Vài ghi chép ở Seattle

Tuần qua, tôi có dịp quay lại Seattle lần thứ hai (lần trước là 11 năm trước). Trong bài này tôi cố gắng ghi lại vài cảm nhận về tình trạng ăn xin ở thành phố này, và bàn về thái độ của các quan chức Việt Nam ở nước ngoài ...   



Tôi ở ngay khu trung tâm thành phố (Khách sạn Sheraton), sát bên cạnh Trung tâm hội nghị, nên có dịp quan sát chung quanh và thấy rất upset. Ngay trước khách sạn có tiếng này mà có đến 2 người ăn xin, một người đàn ông trông hốc hác và dĩ nhiên là rất nghèo, và một người phụ nữ mà nhìn bề ngoài rất khó đoán là ăn xin. Họ đứng, ngồi, giơ tấm biển mô tả hoàn cảnh của họ (một người mất nhà, một người là thất nghiệp), và trông chờ vào lòng hảo tâm của người qua lại. Các bạn thử tưởng tượng, nơi diễn ra hội nghị là một chỗ khá upmarket, toàn dân giai cấp trung lưu từ khắp thế giới, mà có sự hiện diện của người ăn xin thì chắc chắn làm cho các bác sĩ đến đây dự phải suy nghĩ về xã hội Mĩ.

Nhưng người ăn xin không chỉ trước khách sạn tôi ở, mà xuất hiện khắp nơi trong trung tâm thành phố. Từ đường Pike nổi tiếng đến các đường với hàng quán sang trọng như Pine, 6th, 5th, 3th street, v.v. đều có nhiều người ăn xin vật vã. Ngay cả phía trước cái mall nổi tiếng Nordstrom và Macy cũng có người ăn xin khá nhiều. Có thể nói là so với nhiều thành phố Mĩ tôi đã đi qua, chưa nơi nào có nhiều người ăn xin như ở đây.

Hình như người ăn xin ở đây không nhận được lòng thương cảm của người qua lại. Có một tối, tôi ngồi cà phê quán Starbuck và cố ý quan sát xem "business" của họ ra sao, thì thấy không khá mấy. Tôi chẳng thấy ai cho tiền họ cả. Trong một quán phở của người Việt gần Macy, tôi thấy trên tường có biển hiệu màu đỏ ghi rõ rằng (dịch): "Chúng tôi có quyền không phục vụ cho bất cứ khách hàng nào". Tôi rất ngạc nhiên về cái biển hiệu không Mĩ chút nào này. Nhưng ngồi một chút tôi mới biết cái biển hiệu đó nhắm đến ai. Tôi chứng kiến hai người với dáng dấp nghèo nàn vào xin đi toilet, và người chạy bàn thẳng thừng từ chối. Người chạy bạn đưa mắt nhìn tôi (lúc đó đang theo dõi cuộc đối thoại) như tìm sự thông cảm của tôi.

Phần lớn người ăn xin ở đây là người da trắng, nhưng cũng có khá nhiều người da đen, người da đỏ. Không thấy người Á châu ăn xin ở đây.

Nhưng dĩ nhiên người ăn xin Mĩ rất khác với người ăn xin Việt ở Việt Nam. Ăn xin kiểu Mĩ có vẻ "sang" hơn và "chảnh" hơn ăn xin Việt Nam. Họ mặc quần áo khá sạch sẽ, chứ không rách rưới như đồng nghiệp họ ở Tp Hồ Chí Minh. Họ không nài nỉ hay chèo kéo ai, mà chỉ đứng/ngồi một góc nào đó, không gây cản trở giao thông hay gây khó khăn cho người qua lại. Họ có khi ra giá, như xin 1USD hay vài chục cent, chứ không như đồng nghiệp bên Hồ Chí Minh thụ động không ra giá. Họ có biển nói về gia cảnh và hoàn cảnh ăn xin, chứ không phải ăn xin chuyên nghiệp hay ăn xin không rõ lí do như bên HCM. Nhìn cách dân Mĩ ở đây ăn xin, tôi không thể không liên tưởng đến đẳng cấp trong giai tầng ăn xin, và nếu phân tầng, tôi nghĩ dân ăn xin Mĩ thuộc hàng "trung lưu!"

Bất luận họ ăn xin vì lí do gì, tôi nghĩ sự hiện diện của "đội quân" này là một sự thất bại của hệ thống an sinh xã hội của nước Mĩ. Ở nước Úc, tuy nghèo hơn, nhỏ hơn, yếu hơn và lạc hậu hơn Mĩ, nhưng chính phủ Úc lo cho dân họ tương đối tốt. Hiếm thấy người ăn xin ở Úc. Cũng chẳng có khu slum ở Úc. Nhưng ở đây, một đất nước văn minh và giàu mạnh hàng số 1 trên thế giới, nơi là thủ phủ của Boeing và Microsoft, mà lại có quá nhiều người ăn xin! Một đất nước như Mĩ mà không lo được cho người nghèo, và để họ ăn xin thì quả thật tôi không nghĩ ra.

