Báo infonet.vn có nhã ý phỏng vấn tôi về những vấn đề chung quanh việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng ban hành qui trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm chức vụ giáo sư. Bước đi của ĐH TĐT đã gây ra một cuộc thảo luận khá ồn áo trên báo chí, với nhiều ý kiến có khi trái chiều. Nhưng tôi thấy rất nhiều ý kiến phản đối có vẻ rất cảm tính và chẳng có chứng cứ gì cả. Ở đây, tôi bày tỏ những ý kiến của tôi về việc này.
Dư luận vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh việc Đại học Tôn Đức Thắng bổ nhiệm chức vụ giáo sư cho cán bộ của trường. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Giáo sư tại Đại học New South Wales (Australia), đã trao đổi với báo điện tử Infonet.vn về quan điểm của mình.
Theo GS Tuấn các trường có thể tự phong chức vụ giáo sư cho cán bộ của trường, điều này hoàn toàn bình thường. Đã đến lúc Việt Nam nên coi Giáo sư là một chức vụ.
Hỏi: Hiện nay, Đại học Tôn Đức Thắng - TP.HCM (ĐH TĐT) đang gặp khá nhiều ý kiến phản đối về việc bổ nhiệm chức vụ Giáo sư cho cán bộ của trường. Đây là một việc làm mà các trường ĐH trên thế giới đã thực hiện rất bình thường. Theo ông vì sao dư luận, thậm chí nhiều giáo sư được Nhà nước phong tặng lại phê phán trường ĐH TĐT gay gắt như vậy?
NVT: Theo dõi báo chí trong thời gian qua, tôi nghĩ không chỉ có những ý kiến phản đối, mà có đến 3 luồng ý kiến chính. Một số là ủng hộ việc các trường đại học, kể cả Trường ĐH Tôn Đức Thắng, bổ nhiệm chức vụ giáo sư. Một số thì phản đối quyết liệt, họ muốn giữ "nguyên trạng", tức là theo mô hình tập trung, chỉ có Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước phong giáo sư. Luồng ý kiến thứ ba thì ủng hộ Trường ĐH TĐT nhưng có điều kiện, là phải minh bạch về tiêu chuẩn và qui trình bổ nhiệm. Qua trao đổi với nhiều bạn bè và đồng nghiệp, tôi còn biết một luồng ý kiến khác là họ ủng hộ việc trao quyền bổ nhiệm giáo sư cho đại học và ủng hộ ĐH TĐT, nhưng họ không lên tiếng mà chỉ âm thầm theo dõi, và số này khá nhiều.
Tổng kết lại, tôi thấy những người phản đối ĐH TĐT về việc bổ nhiệm giáo sư đưa ra 5 lí do chính.
• Lí do thứ nhất, họ cho rằng Trường vi phạm luật pháp, vì ở VN chỉ có Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) mới có quyền phong giáo sư;
• Lí do thứ hai, họ nghĩ rằng ĐH TĐT không có đủ tư cách và điều kiện để lập hội đồng bổ nhiệm giáo sư, nhưng họ không nói tư cách và những điều kiện đó là gì;
• Lí do thứ ba, họ cáo buộc rằng ĐH TĐT tự phong giáo sư, chạy theo danh hảo, và do đó sẽ dẫn đến loạn giáo sư. Có người còn cực đoan so sánh việc ĐH TĐT bổ nhiệm giáo sư như là tổ chức khủng bố IS tự xưng "Nhà nước Hồi giáo"!
• Lí do thứ tư, họ suy đoán rằng tiêu chuẩn giáo sư của ĐH TĐT thấp hơn tiêu chuẩn của HĐCDGSNN, và do đó sẽ dẫn đến tình trạng vàng thau lẫn lộn;
• Lí do thứ năm là họ nói hai chữ "giáo sư" và "phó giáo sư" chỉ có Nhà nước phong, nên nếu ĐH TĐT dùng hai danh xưng đó thì giống như ... vi phạm bản quyền.
