Home » , » "Không có vắc-xin an toàn 100%" - lời giải thích khó thuyết phục

"Không có vắc-xin an toàn 100%" - lời giải thích khó thuyết phục


Chuyện an toàn vắc-xin lại lên báo, vì tháng qua lại có thêm 2 ca tử vong, và công chúng và đại biểu Quốc hội bức xúc. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, bà Bộ trưởng Y tế nói rằng "Không có vắc-xin an toàn 100%" (1). Câu này đúng, nhưng chưa đủ. Quan trọng hơn, đó là câu trả lời xưa lắm rồi, và không giải thích được tại sao có khá nhiều trẻ em chết sau khi được tiêm Quivaxem.


Tôi nhớ từ tháng 6 năm 2013, khi được chất vấn về an toàn của vắc-xin, ông Nguyễn Trần Hiển của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nói rằng "Tôi xin nói rằng, không có vắc-xin nào an toàn 100%" (2). Rồi đến đầu tháng 11 năm nay, bà lại lặp lại câu nói đó "Không có loại vắc xin nào là an toàn 100%" (3). Đến tháng 3/2015, thì thấy ông Nguyễn Trần Hiển lại nói câu đó (4). Trong một câu trả lời rất dài, ông nói rằng "không có vắc xin nào là an toàn 100%" (4), và bà ấy đăng lại trên facebook (5). Như vậy, đây là một câu trả lời không phải của bà Bộ trưởng. Cả hai người cũng chẳng có gì để nói thêm!

"Không có vắc-xin nào an toàn 100%" thì không hề sai, và tôi đồng ý. Nhưng đáng lẽ phải thêm là không có vắc-xin nào có hiệu quả 100%, và đó là sự thật. Nhưng cái "an toàn" ở đây là gì? Cả hai người, Bộ trưởng và Viện trưởng, đều không giải thích. Họ cũng không giải thích nếu không 100% thì là bao nhiêu? Đó là điều đáng tiếc.

Tôi thử tra tìm y văn để trả lời hai câu hỏi đó, trước là cho tôi và sau là chia sẻ cùng các bạn. Một điều hơi ngạc nhiên là dù vắc-xin Quinvaxem đã dùng ở VN bao nhiêu năm nay, nhưng có rất ít nghiên cứu về hiệu quả và an toàn của Quinvaxem. Tìm trong thư viện y khoa toàn cầu (Pubmed) tôi chỉ thấy 7 nghiên cứu liên quan đến Quinvaxem, trong đó chỉ có một nghiên cứu về hiệu quả và an toàn của vắcxin này ở trẻ em Ấn Độ. Công trình nghiên cứu ở Ấn Độ trên 161 trẻ em 6-14 tuần sau khi sinh cho thấy Quinvaxem an toàn và có hiệu quả tốt. Một nghiên cứu trên 120 trẻ em ở Cao Lãnh vào năm 2009-2011 cho thấy cũng cho thấy vắcxin Quinvaxem có hiệu quả rất tốt.

Tuy nhiên, những nghiên cứu trên là nghiên cứu lâm sàng, tức có sự giám sát tốt của bác sĩ và y tá trong thời gian theo dõi. Để biết tính an toàn của Quinvaxem trong cộng đồng (nơi mà ít có sự giám sát có hệ thống), các nhà khoa học đã triển khai một nghiên cứu ở Guatamala trên 3000 trẻ em. Nghiên cứu này cho thấy, tính chung, tỉ lệ có phản ứng là 1288 ca (tức 43%), nhưng chỉ có 8 ca được xem là nghiêm trọng và có liên quan đến vắcxin Quinvaxem. Không có tử vong. Những kết quả trên cho thấy Quinvaxem vừa có hiệu quả và vừa an toàn. Thật ra, Tổ chức Y tế Thế giới đã phê chuẩn Quinvaxem cho các nước đang phát triển từ năm 2006.

