghĩa và đẳng cấp của các chức danh fellow. Ở Úc, có 3 chức danh fellow chính: Research Fellow, Senior Research Fellow, Principal Fellow, Senior Principal Fellow. Các chức danh này chỉ dành cho những nhà khoa học chủ yếu làm nghiên cứu và rất ít giảng dạy (hay có giảng dạy thì cũng chỉ là tối thiểu). Nhưng cần phải phân biệt đẳng cấp của các chức danh fellow giữa trường đại học và viện nghiên cứu và tổ chức NHMRC (giống như NIH của Mĩ).
Trong các đại học, những người có chức danh trên tương đương với chức danh giáo sư. Ví dụ như Senior Principal Fellow là ngang hàng với Professor; Principal Fellow là ngang hàng với Associate Professor; và Senior Research Fellow là ngang hàng với Senior Lecturer.
Còn trong các viện nghiên cứu elite và NHMRC thì rất khác, vì nó không có tương đương với các chức danh cùng tên ở đại học. Một người được NHMRC bổ nhiệm làm Senior Research Fellow (SRF) có thể là Full Professor hay Associate Professor của đại học. Chẳng hạn như ở viện tôi có một số người là SRF của NHMRC nhưng là giáo sư thực thụ của đại học và đứng đầu lab nghiên cứu. Còn từ cấp Principal Fellow và Senior Principal Fellow của NHMRC thì dứt khoát phải ngang hàng hay cao hơn Full Professor của đại học.
Do đó, khi nói chức danh fellow, người ta phải gắn liền với một trường đại học, viện nghiên cứu, hay NHMRC, vì nơi bổ nhiệm chức danh có prestige rất khác nhau. Một người mới tốt nghiệp tiến sĩ có thể trở thành Senior/Principal/Senior Principal Research Fellow của một đại học trong vòng vài năm, nhưng một full professor của đại học có thể phấn đầu suốt đời và không bao giờ đạt được chức danh Senior/Principal/Senior Principal Fellow của NHMRC. Mỗi năm có khoảng 2000 giáo sư đại học xin một trong 3 chức danh fellow của NHMRC, nhưng chỉ có 60-70 là được bổ nhiệm chức danh này.
Hi vọng là tôi giải thích như thế đã rõ cho các nhà báo, để lần sau họ không phạm sai lầm khi giới thiệu tác giả nữa. Tôi không phải là "Giáo sư thỉnh giảng của Đại học New South Wales". Chuyện nhỏ thôi, nhưng tôi thiết nghĩ nhân dịp TDTU công bố qui trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm, tôi nói thêm cho dễ hiểu những lắt léo trong hàn lâm mà không phải ai cũng hiểu được. Tôi phải thêm một cái ý rất quan trọng mà nhiều người không chịu hiểu: Đó là người ta đánh giá một nhà khoa học không phải qua mấy chức danh hay chức vụ, mà là qua công trình khoa học và đóng góp cho chuyên ngành & xã hội.
=====
(1) http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/gs-nguyen-van-tuan-giao-su-la-chuc-vu-chu-khong-phai-pham-ham-3280671.htmlTrích: "Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học New South Wales (Australia)".
0 nhận xét:
Post a Comment