Home » , » VN có lạm phát giáo sư không: Một cái nhìn khác

VN có lạm phát giáo sư không: Một cái nhìn khác

Theo bài này (1) thì không có chuyện lạm phát giáo sư ở Việt Nam. Nhưng theo nhiều bài trước đây, kể cả ý kiến của bác Phạm Duy Hiển (2) thì có: Việt Nam có lạm phát giáo sư. Tôi thì nghĩ câu hỏi đó không hẳn là một câu hỏi tốt. Vấn đề lạm phát hay không còn tuỳ thuộc vào phẩm chất của giáo sư, qui trình phong chức danh giáo sư, và trình độ phát triển khoa học & công nghệ.


Trước hết, chúng ta thử xem qua vài con số. Theo GS TSKH Trần Văn Nhung thì đến nay, VN đã phong cho 11619 người chức danh giáo sư (1680) và phó giáo sư (9939). Qua so sánh tỉ số giáo sư trên dân số, tỉ số giáo sư trên sinh viên, ông đi đến kết quả như sau:

·       Tàu có 3.85 GS/PGS trên 10,000 dân;
·       Đức có 3 GS/PGS trên 10000 dân;
·       Áo có 0.62 GS/PGS trên 10000 dân;
·       Nhưng Việt Nam thì chỉ có 0.42 GS/PGS trên 10000 dân.

Không rõ nguồn của những con số đó là từ đâu. Nhưng qua so sánh như thế, ông đi đến kết luận là VN không có lạm phát giáo sư. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ kĩ, chúng ta có thể thấy hai cái thiếu hợp lí trong cách so sánh này:

·       Thứ nhất là trình độ dân trí và trình độ khoa học kĩ thuật của VN kém xa các nước như Đức và Áo (mà ông lấy làm cái nền để tham khảo); do đó so sánh tỉ số giáo sư trên dân số như thế là một sai sót cơ bản. Tỉ số 0.4 có thể là 4/10, nhưng cũng có thể là 4000/10000, nhưng hai trường hợp này không có giá trị như nhau. Nó giống như so sánh mật độ long giữa con mèo với con cọp vậy.

·       Cái bất hợp lí thứ hai là tỉ số giáo sư trên sinh viên (hay dân số) không phải là chỉ số để nói về khái niệm lạm phát được. Lạm phát trong bối cảnh này có thể hiểu là số giáo sư tăng cao hơn là trình độ khoa học. Do đó, lấy chỉ số đó để so sánh cũng là một sai sót cơ bản.

Nếu so sánh như trên thì tại sao không so sánh với Mĩ luôn? Ở Mĩ có 1.54 triệu giáo sư (professor, associate professor, và assistant professor), và với dân số 319 triệu, thì tính ra là Mĩ có 48 giáo sư trên 10000 dân! Chẳng lẽ VN phấn đấu để có tỉ số bằng Mĩ? Tôi lấy ví dụ của Mĩ để chứng minh cái vô lí trong so sánh nếu mẫu số và tử số quá khác nhau và không có cùng đặc điểm. 

Nhưng tôi cũng ngờ cách tính của GS Nhung. Ông tính sao mà VN có 0.42 giáo sư trên 1 vạn dân? Trong thực tế, VN có 11619 GS/PGS và 90 triệu dân; như vậy tỉ số là 11619/9000 = 1.29 chứ. Tức là VN hiện nay có 1.29 GS/PGS trên 1 vạn dân. Con số này cao hơn Áo (0.62) và Thái Lan (0.91) -- theo như bác ấy so sánh. Trình độ khoa học của VN có bằng Áo và Thái Lan không?

Còn nếu nói rằng chỉ tính số giáo sư đang làm việc trong các đại học (536 GS và 3.290 PGS) thôi thì càng không hợp lí. Không thể "bỏ" các GS/PGS trong các viện nghiên cứu. Càng không thể bỏ những người trong các cơ quan hành chính, quân đội và công an, vì họ cũng qua qui trình phong như mọi người khác.