Khách quan mà nói, tôi thấy tất cả 5 lí do trên đều không hợp lí và chẳng thuyết phục chút nào. Việc các đại học khi đã trải qua một quá trình phát triển và ổn định, và đủ thực lực thì có thể tự chủ. Tự chủ tài chính, quản trị, và bổ nhiệm nhân sự. Trong trường hợp ĐH TĐT thì Trường đã được Thủ tướng Chính phủ trao quyền tự chủ, và trong Quyết định của Thủ tướng có ghi rõ rằng ĐH TĐT có quyền "tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm nhân sự là cán bộ quản lí, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, viên chức." Như vậy, ĐH TĐT chỉ làm cái chức năng mà Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Hỏi: Các ý kiến phản đối chủ yếu là ý kiến lo ngại ĐHTĐT không đủ năng lực thành lập hội đồng, chất lượng trường chưa đủ uy tín để tự phong Giáo sư, ý kiến của ông như thế nào?
NVT: Tôi nghĩ đây là một ý kiến mang tính chủ quan, cảm tính, và thiếu cơ sở. Chủ quan là vì không có chứng cứ gì để chứng minh rằng ĐH TĐT chưa đủ uy tín, và định nghĩa thế nào là uy tín. Cảm tính là vì phát biểu không dựa trên sự thật, hay dựa trên kiến thức thẩm định về học thuật.
Năng lực của một đại học dựa trên quá trình phát triển, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hiện nay theo công bố của ĐH TĐT thì Trường đã có 2 giáo sư và 12 phó giáo sư (do HĐCDGSNN phong), cùng với 8 giáo sư ở nước ngoài đang có labo nghiên cứu tại Trường. Do đó, nói rằng Trường chưa có đủ thực lực thì tôi e rằng không có cơ sở.
Thực lực còn thể hiện qua nghiên cứu khoa học, một lĩnh vực rất quan trọng của một đại học đúng nghĩa. ĐH TĐT đã trải qua 18 năm phát triển, và đã có thành tích nghiên cứu khoa học vượt trội hơn những trường lâu đời ở VN. Số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ năm nay cho thấy số công bố quốc tế của ĐH TĐT đứng hàng top 15 của VN. Trường cũng đạt chất lượng 3 sao của QS (tổ chức xếp hạng đại học quốc tế). ĐH TĐT là trường đầu tiên, và cho đến nay là trường duy nhất ở VN có bằng sáng chế do USPTO cấp.
ĐH TĐT thiết lập và tài trợ cho hơn 20 labo nghiên cứu do nhiều giáo sư hàng đầu thế giới lãnh đạo. ĐH TĐT đầu tư hơn 20 tỉ đồng mỗi năm cho nghiên cứu khoa học, và nhiều công trình được công bố trên những tập san số 1 trong chuyên ngành quốc tế. Tôi chưa biết có trường đại học nào ở Việt Nam với quá trình hình thành như thế mà chịu đầu tư cho nghiên cứu khoa học như ĐH TĐT. Trường được sự cố vấn chặt chẽ của các giáo sư hàng đầu từ nước ngoài hơn 5 năm qua. Đó là những chứng cứ cho thấy ĐH TĐT thừa tư cách khoa học để bổ nhiệm giáo sư.
Hỏi: Việc các trường tự bổ nhiệm song song với các chức danh giáo sư do Nhà nước phong có gây ra hiện tượng chồng chéo, không cần thiết? Theo ông có nên để hai loại hình giáo sư song song nhau không?
NVT: Một cách ngắn gọn, tôi nghĩ là không có chồng chéo. Trước hết, chúng ta phải thống nhất rằng giáo sư là một chức vụ, chứ không phải phẩm hàm hay "chức danh" như nhiều người hiểu hiện nay. Chức vụ thì phải đề bạt và bổ nhiệm, chứ không có tiến phong. Mà, chức vụ thì phải gắn liền với một đại học, chứ không có kiểu giáo sư chung chung, chẳng có liên quan đến một đại học nào.
