Home » , » Kể chuyện học tiếng Anh: Phát âm

Kể chuyện học tiếng Anh: Phát âm

Phát âm đối với những người mới học tiếng Anh là một ... ác mộng. Tôi cũng vậy. Tôi có một kinh nghiệm làm tôi nhớ suốt đời về phát âm và dạy tôi không được chủ quan và khinh suất.


Lúc đó là năm 1982, tôi mới sang Úc được 1 tuần. Như những người tị nạn khác, tôi đến xứ này hoàn toàn trắng tay, không có một đồng xu dính túi, trên người chỉ một cái quần tây, cái áo chemise, và cái áo lạnh do một người Thái tặng cho, nhưng không có giày. Khi đến Úc, tôi được phát cho một cái thẻ để đến Hội từ thiện St Vincent de Paul nhận thêm quần áo và giày dép (dĩ nhiên là đồ đã qua dùng, nhưng với tôi thì còn tốt lắm), và 30 đôla Úc (AUD). Thời đó, 30 AUD là ok lắm (vì xăng chỉ có 20 cent một lít thôi), nên tôi không biết làm gì với số tiền này. Tôi chợt nghĩ là mình cần có một cuốn từ điển tiếng Anh, mà ở đây Oxford là từ điển số 1.

Thế là tôi đáp xe điện đi thành phố Sydney. Ui chao, lần đầu tiên từ Cabramatta ra đến trung tâm thành phố, các toà nhà cao trọc trời, đường xá thẳng tấp đâu ra đó, người người ai cũng có vẻ văn minh và có học thức, còn tôi thì cứ như kẻ nhà quê lên tỉnh, người ngợm đen đúa, ngơ ngác dò đường, thỉnh thoảng còn nhìn lên trời xem mấy toà nhà cao bao nhiêu tầng. Mà, đúng như thế thật. Bây giờ nếu tự nhìn lại thì chắc lúc đó tôi quê mùa lắm, nhưng tôi tự an ủi "quê mùa thì có sao?"

Tôi lần mò tìm đến tiệm sách Dymock, một tiệm sách lớn nhất của Sydney, và lần đầu tiên bị sốc vì cách phát âm. Tôi thì đinh ninh là Dymock thì đọc là "Đi Mốc" là phải rồi, còn gì nữa?! Tôi hỏi người đi đường tiệm sách "Đi-Mốc" nó nằm ở đâu, nhưng ai cũng kinh ngạc không biết tiệm sách đó là gì. Họ thật sự muốn giúp tôi, có người dừng lại hỏi, nhưng họ vẫn chào thua. Đến người thứ ba, tôi lại hỏi và người này cũng gãi đầu chịu thua, nhưng lần này thì tôi chìa ra cái tên Dymock, và thế là người này kêu lên: Oh, "Đi-Míck". Thế là anh này kéo tôi đến góc đường và chỉ cái tiệm cách đó 2 block đi bộ. Lần đầu tiên trong đời tôi mới biết phát âm tiếng Anh coi vậy mà không phải vậy: Thấy là Đi-Mốc, nhưng đọc là Đi-Mick!

Đến tiệm sách thì lại thêm một bài học nhớ đời. Tôi hỏi anh bán sách tìm mua cuốn từ điển Oxford. Tôi nghĩ như thế này: Cái xe hiệu Ford ở Việt Nam, ai cũng đọc là "Pho", vậy thì Oxford phải đọc là "Ốc-x-Pho". Nghĩ thế, tôi thản nhiên và tự tin hỏi tìm mua cuốn từ điển Ốc-x-Pho. Anh bán sách người Úc hết sức lịch sự, kêu tôi nói lại tên sách một lần nữa, và tôi tự tin lặp lại Ốc-x-Pho. Anh ta vỗ vỗ trán, và có vẻ nghĩ không ra sách này. Đến lần thứ ba, anh ta kêu tôi đánh vần xem, và sau khi tôi đánh vần xong, anh ta ôm đầu nói: Ah, Ốc-x-Phớd. Trời ơi! Tôi nghe xong mà rụng rời, và nghĩ sao kì cục vậy, tại sao từ Pho chuyển sang Phớd là thế nào. Và, tôi giận mình là sao quá tự tin để đến nông nỗi này. Nhưng anh bán sách lịch sự lắm, anh chẳng cần để ý cái dốt của tôi, rồi anh dẫn đến nơi chỉ một lô từ điển và giải thích cuốn nào thích hợp cho tôi. Cuối cùng tôi mua cả hai cuốn Oxford và Longman, với tổng số tiền 15 AUD, tức phân nửa số tiền tôi có trong túi.

Qua hai sự việc trên, tôi không bao giờ dám khinh suất trong phát âm tiếng Anh nữa. Cho đến nay, tôi đã biết nhiều chữ và cách phát âm, nhưng thỉnh thoảng gặp những cái tên và chữ lạ, tôi vẫn lúng túng như thường. Chẳng hạn như những cái họ McMahon, Murray, hay tên Sally, Chloe, v.v. nếu không tiếp xúc thường xuyên và chú ý thì dễ đọc sai. Rất nhiều người Việt đọc sai những tên này. Ngay cả hiện nay, dù tôi có thể nói tiếng Anh với vốn ngữ vựng như người bản xứ, nhưng phát âm thì không thể như người bản xứ hay như con tôi (sinh ra ở đây) được. Đó là chưa nói đến cách nhấn chữ và lên xuống giọng (rất cần thiết), người Việt mình vốn rất yếu (vì nói không thông, làm như "rặn" chữ). Người nói tự tin và sang (khác với giai cấp lao động) có thể thể hiện qua cách nói và nhấn chữ. Tôi quan sát thấy ở những người >20 tuổi, khi sang đây thì giọng nói vẫn còn rất Việt, nhưng với những em sang đây lúc còn nhỏ thì chỉ vài năm sau là phát âm như người địa phương.

Hồi xưa, tôi học tiếng Pháp rất tốt và thấy phát âm khá dễ dàng, và nghĩ tiếng Anh cũng thế. Nhưng khi va chạm thực tế thì tôi mới biết là mình quá chủ quan. Chẳng hạn như tên hãng hàng không Úc là Qantas, ai cũng nghĩ là đọc Kwan-tas, nhưng sai; phải đọc đúng là Kwan-tis! (Chữ tis phát âm nhẹ). Do đó, khi gặp một chữ mới mà mình không chắc phát âm là gì thì nên kiểm tra từ điển Longman (phần chỉ phát âm), hay nghe một đài radio / tivi để phát âm cho đúng, đừng chủ quan và khinh suất như tôi.

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : toan_dang78@yahoo.com
Copyright © 2013. Luyện Nghe Tiếng Anh - All Rights Reserved