Đứng về mặt kĩ thuật, cách tính bằng cách chia con số GS/PGS cho dân số của một quốc gia (và con số dân số quá khác nhau) là đã sai ngay từ căn bản thống kê học. Cũng giống như so sánh hai tỉ số hai loại hormones vậy, tuy nhìn bề ngoài thì thấy hợp lí, nhưng về logic thì không hợp lí. Nhưng thôi, nói ra cái sai đó thì sẽ có người phàn nàn là "múa võ" không đúng chỗ. Chỉ có ai muốn học thật sự thì tôi mới giải thích tại sao sai.

Nhưng vấn đề lớn hơn và nghiêm trọng hơn là phẩm chất. Theo GS Nhung thì "Điều đáng mừng là trong số 522 GS, PGS được công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2015." Tuy nhiên, con số sau thì chúng ta hiểu đạt chuẩn ra sao. Vẫn theo GS Nhung, trong số 522 GS/PGS được phong năm nay, có 165 người có công bố quốc tế (chưa nói lượng và chất ra sao). Như vậy chỉ có 32% GS/PGS có bài công bố trên các tập san khoa học quốc tế. Chưa biết bao nhiêu bài là công bố trên tập san dỏm (predatory journals). Đã có ý kiến cho rằng đa số (80%) không xứng đáng danh xưng đó hay chức vụ đó (3).

Do đó, nếu đặt nghĩa của lạm phát trong bối cảnh lượng và chất thì quả thật VN có vẻ có nhiều giáo sư hơn là kì vọng dựa trên trình độ phát triển của nền khoa học. Chỉ riêng các bộ, sở, công an và quân đội mà số giáo sư đã lên đến con số hàng ngàn, thì quả là bất bình thường. Dùng cách lí giải của bác ấy và chỉ tính cho vui thôi: Nếu trình độ khoa học của Thái Lan tương đương với VN và nếu qui trình và tiêu chuẩn GS/PGS của Thái Lan tương đương với trình độ khoa học quốc gia, thì chúng ta kì vọng VN có khoảng 8200 GS/PGS. Nhưng trong thực tế, VN có gần 12000 GS/PGS, tức là cao hơn kì vọng đến 1.5 lần.

====

(1) http://cand.com.vn/giao-duc/Khong-co-chuyen-lam-phat-Giao-su-tai-Viet-Nam-372769/

(2) http://www.diendan.org/tai-lieu/ho-so/cai-cach-giao-duc/lam-ban-ve-giao-duc

(3) http://www.tin247.com/vn_co_bao_nhieu_gs_pgs_trinh_do_quoc_te-11-14987.html
"Đánh giá nghiêm túc theo chuẩn mực quốc tế, có lẽ chỉ 15-20% số GS, PGS của ta có trình độ thật sự tương xứng với chức vụ đó, theo sự thú nhận của chính ông Tổng Thư Ký Hội đồng Chức danh GS Nhà Nước. Còn lại không chỉ thấp mà có đến hơn 1/3 rất thấp. Hệ quả là rất nhiều tiến sĩ của ta trình độ không hơn gì cử nhân ở các nước, rất đông PGS của ta không so sánh nổi với trợ giảng mới ra của họ."
"Trong đợt phong GS, PGS  vừa rồi tôi biết ít ra một trường hợp gây sốc lớn: một nhà toán học trẻ tuổi (36 tuổi) đã được Hội đồng Viện Toán học đánh giá hoàn toàn xứng đáng PGS theo những tiêu chuẩn quốc tế nghiêm túc nhất, nhưng khi đưa lên xét ở Hội đồng TƯ thì bị gạt.
Tôi rất ngạc nhiên khi biêt tin đó, nhất là khi Chủ tịch Hội đồng TƯ không ai khác là chính ông bộ trưởng mà, theo sự hiểu biết của tôi, cũng là người thường không ủng hộ những kiểu tuyển chọn, đào tạo bất chấp chuẩn mực."




0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : toan_dang78@yahoo.com
Copyright © 2013. Luyện Nghe Tiếng Anh - All Rights Reserved