Home » , , , » Thêm một bài trắc lượng khoa học VN

Thêm một bài trắc lượng khoa học VN

Tập san Scientometrics mới công bố một bài về công bố quốc tế của VN (1). Tác giả dùng dữ liệu của Scopus trong thời gian 1996-2013, và tập trung vào sự hợp tác quốc tế của nghiên cứu khoa học trong nước. Bài phân tích có vài điểm hay, và minh chứng cho cảnh báo của tôi là coi chừng nền khoa học VN trở thành lệ thuộc.


Trong thời gian 1996-2013, VN công bố được 14738 bài báo khoa học. Trong số này 11317 bài là có hợp tác với nước ngoài. Nói cách khác khoảng 77% là có sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp nước ngoài; chỉ có 23% là hoàn toàn do nội lực. "Nội lực" ở đây là những bài hoàn toàn do tác giả người Việt chủ trì và địa chỉ là từ Việt Nam.

Tôi dùng số liệu trong bài báo và vẽ lại phần trăm hợp tác quốc tế (xem biểu đồ) thì thấy tỉ lệ cao nhất (trên 80%) vào thời gian 2003-2007. Nhưng sau đó thì tỉ lệ này giảm dần khi số bài báo hàng năm tăng lên. Chẳng hạn như năm 2013, tỉ lệ hợp tác quốc tế là 75%.


Biểu đồ thể hiện tỉ lệ hợp tác quốc tế (trục tung) theo năm trong thời gian 1996-2013. Mỗi vòng tròng là số lượng bài báo trong năm, với vòng tròn càng lớn có nghĩa là số bài báo càng cao. 


Khi phân tích theo ngành khoa học, thì kết quả cho thấy các ngành có tỉ lệ hợp tác quốc tế cao là nông nghiệp, y sinh học, với 80-90% là có "yếu tố nước ngoài". Các ngành vật lí, hoá học và kĩ thuật cũng có tỉ lệ hớp tác nước ngoài trên 70%. Chỉ riêng ngành toán thì tỉ lệ hợp tác quốc tế thấp hơn, khoảng 60%.

Các bài "thuần Việt" thường công bố trên những tập san hạng thấp. Trong số top 20 tập san mà các công trình thuần Việt công bố thì 15 tập san là thuộc hạng Q2-Q4. Ngược lại, những công trình có hợp tác quốc thì thường đăng trên tập san hạng 1. Trong số 20 tập san đăng bài có hợp tác quốc tế thì 14 tập san là nhóm Q1.

Hợp tác với nước nào? Câu trả lời tuỳ theo thời gian. Trong thời gian 1996-2004, trong tổng số các bài có hợp tác quốc tế thì Nhật đứng đầu bảng với tỉ lệ 17%, kế đến là Mĩ (16%), Pháp (13%), Hàn Quốc (12%), Anh (10%), Đức (9%), Úc (9%). Nhưng trong thời gian 2005-2015 thì Hàn Quốc đứng đầu bảng (12%), kế đến là Đài Loan (10%), Tàu cộng (9%), Đan Mạch (9%).

Nói chung, những kết quả của tác giả này (Hồ Mạnh Dũng, ĐH Lạc Hồng) không khác với những phân tích của tôi và chị Ly trước đây (2), hay trước chúng tôi là anh Phạm Duy Hiển (3). Tôi đã từng cảnh báo rằng theo qui ước chung, khi tỉ lệ công bố quốc tế có "yếu tố nước ngoài" lên đến 80% là được xem là nên khoa học lệ thuộc, và theo tiêu chuẩn này thì khoa học VN là nền khoa học lệ thuộc (4).

Nhưng mặt khác, tôi nghĩ trong khi VN còn kém về năng lực nghiên cứu, thì việc hợp tác quốc tế là điều cần phải làm và gần như là đương nhiên. Nhưng hợp tác như thế nào để đôi bên cùng có lợi, chứ hợp tác theo kiểu "nhảy dù" (5) mà tôi đã cảnh báo gần 10 năm trước là điều nên tránh.

Bài này cung cấp thêm một bằng chứng cho thấy tình hình tăng trưởng công bố quốc tế trong thời gian qua ở VN chủ yếu là nhờ vào ngoại lực. Điều này cũng là một minh chứng cho thấy việc đầu tư cho các nhóm nghiên cứu và labo như VNU-HCM, Duy Tân hay TDTU đang làm là rất cần thiết để nâng cao năng lực khoa học cho nước nhà và giảm lệ thuộc vào ngoại lực.

=====

PS: Một điều làm tôi "mát dạ" là bài này đã tiếp nối những bài trắc lượng khoa học mà tôi bắt đầu làm từ khoảng 10 năm trước đây, thoạt đầu là trên báo chí tiếng Việt, sau đó là tập san khoa học. Dạo đó, tôi bị chỉ trích cũng nhiều, vì họ cho là "áp đặt chuẩn phương Tây vào VN"! Bây giờ có người "nối nghiệp", tôi rất mừng. Tôi còn biết 1 em ở Hà Nội cũng thích làm những đề tài này. Nay thì thêm 1 em ở Biên Hoà.
Điều làm tôi càng vui là em này dùng R để phân tích. Thế là dần dần thì các bạn trong nước đã tiếp cận những công cụ hiện đại mà miễn phí. Thế là mấy năm nay đi chu du VN quảng bá R đã bắt đầu "đơm bông kết trái". Bài phân tích này có vài điểm có thể cải tiến hơn nếu em ấy liên lạc, tôi sẽ cho thêm ý tưởng để tiếp tục cho ra một công trình khác hay hơn nữa.

(1) http://link.springer.com/article/10.1007/s11192-015-1655-x

(2) http://link.springer.com/article/10.1007%2Fs10734-010-9319-5#page-1

(3) http://link.springer.com/article/10.1007%2Fs11192-011-0446-2#page-1

(4) http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vien-nghien-cuu-cao-cap-moi-co-cat-canh-khoa-hoc-viet-nam-1384363268.htm

(5) http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&News=147&CategoryID=3


0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : toan_dang78@yahoo.com
Copyright © 2013. Luyện Nghe Tiếng Anh - All Rights Reserved