Do đó, chúng ta hay thấy ở nước ngoài khi người ta viết hay nói danh giáo sư, thì phải kèm theo một tên trường đại học cụ thể nào đó. Khi tôi được đề bạt giáo sư, trong thư đề bạt người ta ghi rõ tôi có quyền sử dụng danh xưng đó kèm theo tên trường, chứ không được dùng danh xưng chung chung. Ngoài ra, chức vụ giáo sư cũng có thời hạn, chứ không thể vĩnh viễn (ngoại trừ trường hợp đặc biệt). Điều này đúng, bởi vì ở nước ngoài, giáo sư là do trường đại học bổ nhiệm (chứ không phải "phong") dựa theo quy trình và tiêu chuẩn của trường đó. Bởi thế, tôi nghĩ không thể có chồng chéo, vì ai xưng giáo sư thì phải kèm theo tên trường, và đó phải là một qui định cứng. Thật ra, cách làm này vừa minh bạch, vừa có hiệu quả tạo sự cạnh tranh về uy tín cho các đại học (đâu có ai muốn xưng danh giáo sư của một trường không có uy tín).
Hỏi: Thưa Giáo sư, ở nước ngoài, có các loại hình giáo sư như của ĐH TĐT không? Vì ĐH TĐT cho rằng đã tham khảo ở các trường lớn trong quốc tế, vậy ở bên Úc nơi Giáo sư công tác họ phong chức vụ giáo sư như thế nào?
NVT: Theo tôi biết thì ĐH TĐT có 2 ngạch giáo sư: giảng dạy và nghiên cứu. Còn ở nước ngoài người ta có 3 ngạch cho chức vụ giáo sư: nghiên cứu, giảng dạy, và quản lí. Có những người không giảng dạy và cũng chẳng làm nghiên cứu, nhưng có công trong việc quản lí đại học và đóng góp lớn cho đại học cũng được bổ nhiệm chức vụ giáo sư. ĐH California (hệ thống đại học lớn nhất Mĩ) bổ nhiệm bà Janet Napolitano làm hiệu trưởng và giáo sư. Bà Napolitano từng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Mĩ dưới thời Tổng thống Obama. Trường ĐH New South Wales bên Úc cũng từng bổ nhiệm một doanh nhân làm hiệu trưởng và giáo sư. Nói chung, theo trào lưu tiến bộ của xã hội và "doanh nghiệp hoá" đại học, các chức vụ giáo sư ngày càng đa dạng, chứ không hẳn mang tính học thuật theo kiểu "tháp ngà" như 100 năm trước đây.
Còn về qui trình bổ nhiệm giáo sư của ĐH TĐT thì gần như y chang các đại học ở Úc và Mĩ mà tôi biết. Tức là có một qui trình bình duyệt như trong khoa học. Người công nhận chức vụ giáo sư không ai khác hơn là đồng nghiệp của ứng viên, nên hồ sơ của ứng viên được gửi ra ngoài cho các giáo sư khác bình duyệt, chứ không phải chỉ nội bộ kiểu “mẹ hát con khen hay”. Việc chọn các giáo sư nước ngoài bình duyệt phải dân chủ, tức là ứng viên có quyền chọn vài người duyệt đơn của họ, nhưng hội đồng cũng có một danh sách giáo sư ngoài duyệt đơn.
Còn về tiêu chuẩn thì tôi thấy tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư của ĐH TĐT là rất hợp lí và chấp nhận được. Hợp lí là vì có tiêu chuẩn cứng, nhưng cũng có tiêu chuẩn mềm; có tiêu chuẩn cho giảng dạy khác với tiêu chuẩn cho nghiên cứu khoa học. Có thể chấp nhận là vì những tiêu chuẩn cứng rất hợp với các tiêu chuẩn của các đại học bậc trung bên Úc và Mĩ. Do đó, tôi tin rằng nếu ĐH TĐT làm đúng với qui trình và chuẩn mực đó thì ứng viên có quyền tự hào dùng danh xưng giáo sư của ĐH TĐT trên trường quốc tế.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Phương Thuý
0 nhận xét:
Post a Comment