UNSW Medicine là một tên mới của Khoa Y thuộc Đại học New South Wales (1). UNSW Medicine vừa bổ nhiệm khoa trưởng mới là Giáo sư Rodney Phillips. Vì Viện Garvan là một trung tâm đào tạo tiến sĩ cho UNSW Medicine (*), nên ông có nhã ý đến đây để chia sẻ những viễn kiến và công việc của ông. Một giờ với RP quả thật là thú vị, và tôi lại có cảm hứng ghi lại vài dòng để chia sẻ cùng các bạn quan tâm.
Giáo sư RP là một chuyên gia về miễn dịch học có tiếng trên thế giới. Ông sinh ra, lớn lên ở Tasmania, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học Melbourne thì ông chu du thế giới và sang Anh lập nghiệp. Ông đã ở Anh 35 năm, và có một sự nghiệp khoa học "sáng chói" ở đất sương mù đó. Ông đã công bố khoảng 150 bài báo khoa học, và được nhiều người trong thế giới HIV/AIDS biết đến. Nói cho công bằng, với thành tích này thì ông còn khiêm tốn hơn Gs Hiệu trưởng UNSW Australia (cũng là một giáo sư y khoa và cũng từ Anh (2)). Chức vụ sau cùng của ông ở Đại học Oxford là phó khoa trưởng khoa y (phụ trách nghiên cứu), và giám đốc trung tâm Peter Medawar. Ông được (hay bị) UNSW Australia chiêu dụ về Úc và đảm nhiệm chức vụ khoa trưởng UNSW Medicine sau khi Giáo sư Peter Smith quyết định nghỉ hưu. Do đó, ông RP về Úc thì cũng như hồi cố hương thôi.
Có thể nói cuộc đời và sự nghiệp của ông RP là một hành trình đem lại những phúc lợi cho người nghèo. Trong sự nghiệp 40 năm, ông đã lang thang từ Úc, sang Đông Nam Á, Anh, rồi lại về Úc. Ông cho biết sau khi tốt nghiệp trường y Melbourne, ông làm registrar 6 tháng ở Rabaul (Papua New Ghinea), và từ đó ông thích nghiên cứu các bệnh nhiệt đới. Nghĩ là làm, ông tìm cơ hội sang Thái Lan, và đầu quân cho Đại học Mahidol danh tiếng của Thái Lan. Thời gian ở Thái Lan, ông lặn lội vào các làng vùng xa ở Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, v.v. để tìm hiểu lối sống và nghiên cứu các bệnh như sốt rét, lao phổi, thậm chí điều trị rắn cắn. Ông rất tự hào là một bác sĩ từ nước giàu có, nhưng chẳng màng lợi danh, mà chỉ muốn gần gũi với người dân nghèo ở Đông Nam Á. Sau khi trải nghiệm thực tế như vậy, ông mới quyết định sang Anh để học hỏi thêm, và không ngờ ông lại "bén duyên" với Anh suốt 35 năm trời!
Có lẽ vì tiếp xúc với nhiều người nghèo ở Á châu như thế, nên ông có một phong cách hết sức bình dân. Ông xuất hiện trên bục giảng, đứng trước hơn 300 nhà khoa học, với một phong cách cực kì giản dị và gần gũi. Quần jean, áo chemise xanh, không có cà vạt, tóc tai rất "dân dã", giày bình dân. Quả thật, nếu gặp ông ở ngoài thì tôi dám chắc chẳng ai biết ông là một giáo sư khoa trưởng của khoa y lừng danh của Úc, mà có thể nghĩ ông là một ông công nhân hay nông dân nào đó mới ra thành thị! Khó có thể tưởng tượng rằng đây là một con người có thể "hét ra lửa, mửa ra khói" trong thế giới y khoa Úc. Ông bình dị từ cách ăn mặc đến lời nói. Khi được Viện trưởng Viện Garvan giới thiệu một cách ân cần và ưu ái, ông đáp lời rằng đây là lời giới thiệu dài nhất mà ông được nghe trong đời. Ông đáp lời xong thì cả hội trường cười ồ lên thoải mái.
Ông bắt đầu bài nói chuyện bằng một bức hoạ chân dung của Charles Darwin. Darwin từng ghé qua Sydney và ông rất ấn tượng với thành phố này, nhưng ông xem Hobart chỉ là một thị trấn, mà Hobart là quê hương của ông RP! Sau đó, ông nói rằng ngay cả nước Anh cũng không thấy được cái vĩ đại của Darwin, mà chỉ có Úc mới nhận ra điều đó. Bằng chứng? Thì đó, Úc lấy tên Darwin đặt cho một thành phố cực Bắc. Ông lại làm cử toạ cười sảng khoái. Tôi thấy những nhân vật quan trọng, nhất là người phương Tây, họ có những cách trào phúng rất ý nhị, mà nếu không nghĩ kịp thì tưởng là họ nói tào lao.