Quan chức Việt Nam ra nước ngoài

Trong thời gian Seattle tôi hay ghé một quán phở gần khách sạn tôi ở trên đường số Sáu. Qua trò chuyện cùng người chạy bàn và ông chủ, tôi nghe được nhận xét của họ về các quan chức VN kể ra cũng thú vị.

Hôm đầu tiên gặp tôi và nghe nói tiếng Việt, anh chàng chạy bàn liền nấn ná làm quen. Anh hỏi tôi đến từ VN, và tôi chưa kịp trả lời, thì anh nói luôn: "Dân Sài Gòn hả?" Sẵn dịp, tôi đóng vai Anh Hai Sài Gòn luôn, để nghe anh nghĩ gì về người Việt trong nước.

Anh chạy bàn nói lâu lắm mới gặp người Nam sang đây công tác. Anh cho biết quán này phục vụ cho rất nhiều khách từ VN sang, nhưng đa số là người Bắc. Rồi để như không hiểu lầm, anh nói "Bắc Kì 75, chứ không phải Bắc Kì 9 nút đâu nghen". Lần đầu tiên tôi nghe đến khái niệm "9 nút" (chắc là 54). Nghe kiểu minh bạch của anh làm tôi phì cười trong bụng, vì nghĩ bắc hay nam thì cũng là Việt Nam cả thôi. Tôi tò mò hỏi chắc là họ là quan chức, cán bộ; anh ta nói không biết rõ, nhưng chắc làm lớn lắm và giàu lắm. Anh chạy bàn nghĩ một hồi rồi đoán rằng họ là đoàn đi mua máy bay, hoặc đi họp hội ở đây. Họ đến đây gọi rất nhiều món ăn và uống bia như nước lã! Tôi hỏi là anh có nói chuyện với họ không, anh nhún vai nói "Họ nói chuyện gì đó tôi đâu có hiểu. Mà, họ khinh người lắm."

Hôm sau tôi lại ghé quán này ăn trưa, và lần này gặp ông chủ quán. Ông chủ có lẽ được anh bồi bàn báo cáo tôi là Anh Hai Sài Gòn, nên ông kéo ghế hỏi chuyện bên nhà. Ông là người Việt gốc Hoa, nhưng ông chỉ biết nói tiếng Việt và tự nhận mình là người Việt. Ông từng có căn nhà trên đường Nguyễn Trãi, nhưng sau 1975 thì vụ đánh tư sản của bác Đỗ Mười làm nhà của Ba ông bị cán bị cướp lấy. Ông dùng chữ "cướp" hai lần với giọng thản nhiên, không tỏ ra giận dữ. Cả nhà ông vượt biên, sang Mã Lai, và đến Mĩ định cư vào năm 1985. Đã 30 năm qua, ông chỉ về Sài Gòn 2 lần, và lần nào cũng buồn nhiều hơn vui. Ông mở quán này và một quán khác nữa, như là tiếp nối truyền thống bán quán ăn từ trước 1975 của gia đình. Ông nói mướn mặt bằng cho cái quán ngay tại trung tâm Seattle này, mỗi tháng (hay mỗi tuần -- tôi quên) ông phải trả tiền thuê lên đến 12000 USD! Đại khái là giá rất đắt. Và, cách nói đó gần như là một biện minh cho tô phở giá 10-11 USD của ông.

Tôi hỏi rằng nghe nói quán ông hay tiếp khách quan trọng từ VN sang, ông gật gù. Ông cho biết có nhiều đoàn từ VN sang đây, nhưng đa phần là người Bắc chứ không thấy người Nam như tôi. Ông nói thẳng là ông không thích cách đối xử của các quan chức VN, vì họ lúc nào cũng vênh mặt "ta đây", hách dịch với những người chạy bàn của quán, và lần nào cũng phí tiền. Ông cười nheo mắt nói, họ phí tiền thì quán ông có lợi, nhưng ông nghĩ đó là tiền họ ăn cắp của dân qua tham nhũng mà thôi, và do đó ông không vui.

Điều làm tôi ngạc nhiên là ông nhất định bảo vệ quan điểm cho rằng VN vẫn là hai nước: bắc là cai trị và nam là bị trị! Ông chỉ nhìn vào hải quan tpHCM, nơi tôi đoán là ông có những trải nghiệm xấu, nên mới nghĩ thế. Cũng có thể ông chỉ thấy các quan chức VN sang đây toàn là Bắc kì 75 nên nghĩ thế. Tôi nói rằng ông Ba Dũng có thể là tổng bí thư tương lai đấy, và quan điểm của ông không hẳn đúng với thực tế đâu. Nhưng ông nhất quyết bảo vệ cái nhìn bi quan của ông.

Nói chuyện một lúc, tôi mới thấy đây là một người rất Việt Nam, dù đã trải qua đau khổ với chế độ, nay đã thành đạt và xa quê 30 năm trời, nhưng lúc nào cũng đau đáu nhìn về quê nhà. Người Việt mình dù đi đâu cũng vẫn nhìn về quê nhà với nhiều trăn trở, mà nếu không trò chuyện với họ, thì rất dễ hiểu [lầm] rằng họ chỉ biết phê phán quê hương.


0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : toan_dang78@yahoo.com
Copyright © 2013. Luyện Nghe Tiếng Anh - All Rights Reserved