Qua các dữ liệu khoa học trên đây, chúng ta có thể nói rằng Quinvaxem là an toàn, với nguy cơ biến chứng chỉ khoảng 0.27%, và không có tử vong. Nhưng ở Việt Nam, có nhiều trẻ em đã tử vong sau khi tiêm Quinvaxem, và đó là điều bất bình thường. Nếu chỉ 1 em trong số hàng triệu liều vắcxin thì còn xem xét lại, nhưng nếu có đến hơn 60 em tử vong (7) thì không thể nào vinh vào câu "không có vắc-xin nào an toàn 100%" để phủi tay được.

Khi người ta nói "an toàn" là biến chứng có liên quan đến vắcxin, chứ không nói đến tử vong. Trong vắcxin học, chỉ cần 1 ca tử vong là phải điều tra độc lập. Nhấn mạnh hai chữ "độc lập", chứ không phải để cho Bộ Y tế điều tra và họ đi đến kết luận. Tôi nghiêng về ý kiến trong khi có biến chứng và tử vong thì tốt hơn hết là ngưng dùng Quinvaxem, để điều nghiên cho kĩ, và quyết định sau đó phải dựa trên kết quả điều tra - nghiên cứu.

Lại có lần bà Bộ trưởng nói rằng nguy cơ trong "tỉ lệ cho phép", nhưng cách biện minh này khó chấp nhận. Thứ nhất, nó không phải là "cho phép" mà là "có thể chấp nhận", thuật ngữ tiếng Anh là "acceptable risk". Thứ hai, khi người ta nói đến "nguy cơ có thể chấp nhận" là nguy cơ phản ứng không nguy hiểm, không nghiêm trọng. Còn ở đây, tử vong là rất rất nghiêm trọng -- dù chưa biết có liên quan đến vắcxin hay không -- thì không có cái tỉ lệ tử vong nào là "cho phép" cả (8).

====







(8) Cái khái niệm "acceptable risk" hay "nguy cơ có thể chấp nhận" còn tuỳ thuộc vào người được hỏi. Có một nghiên cứu trước đây (tôi quên tài liệu tham khảo), khi người ta hỏi về tình huống sau đây: vắcxin có hiệu quả, nhưng 10% sẽ chết vì vắcxin do biến chứng, vậy bạn có dùng vắcxin đó không? Thú vị thay kết quả rất khác giữa các nhóm đối tượng:

·       Nếu đặt câu hỏi đó cho bản thân người trả lời, thì chỉ có 48% họ nói là chấp nhận; khi được hỏi họ dùng vắcxin cho con em của họ, thì kết quả là 57% chấp nhận.
·       Khi câu hỏi đó đặt cho bác sĩ là họ có sẵn sàng tiêm vắcxin [với 10% nguy cơ tử vong] cho bệnh nhân, thì 63% nói là sẵn sàng.
·       Khi câu hỏi đó đặt cho giám đốc y tế là họ có dùng vắcxin đó cho bệnh nhân, 73% nói là ok.

Kết quả này nói gì? Theo tôi nó nói lên rằng cái nguy cơ đó (tử vong) nếu là trên người khác thì họ chẳng mấy quan tâm (như bác sĩ và giám đốc y tế). Khi cái nguy cơ càng xa bản thân họ, thì họ càng thoải mái! Nhưng nếu nguy cơ đó trên chính họ thì họ quan tâm. Do đó, cái gọi là "tỉ lệ cho phép" mà bà Bộ trưởng Y tế hay quan chức y tế trả lời là có thể hiểu được, vì nguy cơ tử vong là trên người khác chứ không phải trên bản thân họ. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta hay các bạn phải tự lo thân mình, chứ không nên quá tin vào cái giải thích "tỉ lệ cho phép" mà tôi nghĩ là rất nguy hiểm cho trường hợp tử vong.

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : toan_dang78@yahoo.com
Copyright © 2013. Luyện Nghe Tiếng Anh - All Rights Reserved