Nhưng ông tỏ ra là một người có kinh nghiệm về diễn giải. Tôi nói thế là vì ông khởi đầu bằng bức hoạ Darwin, và ông cũng kết thúc bài nói chuyện bằng một bức hoạ khác của Darwin và kèm theo câu nói bất hủ "Nothing in Biology Makes Sense Except in the Light of Evolution" của T. Dobzhansky. Đó là một cách trình bày mà tôi hay giảng trong các bài về cách soạn powerpoint, và ông này là bậc thầy, nên biết cách làm đó thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Tuy nhiên, ông không phải là một người hùng biện như ông hiệu trưởng. Ông nói năng không lưu loát, thỉnh thoảng còn vấp váp, nhưng ý tứ thì đâu ra đó và dễ theo dõi.
Ông tỏ ra say sưa với việc khoa học, chứ chẳng nói gì về quản lí. Thật vậy, bài nói chuyện của ông chỉ dành khoảng 5 phút nói về viễn kiến của UNSW Medicine, mà ông nói là đang soạn thảo và bàn luận, phần còn lại ông hào hứng nói về những công trình nghiên cứu HIV/AIDS của ông. Ông nói về sự tương tác giữa các virus và tốc độ tiến hoá của chúng rất hay. Ông có những biểu đồ về tiến hoá của virus và phân bố từng vùng trên thế giới gây hào hứng cho diễn đàn. Nhưng đến phần kết luận, tôi có cảm giác là ông ... bó tay. Nói cách khác, làm rất nhiều nghiên cứu, tiến bộ cũng có, nhưng tốc độ tiến bộ chẳng ăn nhằm gì so với tiến hoá của các vi sinh vật gây bệnh. Riêng tôi thấy ông có trình bày một biểu đồ mà tôi nghĩ rằng chính ông cũng không biết ông sai. Đó là biểu đồ tương quan giữa tỉ lệ hiện hành (trục hoành) và tỉ lệ gọi là "variance" của một biến thế gen (trục tung), rồi ông tính hệ số tương quan. Cái sai ở đây (mà có lẽ nhiều người khó thấy) là cả hai biến đều có phương sai finite và mỗi dữ liệu là một summary point thì dĩ nhiên cái hệ số tương quan phải cao. Nhưng thật ra, biểu đồ đó cũng chẳng phải làm ai chú ý hay quan trọng, nên chẳng ai chất vấn. Các bạn có thể xem cái "research profile" của ông trong trang này (3).
Nói chung, ấn tượng của tôi với ông tân khoa trưởng UNSW Medicine là một người dễ mến, rất Úc, rất bình dị, và dễ trao đổi. Vì là người phải phân chia thì giờ giữa nhiệm vụ quản lí và nhiệm vụ nghiên cứu, nên ông RP có vẻ không có thì giờ để dành toàn tâm cho một lĩnh vực, nên những nghiên cứu của ông có vẻ kém tác động. Tôi thì hi vọng với cái "tiền căn" làm việc ở Thái Lan, ông sẽ là một cầu nối quan trọng giữa UNSW Medicine và các đại học ở Đông Nam Á.
Việc bổ nhiệm ông làm khoa trưởng UNSW Medicine không thể không làm tôi suy nghĩ về những bàn luận chung quanh việc bổ nhiệm các "thái tử đảng" vào các vị trí lãnh đạo, và việc kêu gọi người Việt ở nước ngoài về phục vụ quê hương. Ông RP không thuộc dòng dõi quí tộc. Ở đất nước này cũng không có hiện tượng thái tử đảng. Việc bổ nhiệm chỉ dựa vào thành tích khoa học của ông trong quá khứ và viễn kiến của ông trong tương lai (tức là ông phải tự chứng minh cái tài và cái tầm nhìn của ông), chứ chẳng liên quan gì đến nhân thân của ông. Còn ở VN, với hiện tượng thái tử đảng, chủ nghĩa gia phả và chủ nghĩa lí lịch, chỉ càng làm cho người ngoài nhìn vào một cách ngao ngán. Biết đến bao giờ thì Việt Nam có một cơ chế bổ nhiệm công minh như trường hợp ông RP để mọi người con đất Việt có cơ hội đóng góp cho đất nước. Hiện tượng ưu tiên cho thái tử đảng càng làm cho giới khoa học Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, có rất ít lí do gì để lạc quan và hi vọng vào tương lai.
====
(1) Đại học New South Wales bây giờ cũng đổi tên thành "UNSW Australia". Đây là xu hướng đặt tên mới của các đại học đẳng cấp quốc tế, bằng cách dùng thương hiệu hơn là dùng những chữ "tầm thường như "University".
(*) Trước đây, có một người nặc danh nào đó nói rằng Viện Garvan bị UNSW cấm không cho dùng domain của UNSW làm tôi và học trò cười gần chết.
(2) http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2015/06/nghe-vien-kien-cua-tan-hieu-truong-unsw.html
(3) https://research.unsw.edu.au/people/professor-rodney-phillips/publications
0 nhận xét:
Post a Comment